Làm mới trại sáng tác

Lưu Nguyễn 03/12/2017 06:30

Đổi mới trại sáng tác là yêu cầu cần thiết để các trại hấp dẫn hơn, hoạt động sáng tác, sinh hoạt nghề nghiệp tại trại thêm sôi nổi, việc chọn tác giả dự trại cũng chặt chẽ hơn… Từ đó mở ra nhiều kỳ vọng cho mục tiêu cao nhất: có nhiều tác phẩm chất lượng, đồng thời góp phần nâng cao quyền lợi cho các tác giả.


Triển lãm các tác phẩm và công trình VHNT tiêu biểu được sáng tác trong hai năm 2015-2016 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Gia Linh.

1. Câu chuyện cải tiến, đổi mới trại sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) tiếp tục được bàn ở quy mô lớn hơn – một hội thảo của ngành văn hóa vừa diễn ra chiều 30-11 tại Hà Nội.

Không phải bàn thêm đến những nhận xét đa chiều lâu nay, hoặc thấy mô hình trại sáng tác vẫn hiệu quả, hoặc thấy những nơi này có xu hướng trở thành nơi “an dưỡng” cho các văn nghệ sĩ cao tuổi, đồng thời quãng thời gian ngắn ở trại chỉ vừa đủ nghỉ ngơi chứ khó lòng xây dựng được tác phẩm “ra tấm ra món”…

Vấn đề thiết thực hiện nay là tìm cách đổi mới hoạt động tại các nhà sáng tác, cũng như sáng tạo trong việc hợp tác giữa các hội nghề nghiệp trung ương, địa phương, các cơ quan VHNT – nơi tổ chức chương trình, hoạt động của trại sáng tác, mời văn nghệ sĩ dự trại - với trung tâm sáng tác của Bộ - nơi bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ văn nghệ sĩ sáng tác.

2.Trước hết, nên quan niệm rõ ràng về vai trò, chức năng của mỗi bên để từ đó có sự xác định trách nhiệm cũng như đặt ra đòi hỏi đổi mới phù hợp năng lực, quyền hạn mỗi phía. Cần nhìn thấy ngay vai trò nòng cốt của các đầu mối khởi xướng việc tổ chức – mở trại, là các Hội, cơ quan VHNT, trong việc xây dựng chủ đề, lên kế hoạch hoạt động của trại.

Trao đổi nghiệp vụ những gì, giao lưu nghề nghiệp ra sao, gợi ý sáng tác thế nào, thẩm định bước đầu và xúc tác cho quá trình hoàn thiện, nâng cao tác phẩm… phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, sự điều phối của các thành phần chuyên môn đó. Về phía, các nhà sáng tác, đương nhiên phải ghi nhận sự hỗ trợ không thể thiếu về các điều kiện nghỉ ngơi, bồi dưỡng, không gian sáng tác, tiện nghi sinh hoạt… nhằm giúp các văn nghệ sĩ được bảo đảm chu đáo về sức khỏe, tinh thần và yên tâm sáng tạo.

Nhưng cả hai vai trò trên sẽ khó lòng phát huy nếu không lấy đối tượng là chính người sáng tác làm trung tâm khai thác, phục vụ. Có nghĩa, các tác giả văn nghệ sĩ dự trại – “bên thứ ba”, lâu nay vẫn được tiếng là được mời, được tạo điều kiện, được giúp đỡ để tạo nên tác phẩm mới, mới chính là yếu tố quyết định cho mức độ thành công của trại bằng chất lượng sáng tác của mình.

Xét đến cùng, mọi điều kiện tổ chức, vật chất liên quan, cùng công sức lao động sáng tác của các tác giả, cũng đều nhằm phục vụ cho mục tiêu có được tác phẩm hay. Nhưng bản thân tác giả lại không phải là nhà tổ chức, bởi thế, các Hội, cơ quan VHNT sẽ chịu trách nhiệm lớn trong việc mời mọc, chọn lựa tác giả tài năng, có năng lực, có ý tưởng hay, đề cương tốt và hứa hẹn thành quả đi dự trại.

3. Những suy nghĩ trên, thực tế, vẫn là cũ. Nhưng sự xác định là cần thiết, để từ đó có định hướng sáng tạo, đổi mới ở phần việc của mỗi bên trong một trại sáng tác. Ví dụ, về phía các nhà tổ chức trại, có thể tính đến việc kéo dài thời gian hơn cho các tác giả có nhu cầu, để tạo điều kiện tập trung hoàn thành, hoàn thiện tác phẩm, không nên thuần túy cơ học theo một khoảng chục ngày hay hai tuần… Hoặc tăng cường hình thức tổ chức trại kết hợp với đi thực tế như một hình thức “trại lưu động” để cung cấp cho các tác giả thêm thông tin, dữ liệu mới.

Đồng thời, cũng nên nghiên cứu việc mở rộng không gian sáng tác sang các địa điểm lưu trú mới ở các địa bàn, địa phương, vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, nên thúc đẩy việc hợp tác sáng tạo với các nhà xuất bản, đơn vị sân khấu, ca múa, hãng phim… nhằm đưa tác phẩm từ các trại sáng tác vào chu trình sáng tạo - công bố, biểu diễn, phát hành…

Về phía các nhà sáng tác, mà cao hơn là trung tâm sáng tác, việc nâng cao chất lượng phục vụ, tiện nghi sinh hoạt cho người sáng tác, cũng là điều cần thiết. Cũng như, gọi là nhà sáng tác để các văn nghệ sĩ tập trung sáng tạo, nhưng cũng không nên thiếu những thư viện tổng hợp “giàu có” các tác phẩm văn hóa, lịch sử, văn học, ca nhạc, phim, tranh tượng, ảnh… để văn nghệ sĩ dự trại có thêm điều kiện thưởng thức, tìm hiểu nhằm hỗ trợ cho việc sáng tác.

Đồng thời, mỗi nhà sáng tác hay trung tâm sáng tác VHNT nói chung, nên nâng cao vai trò, chức năng hơn, để không chỉ là nơi phục vụ văn nghệ sĩ ăn nghỉ, làm việc, mà có thể trở thành nơi chủ động tổ chức trại sáng tác, kiến tạo các hoạt động hợp tác cùng có lợi trong chu trình sáng tạo – công bố, biểu diễn, phát hành… Đương nhiên, muốn vậy, các địa chỉ này phải có những nhà quản lý, tổ chức đủ năng lực và được sự tham vấn chặt chẽ từ các Hội, cơ quan chuyên môn.

Còn nữa, xã hội hóa, mở rộng hợp tác trong việc tổ chức trại sáng tác là việc mà cả các Hội, cơ quan VHNT và các nhà sáng tác, trung tâm sáng tác VHNT rất nên quan tâm triển khai. Hiện nay, ngoài các trại do hội nghề nghiệp, cơ quan nhà nước tổ chức, đã có nhiều trại, chương trình sáng tác, mô hình sáng tạo của cá nhân, nhóm văn nghệ sĩ được tổ chức hiệu quả. Bắt tay, tham khảo đội ngũ này, trại sáng tác của nhà nước có thể gặp được nhiều gợi ý hay cho việc làm mới mình.

Lưu Nguyễn