Sơn tra mở lối thoát nghèo
Cây sơn tra (hay còn gọi là táo mèo) có từ rất lâu, chủ yếu mọc tự nhiên và phân bố rải rác trên các triền núi của các xã vùng cao.
Cây sơn tra đang là cây có thế mạnh của Sơn La, tập trung lớn nhất ở huyện Bắc Yên.
Để từng bước đưa cây sơn tra trở thành cây trồng chủ lực, đồng thời mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng quả tại các vùng trồng, thời gian qua, huyện Bắc Yên (Sơn La) đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách đầu tư phát triển sản xuất cây sơn tra, bước đầu hình thành vùng trồng tương đối tập trung tại 5 xã trên địa bàn huyện là Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng với tổng diện tích hiện có 1.974 ha trong đó gần 900 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân trên 2.000 tấn quả/năm.
Cùng với đó, huyện còn liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả sơn tra trên địa bàn đảm bảo luôn có đầu ra cho người dân với giá ổn định; phối hợp với Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây Bắc tổ chức lựa chọn các cây gen trội để ghép mắt cải tạo 2.563 cây tại 3 xã (Hang Chú, Xím Vàng, Làng Chếu); hỗ trợ kỹ thuật, phân bón để nhân dân chăm sóc 56 ha cây sơn tra. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản để kéo dài thời gian lưu quả; xây dựng vườn ươm sản xuất giống cây lưu động tại các xã để sản xuất cây giống tại chỗ phục vụ các hộ trồng. Do vậy, diện tích cây sơn tra càng ngày được mở rộng và tăng dần qua các năm.
Theo phòng Nông nghiệp huyện, xác định cây sơn tra là một trong những cây thoát nghèo, huyện đã xây dựng đề án phát triển kinh tế, trong đó có cây sơn tra là cây trồng chủ lực. Hiện nay, diện tích cây sơn tra ở các xã đã được quy hoạch, giao cho các hộ khoanh nuôi bảo vệ. Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón cây sơn tra đúng kỹ thuật.
Vào mùa này, dọc hai bên đường lên các xã vùng cao Bắc Yên, những điểm thu mua táo sơn tra tấp nập người mua, người bán, những chiếc ô tô vượt đỉnh Tà Xùa lên vùng cao “ăn hàng”. Cây sơn tra đã trở thành hàng hóa. Để mở rộng diện tích và nâng cao năng suất cây trồng, tăng chất lượng quả, bảo đảm phát triển bền vững, vùng cao Bắc Yên đang hiện thực hóa sự liên kết 4 “nhà” để cây Sơn tra thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho đồng bào vùng cao.
Ông Sồng A Mang, bản Cáo A, là hộ có diện tích sơn tra nhiều nhất xã, với 5 ha, thu hoạch được hơn 5 tấn quả, bán gần 30 triệu đồng. Ông Mang cho biết: Cây sơn tra là cây chủ lực được trồng ở Làng Chếu, bản có 40 ha giao cho 57 hộ quản lý, bảo vệ và thu hái. Vụ sơn tra năm nay ước tính thu được 100 tấn quả, giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Vụ trồng rừng vừa qua, bản trồng thêm được hơn 20 ha cây sơn tra.