Trạm thu phí BOT và 'cảm biến xã hội'

Thành Luân 05/12/2017 09:05

Câu chuyện BOT Cai Lậy thời gian qua, ở một góc độ nào đó cũng cho thấy một “cảm biến xã hội”. Sự việc phức tạp khi nhiều tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm.

Câu chuyện rồi cũng sẽ phải có kết luận cuối cùng, tuy nhiên nguyên do phản ứng của người mua vé để phương tiện qua trạm là do họ cho rằng mình đã phải trả “phí chồng phí”, tức vừa trả phí bảo trì đường bộ qua QL1A, vừa phải trả phí qua trạm BOT Cai Lậy.

Nhiều người cũng cho là việc đặt trạm BOT trên QL1 thu phí cho tuyến tránh là bất hợp lý. Họ dùng tiền lẻ, tiền xu… trả phí để cố tình gây khó khăn cho đơn vị thu phí, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực.

Lẽ dĩ nhiên, đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã hoàn thành đi vào hoạt động thì không thể rào lại không cho lưu thông nữa.

Làm vậy chủ đầu tư con đường, kể cả đơn vị thầu thu phí trạm BOT Cai Lậy sẽ không có giải pháp nào để hoàn phí đã bỏ ra đầu tư.

Trong khi, nếu vẫn tiếp tục hoạt động thì phải có giải pháp để đảm bảo quyền lợi của cả đôi bên: doanh nghiệp đầu tư đường và chủ các phương tiện vận tải lưu thông qua tuyến đường này.

Thế nhưng, câu chuyện lại không đơn giản như vậy. Chủ đầu tư khi thực hiện tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, được sự chấp thuận về chủ trương.

Công trình thi công xong, đi vào hoạt động, chính quyền có trách nhiệm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu phí, lấy lại đồng vốn đã bỏ ra đầu tư.

Đó là nguyên tắc rõ ràng trong chính sách thu hút đầu tư lâu nay, trong đó có hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Khi cả phía chủ đầu tư hạ tầng giao thông, đơn vị thu phí trạm BOT lẫn chủ các phương tiện giao thông qua trạm đều chưa thể tìm ra được một giải pháp đồng thuận, lẽ đương nhiên cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc.

Bởi vì, chỉ có tác động về chủ trương, chính sách mới giải quyết được tận gốc vấn đề, trong bối cảnh “đường thì đã xây dựng cho vào lưu thông, còn doanh nghiệp thì cũng đã bỏ tiền ra đầu tư”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặt vấn đề về vụ việc này.

Không ai khác, chính Bộ GTVT mới có thể quyết định đến việc cân đối giữa phí bảo trì đường bộ QL1A qua thị xã Cai Lậy và biểu phí tại trạm BOT Cai Lậy.

Làm sao, việc điều chỉnh, cân đối hai loại phí này phù hợp sẽ kéo giảm được sự bức xúc như một “cảm biến xã hội” trong những ngày qua.

Khi không có sự đánh giá đúng tác động, ảnh hưởng của “cảm biến xã hội”, tức sự tương tác của người dân, xã hội về một vấn đề nóng (ở đây là trường hợp BOT Cai Lậy) thì hậu quả rất khó lường.

Thành Luân