Tận dụng thời cơ cách mạng 4.0 để bứt phá
Tận dụng thành công cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại sẽ hình thành những phương thức phát triển mới, tạo cơ hội cho các nước đi sau nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Sáng nay, 5/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự khai mạc Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017”. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, địa phương, cùng hơn 1.500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội tụ của công nghệ tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới trong sản xuất kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Tận dụng thành công cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại sẽ hình thành những phương thức phát triển mới, tạo cơ hội cho các nước đi sau nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến.
Nhấn mạnh việc các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Chương trình “Công nghiệp 4.0” của Cộng hòa Liên bang Đức; Chương trình “Hợp tác sản xuất tiên tiến” của Mỹ với sáng kiến “Cộng đồng công nghiệp Internet”; Chiến lược thu hút chất xám và trí tuệ toàn cầu để trở thành quốc gia điện tử của Estonia... Rồi, nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon đã trở thành những người khổng lồ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách tận dụng thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ Chính trị có Nghị quyết 36 về đẩy mạnh ứng dụng phát triển công nghệ thông tin. Chính phủ đã có Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới…”.
Thủ tướng thăm một gian hàng công nghệ tại triển lãm.
Để rõ hơn, Thủ tướng dẫn ra một số số liệu như: Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng gần gấp đôi, từ 1.800 năm 2016 lên trên 3.000 năm 2017. Cùng với khoảng 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hoạt động tại Việt Nam, các tập đoàn, ngân hàng lớn và các nhà đầu tư tích cực tham gia huy động, sử dụng nguồn lực tài chính lớn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã rất thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số như FPT, DTT... Tập đoàn Viettel đã được xếp trong top 5 thương hiệu viễn thông hiệu quả nhất ASEAN, top 100 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt ngưỡng 1 tỷ USD.
Nhưng, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận: Áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt và đứng trước áp lực lớn về nguồn lực để chuyển đổi, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá. Việc hình thành, phát triển lực lượng lao động được trang bị đủ kỹ năng, trình độ để khai thác, làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới, tạo ra được sản phẩm, dịch vụ, giá trị gia tăng, việc làm mới cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Vì thế, Đảng và Chính phủ nêu rõ trong chương trình hành động nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ của Việt Nam như: Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp đầu tư phát triển, đổi mới, ứng dụng công nghệ cao; vận hành hiệu quả các quỹ phát triển công nghệ; tập trung phát triển các đô thị thông minh; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin đóng vai trò là “hạ tầng của hạ tầng” cho nền kinh tế số; Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế; Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; thúc đẩy khởi nghiệp trong mọi ngành, lĩnh vực; Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa và động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, ứng dụng thành công các thành tựu khoa học - công nghệ vào thực tiễn đời sống.
Việt Nam có vị trí địa kinh tế thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động nhất thế giới. Trong môi trường thuận lợi này, nếu chúng ta “tập trung vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một yếu tố then chốt quyết định sự phát triển thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo.
Trong chiều 5/12 còn có 3 hội thảo chuyên đề với các chủ đề: “Đổi mới các ngành sản xuất với các công nghệ đột phá: Xu hướng và giải pháp”; “Thúc đẩy thương mại dịch vụ trong kỷ nguyên số” và “Tầm nhìn chiến lược xây dựng đô thị thông minh”.