Truyền thông tích cực hơn về tác hại của thuốc lá
Ngày 6/12, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo “Báo chí với việc thúc đẩy thực hiện Công ước quốc tếvề kiểm soát tác hại của thuốc lá tại Việt Nam”.
“Việt Nam có một đội ngũ nhiều loại hình báo chí và lực lượng làm báo rất hùng hậu. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng chúng ta chưa mang lại hiệu quả thực sự trong “cuộc chiến” truyền thông với tác hại của thuốc lá”.
Xuất phát điểm như vậy, ông Đào Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: “Nếu chúng ta có được nhiều thông tin kiểu như là cứ 10 giây lại có một người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá trên thế giới thì hiệu quả có khi lại cao hơn”.
Đại diện cho Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt Nam, bà Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng: Một trong những nguyên nhân là do chúng ta vẫn đối xử một cách “ngang hàng” giữa ngành công nghiệp thuốc lá với các ngành khác.
Trên thực tế, theo bà Hoàng Anh, ngành công nghiệp thuốc lá nước ta không những không phải là ngành “có nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xóa đói giảm nghèo” như họ thường rùm beng mà thực chất ngược lại, họ đang làm cho các hộ gia đình nghèo hơn do sử dụng thuốc lá.
Ngành công nghiệp thuốc lá nước ta đang đóng thuế ở mức thấp nhất trong khu vực và trên thực tế nếu tăng thuế, ngay cả khi tiêu dùng thuốc lá giảm “vẫn không tác động xấu đến thu ngân sách”, theo bà Anh.
Từ lập luận đó, đại diện cho Nhịp cầu sức khỏe Canada tại Việt nam kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần thực hiện: Không bố trí cán bộ nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá. Xem xét cấm hoàn toàn các hoạt động “trách nhiệm xã hội” của các công ty thuốc lá. Không nhận tài trợ của ngành công nghiệp thuốc lá. Không đặt ngành này ngang hàng với các ngành công nghiệp khác. Cần lựa chọn ưu tiên các chính sách về sức khỏe, giảm sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật…