Băn khoăn miễn học phí cấp trung học cơ sở
Theo ông Phạm Văn Đại - phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đề xuất miễn học phí bậc THCS cần tính đến việc có tạo ra sự bất hợp lý giữa trường công lập và trường ngoài công lập.
Quang cảnh hội thảo.
Ngày 5/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại Hà Nội. Nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ sự đồng tình với những vấn đề được đề cập trong dự thảo như tăng lương cho giáo viên, nâng chuẩn giáo viên bậc tiểu học… nhưng cũng không ít băn khoăn.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Kim Dung- vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết, để có thêm cơ sở để hoàn thiện Dự thảo trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Bộ đề nghị đại biểu nghiên cứu sâu 11 vấn đề liên quan đến mục tiêu giáo dục và cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, yêu cầu nội dung, phương pháp giáo dục và chương trình giáo dục, đầu tư cho giáo dục, vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa; giáo dục thường xuyên; nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và quyền sở hữu tài sản của nhà trường dân lập; trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học; tiền lương của nhà giáo; không thu học phí đối với học sinh THCS trường công lập.
Đây đều là những vấn đề trọng điểm hiện còn có những ý kiến khác nhau cần được các đại biểu, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp đứng lớp, cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp và vùng miền góp ý để Bộ tiếp thu, chỉnh sửa gửi Bộ Tư pháp thẩm định, khoảng tháng 12-2017. Dự kiến sau khi có ý kiến thẩm định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, chỉnh sửa Dự thảo trình chính phủ vào tháng 1/2018.
Còn 3 tỉnh có tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt chuẩn dưới 7%
Một trong những vấn đề nóng được quan tâm tại hội thảo lần này là góp ý nâng chuẩn đối với giáo viên cả nước.
Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên Trường Tiểu học Long Hưng, tỉnh Hưng Yên bày tỏ sự nhất trí với đề xuất và mong muốn sớm được thực hiện, vì hiện nay 100% các giáo viên trong trường đã đạt chuẩn.
Ông Phạm Đức Hiền- phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho biết, thống kê tại tỉnh Quảng Ninh hiện nay có tới 96% giáo viên tiểu học đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. Số giáo viên chưa đạt chuẩn hầu hết đều đã trên 50 tuổi. Nhất trí với Dự thảo về vấn đề này, ông Hiền cho rằng cũng cần có lộ trình cho các giáo viên vùng sâu vùng xa có thời gian để học để đáp ứng chuẩn.
Đại diện ngành giáo dục tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết chuẩn giáo viên tiểu học ở tỉnh này hiện đã trên 90% trên chuẩn. Việc thực hiện nâng chuẩn là cần thiết để thúc đẩy các giáo viên phấn đấu nâng cao trình độ hơn nữa.
Tại Thanh Hóa hiện có 79% giáo viên tiểu học đạt trình độ CĐ trở lên nên theo đại biểu của tỉnh này, quy định chuẩn giáo viên trình độ cao đẳng là có cơ sở để thực hiện.
Với Hà Nam, đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh đề xuất xin có lộ trình ngay từ khi tuyển dụng giáo viên phải lấy đầu vào giáo viên có bằng cao đẳng trở lên để nâng cao chất lượng dạy và học.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hữu- vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Ban soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ sơ sở thực tiễn cũng như cơ sở pháp lý trước khi đưa ra đề xuất này trong dự thảo. Thống kê trên cả nước hiện tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt trên chuẩn rất cao, chủ yếu là trên 80%. Đề xuất nâng chuẩn giúp cho các giáo viên nói chung luôn có tư tưởng phấn đấu vươn lên, không dậm chân tại chỗ với những gì đang có. Chẳng hạn, những giáo viên tốt nghiệp CĐ nếu để chuẩn cũ sẽ có cảm giác là đã có trình độ trên chuẩn nên không cần phấn đấu. Khi chuẩn được nâng lên thì họ cũng phải tự nâng cao trình độ hơn.
Hiện chỉ còn 3 tỉnh là Hà Giang, Tuyên Quang và Lai Châu có tỷ lệ đạt dưới 7%. Đây là một thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để các tỉnh này quyết tâm thực hiện việc bồi dưỡng, nâng chuẩn giáo viên.
Đối với lo lắng cần lộ trình cho những giáo viên chưa đạt chuẩn, ông Hữu khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở, Phòng GD&ĐT quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tạo điều kiện cho những giáo viên chưa đạt chuẩn được học tập, bồi dưỡng để đạt chuẩn như yêu cầu đặt ra.
Miễn học phí cấp THCS có dẫn đến lạm thu, không công bằng?
Theo ông Phan Xuân Quyết- phó giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên, việc miễn học phí cấp THCS là chính sách tốt, thể hiện tính ưu việt của chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho phổ cập nên ông hoàn toàn nhất trí.
Trong khi đó, đại biểu của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng hiện ngân sách hoạt động cho giáo dục thấp. Mặc dù, quy định các địa phương phải đảm bảo 20% chi ngân sách hàng năm cho giáo dục nhưng thực tế nhiều địa phương chỉ có 10% -15%, thậm chí chi dưới 10%. Nếu miễn học phí thì liệu có đảm bảo tài chính cho giáo dục?
Dẫn chứng từ thực tế, đại biểu Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng, hiện nay chúng ta áp dụng không thu học phí bậc tiểu học đã dẫn tới lạm thu ở bậc học này. Vậy nếu chính sách này được áp dụng ở bậc THCS thì có phát sinh lạm thu như trên?
Về phía nhà trường, bà Lê Thị Kim Ánh- hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết khi có thông tin về việc có thể được miễn học phí, phía học sinh và dư luận rất phấn khởi. Tuy nhiên, cần xem xét đến đặc thù của các vùng miền, ngân sách cấp không đủ kinh phí thì nhà trường không hoạt động được và sẽ phát sinh lạm thu.
Ông Phạm Văn Đại cũng chỉ ra một thực tế là trước đây thời bao cấp, việc học được miễn học phí hoàn toàn. Nhưng hiện nay cần xem xét lại. Cụ thể, hiện nay chúng ta đã thực hiện việc miễn học phí ở cấp Tiểu học đối với học sinh trường công lập. Học sinh ngoài công lập không được hưởng khoản này. Có ý kiến cho rằng đó là do nguyện vọng của học sinh và gia đình muốn được theo học trong những môi trường có điều kiện tốt hơn, phù hợp với nhu cầu hơn nên tự lựa chọn trường ngoài công lập.
Nay nếu thực hiện miễn học phí cả bậc THCS cũng chỉ thực hiện ở hệ thống các trường công lập, trường ngoài công lập không được hưởng. Điều này tạo ra thêm sức ép cho các trường ngoài công lập, trong khi chủ trương hiện nay là khuyến khích phát triển hệ thống các trường ngoài công lập thì chủ trương này liệu có gây ra bất hợp lý?
Ngoài ra, việc phát triển các trường công lập chất lượng cao cũng cần được tính toán cẩn trọng trong lộ trình thực hiện việc miễn học phí cấp THCS để tạo ra sự cạnh tranh đồng đều giữa các cơ sở giáo dục nói chung.
Ở một khía cạnh khác, hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, tỉnh Bắc Ninh cho rằng, dự thảo cần xem xét đến việc miễn học phí cho cả bậc học mầm non. Bởi đây là cấp học rất quan trọng, hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ. Hiện nhiều nước đã thực hiện việc miễn học phí cho cấp học này.