Đất nước Cameroon

(Nguồn tham khảo: Science Alert Wikipedia) 05/12/2017 18:45

Cộng hòa Cameroon thuộc khu vực Trung Phi, giáp với Nigeria, Tchad, Cộng hòa Trung Phi, Guinea Xích đạo, Gabon và nước Cộng hòa Congo. Có thể nói, Cameroon như nằm giữa Trung và Tây Phi, do sự tiếp giáp với nhiều quốc gia nên nền văn hóa ở đây cũng rất phong phú, được mọi người gọi là “châu Phi thu nhỏ”.


Kiến trúc truyền thống trong những ngôi làng ở Cameroon.

Đất nước Cameroon rất đa dạng các loại địa hình với những bãi biển, hoang mạc, dãy núi chạy dài, những khu rừng mưa... Cameroon cũng là nơi nhập cư của nhiều người từ các quốc gia khác đến trong những cuộc di dân, nên cũng đa dạng về dân tộc, có tới 200 nhóm ngôn ngữ khác nhau.

Người ta nói rằng, nguồn gốc văn hóa Cameroon bắt đầu từ hồ Tchad, nơi khí hậu mát mẻ, sinh vật đa dạng, đất đai phì nhiêu. Những người Cameroon cổ xưa đã dựa vào hồ Tchad để sinh sống. Có thể coi nhóm sắc tộc Baka rất giỏi về săn bắn là chủ nhân đầu tiên của khu vực này.

Cùng với nhiều sắc dân của lục địa Đen, cũng như nhiều nước châu Phi Khác, Cameroon ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Nam Âu ngay từ thế kỷ thứ 15 khi những nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đặt chân tới đây. Sau đó nhiều trăm năm, rất nhiều người châu Âu (nhiều nhất là người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Anh) đã đến đây sinh cơ lập nghiệp. Họ mang theo cả một nền văn hóa cũng như cung cách làm ăn, sinh hoạt hàng ngày. Các đô thị cũng theo chân người di cư châu Âu mà mọc lên.

Với trên 200 sắc tộc, nhưng ngoài tộc Baka thì có một số nhóm sắc dân bản địa chính, bao gồm: Những người sống ở phía tây đất nước, nơi có những cánh đồng cỏ, gồm người Bamileke, Bamoun và người Tikar. Nhóm dân cư thứ hai sống ở ven biển, gồm người Bassa, Douala. Nhóm dân cư vùng rừng nhiệt đới phía nam, gồm người Beti-Pahuin, người Bulu, người Fang, người Maka, người Njem và các nhóm người Pygmy Baka. Nhóm dân sống ở miền bắc khô cằn chủ yếu là người Fulani và người Kirdi.


Cuộc sống hàng ngày của người dân nông thôn Cameroon.

Giới nhân chủng học cho rằng, người Baka, hay còn gọi là người Pygmy là những cư dân đầu tiên tại Cameroon. Tới nay, họ cũng ít thay đổi do cuộc sống khá bó hẹp. Họ vẫn giữ được những gì cổ xưa, đặc biệt là sự hiếu khách. Bất cứ người nào cũng được họ đón tiếp tận tình và cuộc trò chuyện bắt đầu với lời chào và hỏi thăm sức khỏe các thành viên trong gia đình khách (cho dù có quen nhau hay không).


Người Cameroon yêu bóng đá đến cuồng nhiệt.

Nhiều người Baka sống gần sông Sanaga và kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác đã giúp họ trở thành những người chèo thuyền tài ba, những người săn bắt cá giỏi giang. Thuyền của người Baka là thuyền độc mộc, đục rỗng từ một thân gỗ lớn. Ngay từ nhỏ, trẻ em trai đã được bố cho đi bắt cá cùng. Nên bất cứ cậu thiếu niên nào cũng biết chèo thuyền, bơi lặn rất giỏi và bắt cá cũng thuần thục. Đàn ông Baka chuyên săn bắt, cả trên rừng lẫn dưới sông. Họ mang thực phẩm về nhà mỗi ngày. Còn phụ nữ thì làm tất thảy mọi việc trong nhà, trong đó một việc rất quan trọng là dạy dỗ con gái đảm đương được công việc nhà chồng mai sau.


