Khi đào tạo khác nhau, văn bằng giống nhau
Hình thức đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) sẽ đổi thành đào tạo tập trung và không tập trung chứ không còn là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên như trước đây. Hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại trên cơ sở cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra của 2 hình thức đào tạo.
Thí sinh nộp hồ sơ liên thông vào một trường đại học. Ảnh: Tấn Thạnh (NLĐ).
Đó là một trong những điểm mới đáng chú ý trong quy định về hình thức đào tạo cũng như văn bằng của giáo dục ĐH được đưa ra trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH (sửa đổi) đang được Bộ GDĐT công bố lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Tuy nhiên, việc không ghi trong bằng hình thức đào tạo (chính quy hoặc tại chức...) đã khiến dư luận băn khoăn.
Trước phản ứng của dư luận, trao đổi với báo chí chiều 24-11, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, việc phân biệt hình thức đào tạo thành đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau rồi. Hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi trên văn bằng nữa. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là lời khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo của trường- theo bà Phụng.
Như vậy, điều đó sẽ ngược với quy định tại Thông tư số 19 năm 2015, hình thức đào tạo (chính quy, thường xuyên) là một trong những nội dung được ghi trên văn bằng của các cơ sở giáo dục ĐH.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng sẽ dễ tạo ra sự lập lờ về chất lượng. Bởi, hình thức đào tạo tập trung (bằng tốt nghiệp hệ chính quy) được cho là có chất lượng hơn hẳn so với những hình thức đào tạo khác. Thực tế cho thấy, cho tới thời điểm này, nhiều địa phương, nhiều cơ quan khi tiếp nhận nhân sự đã từ chối những người có bằng đào tạo không chính quy, với lý do duy nhất: chất lượng kém. Câu chuyện nhiều nơi “nói không” với người có bằng dân lập, tại chức cho thấy đó là một vấn đề chứ không chỉ là một thái độ. Nhiều ý kiến cho rằng đã vậy thì không cần thiết giữ hệ tại chức làm gì.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GDĐT thì đây là vấn đề đã được đặt ra từ rất lâu bởi chất lượng 2 hệ đào tạo này luôn có sự chênh lệch rất lớn. Tương tự, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng- hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thì việc cấp cùng một loại văn bằng tốt nghiệp cho 2 loại hình đào tạo: chính quy tập trung và thường xuyên, ở thời điểm này là không thể vì chất lượng đào tạo của 2 loại hình này khác nhau.
Thực tế thì đa số học viên học tại chức chất lượng đầu vào thấp hơn học sinh mới tốt nghiệp THPT thi vào được ĐH. Chính vì vậy số “sinh viên tại chức” khó có khả năng theo kịp chương trình đào tạo, nên sau từ 2-3 năm, sẽ rơi rụng khá nhiều. Việc bảo đảm chất lượng đầu ra của học viên hệ tại chức ngang bằng hệ chính quy là rất khó khăn. Mà nếu theo kiểu cứ vào được trường rồi thì nghiễm nhiên sẽ tốt nghiệp thì chắc chắn sẽ phải chấp nhận chất lượng đầu ra kém chất lượng.
Mặt khác, động cơ và nhu cầu của người học không tập trung cũng rất khác so với người học chính quy, và rất quan trọng khi việc thi tuyển đầu vào cũng như trong quá trình học là khá lỏng lẻo. Việc tổ chức đào tạo (phương pháp dạy và học, bố trí môn học, thi kiểm tra đánh giá, đề tài luận án tốt nghiệp, thời gian học và tự học, nội dung cắt xén...) cũng bất cập, trong nhiều trường hợp là vi phạm quy chế.
Nhiều ý kiến của người trong ngành giáo dục nhận xét, đào tạo tại chức đã và đang góp phần làm méo mó bức tranh giáo dục nước nhà. Đáng nói là không ít trường “mải mê” với hệ tại chức vì có thêm thu nhập dẫn đến ảnh hưởng chất lượng đào tạo chính quy, hạn chế năng lực học tập và nghiên cứu của giảng viên nhà trường.
Để “gỡ bí” cho việc ghi chung hình thức đào tạo trên văn bằng tốt nghiệp ĐH, giới chuyên gia giáo dục cho rằng: cách tốt nhất là phải tổ chức một cuộc thi chung, đề thi chung, coi thi chung, chấm chung. Ai đủ điểm thì “qua”, ai không đủ thì rớt. Có nghĩa là nếu trong nhà trường vẫn giữ hệ tại chức và không bị ghi chữ “tại chức” trên văn bằng, thì người học phải đạt chuẩn chung so với người được đào tạo chính quy tập trung. Như vậy mới tạo ra sự công bằng giữa người học với nhau, và quan trọng hơn là chất lượng được bảo đảm (ở mức độ nào đó).
Nói như PGS.TS Nguyễn Văn Thư- hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM thì khi thi chung sinh viên nào vượt qua mới được cấp bằng, khi đó việc đồng nhất văn bằng mới được doanh nghiệp và xã hội công nhận. Hay nói như TS Lê Trường Tùng- chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT thì để nâng chất lượng tấm bằng thì chất lượng đầu vào, tổ chức đào tạo, thi cử, chất lượng đầu ra của hệ tại chức cũng phải tương đương như hệ chính quy tập trung. Khi đó các trường sẽ không thể dùng “tại chức” để biện minh cho chất lượng đào tạo.