Đặc khu kinh tế: Chậm trễ sẽ vuột mất cơ hội

PV 04/12/2017 11:05

Những làng chài sẽ hóa siêu đô thị, trung tâm du lịch, tài chính, công nghệ… Cơ hội đang mở rộng cửa cho Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong nếu trở thành những đặc khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam. Đó cũng sẽ là cơ hội tạo động lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam lan tỏa tinh thần cải cách.

Nhà đầu tư sốt ruột, người dân ngóng chờ

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đơn vị HCKTĐB) đã được thảo luận sôi nổi. Đề án thành lập đơn vị HCKTĐB tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc cũng đã được đệ trình.

Trong Dự án này, đặc khu kinh tế Vân Đồn được định hướng trở thành đô thị du lịch sinh thái biển – đảo chất lượng cao còn đặc khu kinh tế Phú Quốc định hướng trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, dịch vụ thương mại và mua sắm quốc tế. Riêng với đặc khu Bắc Vân Phong, dù định hướng chủ yếu phát triển về cảng biển nước sâu, dịch vụ logistics cảng biển quốc tế theo thế mạnh của khu vực này, nhưng dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cũng là lĩnh vực được ưu tiên phát triển.

Trước thềm kỳ họp quốc hội, HĐND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã triển khai lấy ý kiến của cử tri đối với đề án xây dựng đặc khu Vân Đồn. Tổng số cử tri được lấy ý kiến là 30.364/30.959 người. Chỉ 1,19% số cử tri không nhất trí- con số đó đủ cho thấy người dân huyện đảo mong ngóng cơ hội đổi đời này đến cỡ nào.

Trong khi đó, ở Phú Quốc, nhà đầu tư đã và đang đón đầu cơ hội đặc khu đang đến rất gần với đảo Ngọc. 193 dự án có tổng vốn 215.194 tỷ đồng đã được cấp phép và chấp nhận chủ trương đầu tư. Có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 49.143 tỷ đồng đã đi vào hoạt động và 24 dự án đang triển khai xây dựng với quy mô vốn lên tới 103.408 tỷ đồng. Đầu tư mạnh nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng, Phú Quốc sẵn sàng đón cơ hội trở thành đặc khu hành chính - kinh tế đầu tiên của cả nước.

Cú hích đột phá cho nền kinh tế

Quy chế đặc khu nếu được thông qua và thực thi sẽ “tạo nên sức hút cực lớn, đầu tư sẽ bùng nổ trong những năm tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định với báo giới.

Theo tính toán của Bộ KH-ĐT, sau năm 2020, các đặc khu sẽ đóng góp lớn về thu ngân sách, tăng trưởng GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người. Như Vân Đồn, ước tính lượng đóng góp lên tới 1,9 tỷ USD về thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu đất đai. Tương tự, tại Bắc Vân Phong, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí; 1 tỷ USD từ đất. Còn ở Phú Quốc, ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất. Các doanh nghiệp tạo nên giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD.

Thu nhập bình quân đầu người tại 3 đặc khu kinh tế sẽ cao gấp đôi mức trung bình cả nước vào năm 2020 (4.500-5.300USD/người) và đến 2030 sẽ cao 5- 7 lần, tương đương 12.000-13.000USD/người.

Bài học thành công từ các mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới đã chứng minh khả năng tạo lực đẩy mạnh cho nền kinh tế quốc gia. Ví dụ như tại Trung Quốc, các đặc khu đã đóng góp tới 22% GDP, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu.

Tại hầu hết các quốc gia, đặc khu đã trở thành các đầu tàu kinh tế, mang lại GDP cho quốc gia và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Nhóm nghiên cứu thuộc Tạp chí kinh tế thế giới năm 2015 đã chỉ ra, sự phát triển của các đặc khu này đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp.


Toàn cảnh Vân Đồn.

Đừng chậm trễ thêm nữa

Trên thế giới, mô hình đặc khu đã chứng minh sự thành công tại hơn 100 quốc gia. Còn ở Việt Nam, “chủ trương xây dựng các đặc khu kinh tế đã có hơn 10 năm nay mà cứ bàn đi bàn lại mãi. Rất lãng phí thời gian và làm lỡ các cơ hội. Thời gian nhằm nghiên cứu, cân nhắc mô hình này cũng đủ để chín rồi, giờ cần sớm đưa vào triển khai đi”, TS. Đinh Duy Hòa, Nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính Bộ Nội vụ khẳng định.

Câu nói của TS. Đinh Duy Hòa khiến nhiều người nhớ đến câu chuyện của Quảng Ninh 5 năm trước. Năm 2013, sau chuyến công tác tiếp cận các nhà đầu tư quan tâm đến Vân Đồn của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cuối năm, chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands, tỷ phú Sheldon Adelson đã tới Quảng Ninh và bay chuyên cơ thị sát khắp vùng biển.

Lãnh đạo tỉnh hồ hởi, định giới thiệu một bài trình bày dài hai tiếng về tiềm năng và cơ hội đầu tư cho vị thượng khách. Nhưng thật trớ trêu, cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 phút. Vị tỷ phú chỉ đặt vài câu hỏi: “Thể chế cho đặc khu đã được luật hóa chưa?”; “Các ông hứa có quy hoạch tầm quốc gia thì khi nào có?”; “Hạ tầng, sân bay, bến cảng, cao tốc có được đảm bảo bằng luật pháp để chúng tôi đưa vào hàng tỷ đô la?”…

Những câu hỏi đó, Quảng Ninh không trả lời được. Cơ hội lớn vuột qua tầm tay.

“Chính từ đó chúng tôi đã chủ động dừng lại để có bước đi, chuẩn bị vững chắc hơn, để đến thời điểm có thể trả lời đầy đủ những câu hỏi đó” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thành nói sau những tiếc nuối khi kể câu chuyện 5 năm trước.

Đến giờ, câu hỏi về hạ tầng của vị tỷ phú Mỹ, Vân Đồn đã có thể trả lời bằng sân bay quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng dài 25km, tổng mức đầu tư trên 13.600 tỷ đồng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương, dài 53,6km, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dài khoảng 80,2 km, tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng…

Tất cả đều đã sẵn sàng, “song quan trọng nhất vẫn phải chờ thể chế, chờ luật”, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.

Rất nhiều đắn đo, cân nhắc đã và sẽ còn được bàn thảo, đặt lên bàn cân được và mất. Nhưng nếu cứ tiếp tục chậm, sẽ còn nhiều cơ hội đáng tiếc hơn thế nữa bị đánh mất. “Giá như ta sớm chốt được vấn đề này từ 5-7 năm trước thì có khi mọi việc giờ đã tương đối ổn định. Mô hình đặc khu đã vận hành êm xuôi, ngon lành rồi”- GS Đinh Duy Hòa nói thêm. Ông cũng khẳng định: “Khi đã đi sau bước chậm như ta, xây dựng được những cơ chế chính sách như thế nào để thu hút được những nguồn lực tối ưu, để cạnh tranh được với các đặc khu khác mới chính là chỗ khó”.

PV