Khi luật xa cuộc sống
Những ngày qua trạm thu phí BOT Cay Lậy (Tiền Giang) lại thất thủ, sau 2 tháng bất động. Một trạm thu phí được coi là đặt “nhầm chỗ”. Từ câu chuyện BOT Cai Lậy mới thấy, chính sách được ban hành phải đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Và nhìn rộng ra thì chính sách và pháp luật là để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, cũng như ngăn ngừa các vi phạm.
Nhưng thời gian qua nhiều văn bản luật ra đời nhưng lại xa rời cuộc sống, tạo thêm những rào cản trong việc thực hiện pháp luật.
Xin được nhắc lại rằng trước khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực tháng 7/2016, Báo cáo tổng kết công tác tư pháp của Bộ Tư pháp cho thấy có tới hơn 10.000 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu chưa bảo đảm tính pháp lý.
Hàng năm tỷ lệ văn bản pháp luật do các ngành, các địa phương ban hành nhưng lại xung đột với hệ thống pháp luật chung là khoảng 30%.
Trước Cai Lậy, những ngày qua, dư luận xã hội, các nhà làm luật cũng xôn xao với Thông tư 33/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn ghi tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ hộ gia đình.
Phần đông ý kiến nhìn nhận quy định như Thông tư 33 là rắc rối, gây khó khăn. Quy định trên làm dư luận gợi nhớ đến hàng các quy định “trên trời” khác như: Xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng khi ngay cả lực lượng chức năng cũng không thể xác định tem giả “bằng mắt”; mua bán xe máy cũ không sang tên chính chủ…
Đó cũng chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều quy định khó hoặc không thể thực hiện do thiếu tính thực tiễn. Thế nhưng từ Thông tư 33, nói như lời ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) thì cần rút ra bài học sâu sắc trong xây dựng văn bản.
Không thể chỉ đơn giản là làm đúng quy trình. Một bộ phận không nhỏ người dân không đồng thuận, gây bức xúc xã hội, thì cần nghiêm túc xem xét lại chất lượng, sự “thực chất” của việc lấy ý kiến văn bản trước khi ban hành.
Ban hành nhiều luật nhưng luật không đi vào cuộc sống thì ban hành liệu có đem lại ý nghĩa, nhiều khi là phản tác dụng gây nên những bức xúc trong dư luận.
Một câu hỏi luôn được đặt ra khi xảy ra các vấn đề đó là do pháp luật hay do việc thực thi pháp luật kém không hiểu luật dẫn đến làm sai?
Dù trong tình huống nào một bộ phận không nhỏ người dân không đồng thuận, gây bức xúc xã hội cần phải được các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật xem xét một cách căn nguyên nhưng phải thấu tình đạt lý.
Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, đề cập đến công tác xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến, công tác xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, rất cơ bản, là vấn đề quan trọng.
Nhà nước quản lý thông qua luật pháp, cơ chế chính sách. Nhưng làm luật cũng phức tạp, có luật ra 1-2 năm rồi phải sửa, thậm chí Bộ luật Hình sự vừa thông qua đã phải chỉnh sửa lại.
Làm luật rất khó, nội dung nhiều cái mới theo quan điểm thay đổi của chính sách. Riêng kinh tế thị trường định hướng XHCH vận động thì luật cũng phải thay đổi theo.
Ta mới đi vào đổi mới, chưa có kinh nghiệm, 30% ĐBQH là chuyên trách, số còn lại là làm nhiều việc khác, không chuyên sâu.
“Nhiều ý kiến nói sao ta không để ĐBQH chuyên trách 100% như các nước nhưng nước ta có cái khác là ĐBQH là đại diện cho nhân dân, do đó phải có nhiều thành phần, đại diện cho các tầng lớp, thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân. Do đó ta cần từng bước cố gắng, tăng ĐBQH chuyên trách, các nhà làm luật, rồi lắng nghe ý kiến nhân dân. Nhưng có luật rồi quan trọng là làm sao đưa luật vào cuộc sống, có luật rồi nhưng vẫn vi phạm phải xử lý, rồi chưa hiểu luật hay người ta hay nói là “mù luật” nên cũng dẫn đến làm sai”-Tổng Bí thư nói. Những điều được Tổng Bí thư nhắc đến là quy định phải vận động theo cuộc sống.
Nhưng đôi khi không theo cuộc sống, hay “mù luật” do không hiểu còn tồn tại ngay tại cơ quan nhà nước thì với nhân dân sẽ thế nào?
Cách đây nửa tháng, khi Quốc hội thảo luận về Luật Bí mật nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã chỉ ra tình trạng “lạm dụng mật” thông qua việc “đóng dấu mật vào những văn bản không mật”, “có những danh mục mật từ năm 2000-2004 vẫn dùng” trong khi hệ thống liên quan đến công khai minh bạch đã sửa đổi nhiều.
Bà Nga thẳng thắn chỉ rõ: Có cơ quan đóng dấu mật cả danh sách vụ trưởng hiện hành, có cơ quan đóng dấu vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó không có thông tin mật nhưng vẫn đóng dấu mật làm cho đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mình chất vấn.
Trong phòng, chống tham nhũng chậm công khai và công khai hình thức, lợi dụng bảo mật để không công khai ở nhiều cơ quan bộ ngành.
Những điều đó đã vô tình đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp dễ bị quy chụp do văn bản luật không rõ ràng, thậm chí một số cán bộ trong một số trường hợp bị quy làm lộ bí mật”.
Ở góc độ nào đó phản ánh của bà Nga được đặt ra ở góc độ cơ quan lập pháp, nhưng rõ ràng cũng đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm bởi hệ thống những văn bản pháp luật luôn được cập nhật song nhiều nơi vẫn đưa ra các “quy định riêng” để gây cản trở, nói cách khác là hiểu luật nhưng vẫn lách luật.
Quốc hội khóa XIII đã “lập lên một kỳ tích” khi thông qua được 100 bộ luật và luật, 112 nghị quyết và 10 pháp lệnh.
Tuy nhiên Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội cũng từng nhìn nhận, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế.
Không ít quy định của luật còn nặng về nguyên tắc chung, thiếu tính ổn định, chưa xác định được nguồn lực để triển khai thực hiện.
Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vẫn là một khâu yếu, làm cho pháp luật chậm đi vào cuộc sống, chưa phát huy đầy đủ tác dụng điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội.
Vì thế trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, và xu thế hội nhập toàn diện đời sống kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền thì việc nâng cao chất lượng luật cũng như hiệu quả của việc phổ biến, giáo dục pháp luật để qua đó củng cố, tăng cường hiệu lực pháp luật đang trở nên cấp thiết.
Cho nên, đối với Quốc hội và HĐND không chỉ chú ý tới việc thông qua, ban hành các luật, các văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là phải giám sát pháp luật để pháp luật vào cuộc sống, cũng như sớm sửa đổi, hủy các quy định lỗi thời, không hợp thực tế.
Chỉ khi nào văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn xã hội, được xây dựng trên nền tảng lợi ích và nguyện vọng chung của nhân dân là ý chí chung của toàn xã hội thì mới thực sự có sức sống.
Nếu không văn bản quy phạm pháp luật chỉ là những quy định “giấy trắng mực đen”, khó có thể đi vào thực tế cuộc sống, nhất là trong nhiều trường hợp xảy ra vi phạm bức xúc nhưng không thể quy trách nhiệm.
Như phản ứng của người dân đối với trạm thu phí Cai Lậy là đáng suy nghĩ trong một Nhà nước pháp quyền.