Trên dòng sông Sanaga.

Đến nay, cuộc sống của đại đa số người Cameroon đã thay đổi, nhưng ở một số vùng hoang mạc, vùng núi cao người già vẫn duy trì một số tập tục rất khó giải thích, trong đó có tục ăn đất.

Pharolikan Lee, một nhà nhân chủng học đến từ nước Anh kể lại câu chuyện về một người phụ nữ Cameroon tên là Sheila. Chị có khả năng ăn đất sét trắng (kaolin). Sheila kể: “Lúc đó tôi đang học tiểu học. Dì tôi ăn đất sét và tôi thường đi mua thứ này ở chợ về cho dì thưởng thức, và rồi tôi cũng biết ăn nó”.

Theo Sheila, không ít người cao tuổi ở quê chị ăn kaolin hàng ngày, vì thế tới nay tại nhiều ngôi chợ người ta vẫn bán đất sét trắng như bán rau hay hoa quả vậy. Theo Pharolika Lee, nhiều người ở hoang mạc Cameroon ăn đất sét trắng, nhưng chủ yếu là phụ nữ lúc mang thai. Còn theo nữ giáo sư Đại học Cornell (Mỹ), bà Sera Young- người đã trải qua 2 năm nghiên cứu và phân tích gần 500 tài liệu hiện đại và lịch sử về hành vi ăn đất thì hiện tượng đó không chỉ có ở Cameroon mà tại Tanzania cũng có. “Nó không phải là một thói quen kì quặc mà như một tập tục, mà cũng có thể người phụ nữ khi mang thai thiếu một chất gì đó trong cơ thể chỉ có thể tìm được trong kaolin” - giáo sư Sera Young giải thích. Bà cũng cho biết, tại nhiều khu chợ, người ta bán loại đất sét trắng này sau khi đã ướp một số loại gia vị, trong đó có hạt tiêu giã nhỏ.

Trang web MedHunter cho biết, một số loại đất sét có chứa một số khoáng chất rất tốt cho phụ nữ mang thai. Ví dụ, 100 gam đất sét trắng cung cấp 15 mg cancium, 48 mg sắt, 42 mg kẽm, một lượng nhỏ đồng và một số nguyên tố. Có lẽ đó là lý do mà những người bị chứng thiếu máu hay ăn đất sét- giáo sư Sera Young cho biết thêm.

Còn theo Julia Hormes, giáo sư khoa tâm lý học Đại học Albany (Mỹ) thì việc ăn đất liên quan đến văn hóa dân tộc. Ví dụ, phụ nữ ở Cameroon thèm ăn đất cũng giống như phụ nữ châu Âu hay Bắc Mỹ thích ăn chocolate hay kem lạnh vậy. Có lẽ vì thế mà Ranit Mishori - giáo sư khoa y khoa Gia đình và bác sĩ Trung tâm Y khoa Đại học Georgetown (Mỹ) nói rằng: “Bởi vì hành vi ăn đất được coi là hiện tượng gắn liền với văn hóa dân tộc cho nên tôi không đánh giá nó là hành vi bất thường”.

Tới Cameroon, người ta còn được nghe kể về những thảm họa tự nhiên, trong đó nổi bật nhất là thảm họa xảy ra ở hồ Nyos (miệng núi lửa phía tây bắc Cameroon).

Người ta kể rằng, thảm họa ập đến một cách bất ngờ, khi hồ nước hiền lành bất chợt thải ra hàng ngàn tấn carbon dioxide độc hại. Chúng tạo thành những đám mây khí độc bay đi với tốc độ gần 100 km mỗi giờ, quét qua những khu vực lân cận và khiến 1.746 người cùng hơn 3.500 con gia súc bị chết chỉ trong một đêm. Trong vòng bán kính 25 km tính từ hồ Nyos, bầu không khí bị nhiễm độc. Tới nay, những người dân sống ở làng Subum tuy nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng nhưng vẫn bị bệnh viêm phổi dày vò. Vì thế, người làng dần chuyển đi nơi khác, mang theo một câu chuyện buồn không nguôi...

Thế Tuấn

(Nguồn tham khảo: Science Alert Wikipedia)