Nạn 'chăn dắt'’ trẻ em bán hàng rong: Ngày càng nhức nhối

Vũ Mừng 05/12/2017 09:15

Tại khu vực bến xe, những điểm chờ xe bus hay trong nhiều tuyến phố du lịch... của Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh các em bé bán hàng rong. Những đứa trẻ lang thang khắp các ngõ ngách, hàng ăn, quán nhậu, mang trên vai giỏ hàng với đủ thứ lỉnh kỉnh chào mời khách qua đường.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng các em đã sớm phải vất vả mưu sinh và không ít trường hợp đang là nạn nhân của những đường dây lợi dụng và bóc lột sức lao động trẻ em.

Trẻ em bị lợi dụng, bóc lột sức lao động.

12 tuổi đời, 3 tuổi nghề...

Hà Nội về đêm ồn ào náo nhiệt hơn bởi những con phố ăn đêm, những quán nhậu, quán nước vỉa hè…Đó cũng là thời điểm nhiều em nhỏ vất vả mưu sinh kiếm tiền.

Tôi bắt gặp Thi tại phố Gầm Cầu, một trong những con phố đồ ăn luôn đông đúc. Hơn 9h tối, Thi vẫn đeo giỏ kẹo lang thang hết quán này sang quán nọ để chào mời khách mua hàng.

Dáng em gầy gầy, nước da ngăm đen. Hỏi em, em bảo em đã bỏ học. “Muốn đi học nhưng bố không cho đi. Bố bắt đi bán hàng kiếm tiền”.

Trò chuyện với Thi, được biết em quê ở Thanh Hóa. Học hết lớp hai, em nghỉ học cùng 2 bạn nữa ra Hà Nội đi bán hàng cho một bác mà bạn bè em đã quen từ trước đó.

Ngày nào em cũng đi bán kẹo từ 5h chiều đến 12h đêm. Một ngày “bác” trả cho 50 nghìn để gửi về cho mẹ. Câu nói của Thi: “Đòi đi học là bố đánh đấy” làm tôi cứ ám ảnh mãi.

Tiếp cận một bé trai bán hàng rong, tại điểm bus trước cổng Đại học GTVT, cậu bé giới thiệu tên Mạnh.

Năm nay em 12 tuổi nhưng đã có tới 3 năm tuổi nghề. Mỗi buổi sáng, các em nhận hàng rồi đi bán đến khuya mới về. Mạnh kể “các anh” dặn khi bán hàng thấy công an thì phải lảng đi chỗ khác hay người lạ hỏi không được nói.

Câu chuyện về những em bé nhọc nhằn mưu sinh với giỏ hàng rong từ sáng sớm tới tận đêm khuya, thậm chí bị những người “chăn dắt” đánh đập không còn mới.

Trao đổi với chúng tôi, anh T., một người dân sống tại khu vực ngã tư Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng cho biết, đã quá quen với việc mỗi buổi chiều lại có một bé gái chừng 8 tuổi đến bán hàng tại khu vực này.

Anh cho biết, người đàn ông giả dạng xe ôm đứng ở góc đường chính là người đưa đón em tới đây hằng ngày. Bất kể thời tiết nắng hay mưa gió, công việc này được lặp đi lặp lại.

Cũng theo anh T. các đối tượng chăn dắt đều là thành phần bất hảo trong xã hội. Nếu các em không bán đủ số tiền yêu cầu sẽ bị chửi bới, đánh đập.

Gia nhập đội ngũ bán hàng rong

Những đứa trẻ được các đối tượng, đường dây chăn dắt nhắm tới thường là trẻ em những vùng quê nghèo khó, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thông qua bạn bè các em hoặc hứa hẹn tạo công ăn việc làm là cách để những đối tượng này đưa những đứa trẻ quê mùa ra Hà Nội.

Sau khi được các ông, bà chủ gom nhặt, bọn trẻ thường trải qua những khóa “huấn luyện” về cách đi bán hàng rong, như đến những nơi có đông người qua lại, nhiều hàng quán. Phần lớn các em đều nằm trong độ tuổi từ 6 đến 12, đều đã nghỉ học.

Một vài điểm nóng về trẻ em bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội có thể kể đến như khu vực nút giao Lê Văn Lương với đường vành đai 3; ngã tư Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng; các tuyến phố đi bộ và khu vực bến xe...

Hàng ngày, vào những khung giờ cao điểm các em sẽ được người quản lý chở tới địa bàn đã định sẵn. Mọi công việc buôn bán đều nằm trong sự kiểm soát của thế lực “chăn dắt”.

Thường thì toàn bộ số tiền kiếm được sẽ phải nộp cho chủ, đổi lại sẽ được trả lương hàng tháng, được cho ăn và bảo đảm địa bàn hoạt động.

Lần theo chút thông tin từ Mạnh, chúng tôi tìm đến khu trọ của người lao động ngoại tỉnh tại con phố Nguyễn Phúc Lai.

Cả con phố nhỏ là một khu trọ khổng lồ cho người có thu nhập thấp nên phần đa các căn nhà đều tạm bợ, không đảm bảo vệ sinh.

Người thuê trọ chủ yếu là lao động chân tay hoặc buôn bán đồ phế thải. Mỗi buổi sáng hoặc chiều muộn rất dễ để có thể gặp được lũ trẻ lếch thếch đeo giỏ hàng theo người lớn tỏa đi khắp các khu vực bán hàng tại Hà Nội.

Còn đúng như lời anh T ở ngã tư Nguyễn Hoàng, có mặt tại khu vực trên, vào chiều tối của ngày đầu tháng 12 này, khi lượng người qua lại trên đường vắng, chúng tôi chứng kiến một bé gái đã nhanh chóng đến chỗ của người đàn ông kia để giao nộp số tiền.

Ai sẽ bảo vệ các em?

Dư luận đã từng dậy sóng với nhiều trường hợp, trong đó gần đây nhất là vụ việc người phụ nữ ôm đứa bé tự nhận là con của mình để đi xin tiền ở TP Hồ Chí Minh, với hoàn cảnh được vẽ lên hết sức thương tâm: không nhà cửa, cuộc sống lay lắt, cháu nhỏ lại mắc bệnh tim không có tiền chữa trị.

Thực chất đây là một con nghiện đang lợi dụng đứa trẻ để có tiền tiêm chích ma túy.

Việc trẻ em bị ép buộc lao động sớm, khiến các em bị tước quyền đến trường, hao tổn sức khỏe; trí tuệ phát triển lệch lạc...

Không được học hành, cũng không nhận được sự giáo dục tử tế, bị huấn luyện cách lợi dụng tình thương từ người khác, e sau này các em khó giữ được nhân phẩm để trở thành người tốt; nguy hại hơn là các em dễ rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội…

Theo các chuyên gia xã hội học, muốn giải quyết tốt tình trạng bóc lột trẻ em, cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Khoản 12, Điều 6 của Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 nghiêm cấm: Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

Còn theo Điểm C, Điều 17 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006 quy định người nào lợi dụng trẻ em vào mục đích trục lợi, bắt trẻ em đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ em..., ngoài việc xử lý hành chính phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng tuỳ theo lỗi nặng nhẹ mà phải xử lý nghiêm trước pháp luật...

Vũ Mừng