Đoàn tụ gia đình: Nguồn gốc của khủng hoảng chính trị Đức
Ông Abed Fhili, 44 tuổi, buộc phải để lại vợ và 3 con gái ở Syria để đến tị nạn ở Đức. Theo kế hoạch, ông sẽ tới một quốc gia an toàn và đăng ký chương trình đoàn tụ gia đình để vợ con có thể đến sống cùng ông. Nhưng kể từ đó đến giờ đã 3 năm trời mà Fhili vẫn chỉ được gặp vợ con qua… điện thoại di động.
Đàm phán thành lập chính phủ liên minh sụp đổ đẩy nước Đức vào khủng hoảng chính trị kéo dài. (Nguồn: Spiegel).
Trì hoãn chính sách đoàn tụ gia đình
Những trường hợp như của Fhili hiện đang là tâm điểm gây tranh cãi khiến cho các vòng đàm phán thành lập chính phủ mới ở Đức đi vào thế bế tắc.
Trong khi những chính trị gia bảo thủ cho rằng Đức không thể tiếp nhận thêm người di cư thì nhiều chính trị gia cho rằng những người tị nạn sẽ có cuộc sống tốt hơn nhiều nếu được đoàn tụ gia đình.
Ở một quốc gia nơi mà các chính sách thường được tạo nên thông qua sự đồng thuận, thì việc xử lý những trường hợp như gia đình ông Fhili lại gây tranh cãi.
Cuộc tranh luận giờ đã trở nên gay gắt hơn và nó thể hiện sự chia rẽ sâu sắc về tư tưởng hệ, liên quan tới việc nước Đức sẽ ứng xử ra sao với những người ngoài.
Fhili chỉ là 1 trong số 113.000 người xin diện tị nạn ở Đức nhưng chỉ được cấp diện "bảo vệ thứ cấp" - một chứng nhận pháp lý cho phép họ ở nước Đức trong vòng 1 năm. Diện bảo vệ thứ cấp khác với diện tị nạn toàn phần, mà khác nhất là không được hưởng chương trình đoàn tụ gia đình.
Trong năm 2016, chính phủ liên minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thông qua một bộ luật cấm những người thuộc diện bảo vệ thứ cấp được đoàn tụ gia đình cho đến tháng 3/2018.
Trong cùng thời điểm, chính phủ Đức cũng bắt đầu chương trình trao diện bảo vệ thứ cấp, thay vì diện tị nạn, cho rất nhiều người nộp đơn xin tị nạn đến từ các quốc gia có chiến sự như Syria.
Ông Stephan Harbarth, Phó Chủ tịch đảng CDU của bà Merkel, nói rằng việc trao quyền đoàn tụ gia đình cho những người đang xin tị nạn sẽ tạo nên gánh nặng cho nhiều thành phố và làm tổn hại các nỗ lực hòa nhập cộng đồng.
"Nếu như Đức có chính sách đoàn tụ gia đình cởi mở hơn các nước khác như Thụy Điển, Áo, Hà Lan và các nước Balkan, chúng tôi sẽ tạo nên sự khuyến khích cho dòng người tị nạn đổ đến đây" - ông Harbarth nói.
Sau khi bà Merkel tuyên bố Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn trong năm 2015 và 2016, đảng CDU của bà nói rằng sẽ đưa ra biện pháp cứng rắn hơn trong chính sách tị nạn. Nhằm hạn chế số lượng người đến trong tương lai, CDU muốn kéo dài lệnh cấm đoàn tụ gia đình đối với những người đang xin tị nạn như ông Fhili.
Đàm phán thành lập liên minh sụp đổ
Đến khi những vòng đàm phán thành lập chính phủ liên minh sau kỳ bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, đảng CDU đã nhận được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ Tự do (FDP).
Tuy nhiên, đảng thứ ba tham gia đàm phán, đảng Green, lại yêu cầu hủy bỏ sớm lệnh cấm đoàn tụ gia đình.
"Đoàn tụ gia đình là một trong những cách thức quan trọng và tốt nhất để tiếp nhận người nhập cư hợp pháp" - ông Luise Amtsberg, thành viên trong Quốc hội Đức thuộc đảng Green, nói - "Chúng ta thường phàn nàn về những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Địa Trung Hải, nhưng nếu sử dụng chương trình đoàn tụ gia đình, chúng ta có thể tiếp nhận họ một cách có chọn lựa".
Do các đảng bất đồng về chương trình đoàn tụ gia đình cùng nhiều vấn đề khác, các vòng đàm phán thành lập chính phủ liên minh đã sụp đổ khi đảng FDP rút khỏi đàm phán - gây nên cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong suốt 12 năm cầm quyền của bà Merkel.
