Lên Chiêm Hóa thưởng thức bánh gai
Lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang), khó mà từ chối khi được mời chiếc bánh gai - thương hiệu đặc sản nổi tiếng của đất Tuyên Quang. Cái thứ bánh gì mà như quện tất cả các vị thơm ngon, ngọt bùi, để rồi thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Trong các hộ làm bánh gai ở Chiêm Hóa, gia đình bà Trương Thị Sâm, thị trấn Vĩnh Lộc có tiếng hơn cả. Theo bà, cái làm nên hương vị của bánh gai chính là lá gai, lá gai ngon phải là loại lá to, bánh tẻ, đem phơi khô, tước bỏ hết gân, thái nhỏ đem luộc rồi vắt kiệt nước, xay nhuyễn trộn với bột. Đỗ xanh phải là loại đỗ chè, hạt nhỏ mới bở, thơm. Còn gạo phải là thứ nếp cái hoa vàng, khi xay, bột mới dẻo. Muốn có bánh gai ngon thì không luộc mà phải hấp như thổi xôi, cho sôi khoảng hai tiếng, căn cho đều lửa, bánh mới mềm, dẻo. Ở huyện Chiêm Hóa, đa phần người dân vẫn dùng bếp củi để đun nấu.
Bình quân mỗi ngày gia đình bà Sâm sản xuất khoảng gần 300 cặp bánh. “Để tạo uy tín, ngoài bí quyết gia truyền thì từ nguyên liệu từ hạt gạo, đỗ xanh đến lá gói phải lựa rất cẩn thận, làm phải đúng quy trình, đặc biệt là phải đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ. Có như vậy khách mới nhớ tới mình”, bà Sâm chia sẻ.
Những chiếc bánh gai được nặn tròn, rắc vừng ở ngoài, sau đó gói trong lá chuối. Điểm đặc biệt, bánh gai ở Chiêm Hóa được gói thành cặp chứ không gói một cái như ở các nơi khác. Chưa cần bóc bánh, mùi thơm đặc trưng của lá chuối đã khiến thực khách muốn được thưởng thức.
Bánh gai Chiêm Hóa nức tiếng xa gần có lẽ bởi mỗi chiếc bánh như quện cả vị ngọt của mật mía, mùi thơm nếp cái hoa vàng, bùi béo của dừa nạo... Việc pha nhân cũng phải có nghệ thuật, đỗ xanh sau khi nấu được giã nhỏ, mịn, cho đường, dừa, dầu chuối trộn đều lên. Giữa miếng nhân là miếng mỡ lợn cắt vuông chừng 1 cm và ướp đường trong suốt, cắn giòn giòn. Hương vị của lá gai quyện vào mùi thơm của gạo nếp tạo nên hương vị rất đặc trưng.
Được biết nghề làm bánh gai của huyện Chiêm Hóa bắt đầu từ năm 1940 ở thị trấn Vĩnh Lộc, bánh thường được làm vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết để dâng cúng tổ tiên, biếu, tặng người thân. Lúc bấy giờ chỉ có 2 hộ gia đình biết làm bánh là hộ cụ Lương Thị Thanh và cụ Vương Thị Châm, khi mất, các cụ truyền lại nghề cho con cháu, lâu dần nhiều hộ trong thị trấn học theo, lưu giữ nghề truyền thống.
Dẫu biết theo nghề này phải thức khuya dậy sớm lại khó giàu, nhưng bao năm qua những người làm bánh gai ở thị trấn Vĩnh Lộc vẫn gắn bó với nghề. Họ cố gắng lấy công làm lãi, giá bán mỗi cặp bánh là 10.000 đồng mà không tăng giá. Đơn giản bởi ngoài lợi nhuận để mưu sinh người dân nơi muốn lưu giữ nghề truyền thống của cha ông và gìn giữ một đặc sản của quê hương Chiêm Hóa.