Chính phủ không chủ trương đổi mới chữ viết

Th.M. 04/12/2017 14:27

Tiếp xúc cử tri tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại huyện Đức Thọ.

Sáng 4/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4 tại huyện Đức Thọ.

Cử tri huyện Đức Thọ bày tỏ đánh giá cao Kỳ họp thứ 4 đã diễn ra dân chủ, sáng tạo và thông qua nhiều quyết nghị các quyết sách lớn đối với kinh tế - xã hội của đất nước như thông qua Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật về đơn vị hành chính đặc biệt,...

Cử tri cũng đánh giá cao Nhà nước đã tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Chính phủ đã quyết liệt điều hành kinh tế - xã hội đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm nay và dự kiến hoàn thành 13/13 chỉ tiêu của Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2017; tin tưởng vào việc thực hiện các chính sách xây dựng nông thôn mới. Người đứng đầu Chính phủ đã dành nhiều tâm sức cho đổi mới, phát triển đội ngũ doanh nghiệp, quan tâm chăm lo đời sống cho người dân vùng bão, lũ.

Tuy nhiên, cử tri của các xã thuộc huyện Đức Thọ cho rằng xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn khi giá đất đấu giá thấp, không bảo đảm nguồn thu cho cơ sở tập trung xây dựng nông thôn mới, bảo đảm việc huy động nguồn lực không quá sức dân, sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, giá nông sản không bảo đảm bù đắp cho chi phí sản xuất và lợi nhuận của nông dân.

Cử tri huyện Đức Thọ cũng bày tỏ không đồng tình với đề nghị cải cách chữ viết, ghi tên các thành viên gia đình vào trong sổ đỏ sẽ gây ra lãng phí và bất cập trong các quan hệ dân sự,...

Ghi nhận các đánh giá và kiến nghị của cử tri huyện Đức Thọ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tuỳ theo thẩm quyền sẽ giao các cơ quan của Chính phủ hay chính quyền tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu và thực hiện nguyện vọng của cử tri Đức Thọ cũng như là cử tri cả nước nói chung.

Phó Thủ Thủ tướng rằng trong năm 2017 bão lũ diễn ra liên tục, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và của cả người dân, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro ở một số ngân hàng thương mại, nhiều dự án đầu tư của nhà nước yếu kém, không hiệu quả, dư địa chính sách tài chính hạn hẹp vì trần nợ công đang báo động.

Tuy nhiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện và dự kiến đạt được 13/13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Quốc hội đã giao.

Theo đó, cả 3 khu vực kinh tế (Công nghiệp- xây dựng; Nông nghiệp; Dịch vụ) đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái. Quy mô xuất- nhập khẩu hàng hoá đã tăng gấp 2 lần sau 5 năm khi đạt giá trị 400 tỷ USD.

Trong 11 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 140.400 doanh nghiệp và số vốn đăng ký tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI tăng cao nhất từ trước tới nay, đạt 33,1 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt hơn 50% số vốn này đầu tư cho công nghiệp chế biến- chế tạo.

Cũng trong 11 tháng qua, lạm phát chỉ tăng 2,35% so với cuối năm ngoái, tính bình quân lạm phát tăng 3,6%. Phó Thủ tướng cho biết việc điều chỉnh giá điện vào đầu tháng 12 vừa qua chỉ khiến CPI năm 2017 tăng thêm 0,08%, vẫn bảo đảm dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Về các ý kiến của cử tri, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương đổi mới chữ viết. Chính phủ tôn trọng tự do ngôn luận, sự khác biệt và sáng tạo của mỗi cá nhân. Phó Thủ tướng cũng không đồng tình khi ghi tên các thành viên gia đình vào sổ đỏ sẽ gây khó khăn cho đời sống của người dân và cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tổ chức đánh giá, truyền thông kỹ càng trước mỗi kiến nghị về chính sách, tránh gây ra các phản ứng chính sách không cần thiết trong xã hội.

Về các kiến nghị đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã ban hành chủ trương cho chính quyền xã đấu giá đất để tạo nguồn thực hiện Chương trình và giao UBND cấp tỉnh điều phối nguồn thu này để tránh việc có xã đấu giá được đất giá cao, nhưng có xã đạt thấp, không bảo đảm nguồn.

Về xây dựng các công trình nước sạch ở nông thôn, Chính phủ có chủ trương xã hội hoá- chính quyền giao đất (không thu tiền thuế hoặc thu ít) cho nhà đầu tư xây dựng trạm cung cấp nước sạch với giá rẻ; chỉ đạo ngân hàng chính sách xã hội cho vay lãi suất thấp để doanh nghiệp, người dân giải quyết vấn đề nước sạch tốt hơn.

Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo đảm thu nhập cho người dân, Chính phủ sẽ tổ chức phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, kết hợp với doanh nghiệp; cho thế chấp tài sản trên đất nông nghiệp tạo thêm nguồn lực tài chính cho người dân; thúc đẩy sửa đổi, triển khai lại chính sách bảo hiểm nông nghiệp; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm tiêu biểu,...

Về chế độ chính sách, tiền lương với cán bộ không chuyên trách cấp xã, Phó Thủ tướng cho biết Trung ương đã thông qua hai Nghị quyết số 18 và 19 về tinh gọn bộ máy, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để làm nền tảng thảo luận, thông qua Nghị quyết về cải cách tiền lương trong năm 2018. Trong các Đề án này sẽ có giải pháp để bảo đảm bộ máy chính quyền các cấp, các đầu mối cung cấp dịch vụ công hoạt động hiệu quả, bảo đảm tiền lương xứng đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cán bộ cấp cơ sở.

Trước đó vào sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tới viếng thăm, dâng hoa tại khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú- Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Th.M.