Sau thất bại, bà Merkel tìm ra hướng đi mới, trong đó đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SDP) thỏa thuận sẽ đàm phán với đảng CDU của bà để hình thành "đại liên minh" để quản lý đất nước. Nhưng SDP, cũng giống như Green, cũng coi chương trình đoàn tụ gia đình là điểm mấu chốt.
"Kinh nghiệm đã cho thấy, khi ai đó sống ở Đức trong khoảng thời gian dài, cơ hội hội nhập của họ tốt hơn nhiều khi có gia đình họ sống chung" - bà Aydan Ozoguz, Phó Chủ tịch đảng SDP, nhận định.
Bà Ozoguz cho rằng, SDP chấp nhận về lệnh cấm đoàn tụ gia đình trong năm 2016 chỉ bởi vì các tòa án Đức bị quá tải khi phải tiếp nhận nhiều đơn xin tị nạn, và diện bảo vệ thứ cấp cũng chỉ được áp dụng cho một nhóm người nhỏ.
"Nhưng tình hình bây giờ đã hoàn toàn khác" - bà Ozoguz nói - "Tôi không thể hình dung về việc đảng SDP bỏ phiếu để kéo dài lệnh cấm này".
Số lượng người nhập cư
Một nguyên nhân khiến các đảng ở Đức không đạt được sự đồng thuận chính là vấn đề cơ bản - số lượng người nhập cư.
Đảng CDU chỉ ra rằng, ước tính sẽ có khoảng 300.000 người xin tị nạn tới nước Đức nếu như lệnh cấm đoàn tụ gia đình hết hạn.
Nhưng đảng SDP và đảng Green lại nói rằng con số thực tế là ít hơn nhiều, khoảng 100.000.
Ông Herbert Brücker, nhà kinh tế học thuộc Cục Lao động Liên bang Đức, kết luận rằng chỉ có khaongr 50.000 - 60.000 người di cư sẽ tìm đến Đức nếu chính phủ cho phép nối lại chương trình đoàn tụ gia đình.
Với con số ước tính ít như vậy, ông Brucker nói rằng vấn đề này có thể bị coi là vấn đề tiềm ẩn - khi mà suy nghĩ của nhiều người vẫn bị ám ảnh bởi cuộc khủng hoảng di cư bất ngờ trong năm 2015 và lo ngại rằng Đức sẽ lại rơi vào tình huống mất cảnh giác một lần nữa.
"Có nhiều quan điểm khác biệt về căn bản" - Andrea Rommele, chuyên gia khoa học chính trị thuộc ĐH Quản lý Hertie tại thủ đô Berlin, nhận định.
Trong khi các đảng trung hữu muốn hạn chế số lượng người tị nạn đến Đức, thì các đảng trung tả lại cho rằng chính phủ không thể áp đặt hạn chế số lượng người tới Đức vì các lý do nhân đạo.
Thậm chí hiện nay họ còn không đạt được thỏa thuận về việc quốc gia nào được coi là an toàn để những người tị nạn trở về.
Trong khi đó, một số tổ chức nhân quyền đang đưa các trường hợp như của ông Fhili lên tòa án, tranh luận rằng quyền của gia đình và trẻ em được bảo vệ theo Hiến pháp Đức, và Công ước của LHQ về quyền con người.
"Những lợi ích của trẻ em cần phải được tôn trọng" - Sigrun Krause, một luật sư làm việc cho tổ chức Jumen, nói - "Với lệnh cấm hiện nay, trẻ em sẽ bị chia tách khỏi gia đình trong vòng 3 năm".
Còn đối với Fhili, nỗi lo thường nhật về vợ và 3 cô con gái khiến cho ông không thể tập trung vào việc gì khác.
"Họ muốn chúng tôi hội nhập với xã hội Đức, nhưng làm sao chúng tôi có thể hội nhập khi gia đình mình không có ở đây và mọi suy nghĩ cũng như trái tim của chúng tôi lại đang ở Syria?" - Fhili nói.
Giới chuyên gia nhận định rằng Đức khó có khả năng hình thành chính phủ mới trước năm mới, khi mà các chính trị gia nước này cần phải quyết định về số phận của hàng chục nghìn gia đình như của ông Fhili.
"Ở đây, tại nước Đức, họ luôn nói rằng hãy chờ đợi, chờ đợi" - Fhili nói - "Tôi đã chờ đợi suốt 2 năm và tôi không biết phải làm gì hơn".