Gỡ khó cho vay nông nghiệp công nghệ cao

T.Hằng 06/12/2017 08:30

Sau hơn nửa năm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, dư nợ đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực này đã đạt 36.000 tỷ đồng cho gần 6.400 khách hàng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng thương mại, việc cho vay đối với chương trình nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn gặp một số khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank, hiện số lượng doanh nghiệp (DN) được cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn còn chậm, điều này khiến đối tượng tiếp cận gói tín dụng trên bị hạn chế. Tài sản của các DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu là nhà lưới, nhà kính; các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay.

Để hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 hướng dẫn, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai Chương trình với một số nội dung chủ yếu: Các NHTM tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM; Khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định của pháp luật… Bước đầu đã có 8 NHTM cam kết dành nguồn vốn khoảng 135.000 tỷ đồng để cho vay các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp có hiệu quả; đồng thời đã có văn bản chỉ đạo triển khai trên toàn hệ thống và xây dựng các sản phẩm tín dụng mới phục vụ phát triển cho vay đối với lĩnh vực này..

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Các DN ứng dụng công nghệ cao cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao không hấp dẫn đối với của các NHTM vì đây là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài... Do vậy Chính phủ cần có những biện pháp thích hợp cả về cơ chế, chính sách để các DN có thể tiếp cận những gói tín dụng ưu đãi.

T.Hằng