Phát triển phần mềm nguồn mở 2017
Sáng 5/12, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức Hội thảo “Phát triển phần mềm nguồn mở 2017”. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, tại Việt Nam, việc phát triển và ứng dụng phần mềm nguồn mở là một trong những giải pháp hiệu quả để ngành công nghệ thông tin tiếp cận và làm chủ những công nghệ mới.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng phần mềm nguồn mở giúp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tự chủ trong bảo đảm an toàn thông tin, giảm được chi phí mua sắm phần mềm.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, với đa dạng lợi ích, phần mềm nguồn mở đang được nhiều tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trên Internet tại Việt Nam đều dùng phần mềm nguồn mở cho các nền tảng của mình.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều quy định, chính sách thúc đẩy ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở. Đến thời điểm này đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Nhiều cơ quan Nhà nước đã triển khai sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý nhà nước trên nền tảng nguồn mở; TPHCM đã triển khai sử dụng phần mềm nguồn mở tại 2.068 lượt đơn vị; khối các bộ, ngành đã triển khai khá mạnh mẽ (Bộ Giao thông vận tải: 779 lượt đơn vị; Bộ GD&ĐT: 37 Sở GD&ĐT, 162 Phòng Giáo dục tại các địa phương).
Tham dự hội thảo, đại diện các đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghệ thông tin, đại diện các doanh nghiệp công nghệ về mã nguồn mở... đã trao đổi về những vấn đề cần tháo gỡ đối với định hướng chính sách phần mềm nguồn mở tại Việt Nam.
Hội thảo tạo cơ hội để các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin các bộ, địa phương tìm kiếm thông tin về xu thế, giải pháp hiệu quả, tiết kiệm và phù hợp cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, địa phương mình. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin đang khó khăn như hiện nay, vấn đề về sức ép chi phí bản quyền đối với các phần mềm quốc tế ngày càng gia tăng thì việc tìm ra những giải pháp công nghệ mã nguồn mở được coi là chìa khóa hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi số tại các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam.