Lệch pha khu vực kinh tế

T.Hằng 05/12/2017 08:50

Theo nhìn nhận của PGS TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế.

Doanh nghiệp FDI vẫn có chỉ số năng lực cao nhất (Nguồn: Internet).

Phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI

Sự tăng trưởng mạnh của khu vực kinh tế FDI đang được chứng minh trong thực tế.

Báo cáo từ Bộ kế hoạch và Đầu tư cho biết, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 11 tháng đạt 140,65 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72,6% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu dầu thô 11 tháng đạt 138,04 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2016 và chiếm 71,2% kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với đó, nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong 11 tháng năm 2017 đạt 114,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm gần 60% kim ngạch nhập khẩu.

Tính chung trong 11 tháng năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 26,15 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 23,54 tỷ USD chưa kể dầu thô.

Không chỉ năm 2017, trong các năm về trước (2016, 2015) tỷ lệ xuất nhập khẩu của DN FDI luôn chiếm tỷ lệ 65% 70% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước

So sánh với mối tương quan DN trong nước cũng cho thấy, khi khối DN FDI ngày càng phình to thì DN Việt Nam không lớn được.

Cụ thể về cơ cấu DN, tỉ trọng đóng góp GDP của DN tư nhân vẫn đi ngang khi so sánh 4 năm gần đây. Cùng với đó là chất lượng của các DN này dường như cũng không có sự thay đổi, không phát triển.

Ông Trần Đình Thiên đưa ra số liệu tham khảo: Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI tăng nhanh từ 57% của năm 2005 lên 72% năm 2016, áp đảo khu vực nội địa.

Điều này chứng tỏ thực tế, tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam gia tăng lệ thuộc vào khu vực FDI. Sản xuất của khối DN nội địa gặp khó khăn, không gắn được vào chuỗi sản xuất của FDI.

Bài toán lớn của nền kinh tế

Thừa nhận rằng trong thời gian qua, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ mời gọi, từ tài nguyên phong phú, tới lao động giá rẻ với kỳ vọng họ sẽ mang tới công nghệ, giải quyết việc làm và đóng góp lớn cho GDP, thu ngân sách.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại DN nội vẫn không tiếp thu được công nghệ của họ, chưa thể liên doanh liên kết.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, nhiều nỗ lực cải cách môi trường đầu tư nhưng chủ yếu thực hiện và rà soát ở khu vực khối DN nước ngoài hơn là khu vực DN Việt.

Nhiều giấy phép con vẫn nhằm vào DN nội, khó mở rộng sản xuất trong khi DN ngoại được thêm quyền lớn.

Tại hội thảo tìm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, nỗi lo và bài toán lớn nhất là tránh một nền kinh tế hai khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực trong nước, không thể tách riêng kết nối chúng lại.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nhiều đánh giá cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành hai khu vực phát triển biệt lập nhau FDI và khu vực trong nước.

Nhiều người yêu cầu chúng ta phải chọn lọc FDI theo định hướng phát triển của Việt Nam, theo tiêu chí phải là công nghệ cao, vào Việt Nam phải phát triển thành chuỗi giá trị và hỗ trợ khu vực trong nước...

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kết nối như thế nào khi mà hiện trạng phát triển thời gian vừa qua cho thấy hai khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều.

Ý kiến các chuyên gia về kinh tế nhận định rằng, các dự án FDI là động lực tăng trưởng tốt nhất của nước ta trong 30 năm đổi mới.

Việc vạch ra định hướng mới trong chiến lược thu hút đầu tư, trong đó chọn lọc các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, phó Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) nói, điều DN mong muốn nhất là có thị truờng mà các DN được đối xử công bằng, bình đẳng, minh bạch để cạnh tranh lành mạnh theo đúng nghĩa.

Đây chính là động lực thực sự của DN tư nhân, là cơ hội để các DN tư nhân thể hiện vai trò, tạo đột phá về hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy kinh tế tư nhân, đóng góp vào phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ nền kinh tế đất nước.

Do đó, cần sớm chấm dứt việc phân bổ nguồn lực theo loại hình DN không công bằng, các cơ chế “xin - cho” không minh bạch…

T.Hằng