Đụng tới hiện trạng Jerusalem, Mỹ có bước đi nguy hiểm
Trong hôm 6/12, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay Tổng thống Donald Trump đã quyết định sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel trong một bài phát biểu, động thái đi ngược lại chính sách mà Mỹ áp dụng suốt nhiều thập kỷ qua và phớt lờ nhiều cảnh báo về một bước đi sai lầm mang tính lịch sử có khả năng khuấy động bạo lực ở Trung Đông.
Thành phố Jerusalem là tâm điểm trong tranh chấp Israel-Palestine (Nguồn: AP).
Bước đi nguy hiểm
Theo vị quan chức cấp cao giấu tên, theo kế hoạch Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên - bất chấp những lời cảnh báo của các đồng minh trong khu vực - vào khoảng 13h ngày 6/12 (khoảng 1h sáng 7/12 giờ VN) tại Nhà Trắng.
"Ông ấy sẽ nói rằng chính phủ Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel" - Reuters dẫn lời vị quan chức chính quyền Mỹ giấu tên, cho hay - "Ông ấy xem tuyên bố này là công nhận một thực tế, thực tế lịch sử và thực tế hiện đại".
Ngoài việc đưa ra tuyên bố gây tranh cãi đối với một thành phố mà cả người Hồi giáo, người Do Thái và người Công giáo đều coi là thiêng liêng, Tổng thống Trump còn ra chỉ thị bắt đầu kế hoạch di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv (Israel) đến Jerusalem.
"Sẽ mất một khoảng thời gian để tìm kiếm một địa điểm, để xác định các vấn đề về an ninh, thiết kế cơ sở mới, rót nguồn vốn và xây dựng nó" - Vị quan chức giấu tên cho hay - "Có thể nó sẽ diễn ra trong vài năm".
Hiện trạng của Jerusalem được xem là một vấn đề chủ chốt trong cuộc xung đột Israel-Palestine, khi mà cả hai phía đều tuyên bố thành phố này là thủ đô của nước họ.
Trong những lời kêu gọi khẩn thiết, lãnh đạo các nước Arab Saudi, Ai Cập, Jordan, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều cảnh báo chính quyền Trump không nên đưa ra động thái trên. Nhận biết trước về những cảnh báo này, các quan chức chính phủ Mỹ cùng gia đình của họ đã được lệnh tránh xa khỏi khu vực phố cổ của Jerusalem và khu vực Bờ Tây.
Trong hôm 6/12, ngay trước khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố này, nhiều nước khác cũng đồng loạt đưa ra cảnh báo gồm Anh, Trung Quốc, Syria và cả đặc phái viên của LHQ đang tham gia tiến trình hòa bình ở Trung Đông.
"Chúng tôi nhận được các báo cáo này và cảm thấy quan ngại, bởi chúng tôi nghĩ rằng Jerusalem rõ ràng cần phải nằm trong thỏa thuận cuối cùng giữa Israel và Palestine, một thỏa thuận được đàm phán" - Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói trong cuộc họp tại Brussels.
Trung Quốc cũng cảnh báo rằng động thái này có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong khi Syria gọi đây là một động thái "nguy hiểm" cho thấy Mỹ "coi thường luật pháp quốc tế". Đặc phái viên LHQ Nickolay Mladenov thì nói rằng "tất cả chúng ta cần phải cực kỳ thận trọng với các hành động đưa ra bởi hậu quả khó lường của chúng".
Được biết, động thái của ông Trump đưa ra là nhằm thực hiện một cam kết mà ông từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, và cũng là điều khiến cho các nhà tài trợ chính trị và một bộ phận những người ủng hộ quan trọng của ông mong muốn.
Lằn ranh đỏ
Hiện nay, phần lớn cộng đồng quốc tế không chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khẳng định rằng vấn đề này chỉ có thể được quyết định thông qua các vòng đàm phán cuối cùng.
Phía Nhà Trắng lại tranh luận rằng động thái như trên sẽ không ảnh hưởng tới các vòng đàm phán cuối cùng và sẽ thể hiện thực tế rằng khu vực Tây Jerusalem là và sẽ tiếp tục là một phần của Israel dù dưới bất kỳ thỏa thuận dàn xếp nào.
"Tổng thống Trump vẫn giữ vững cam kết đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Israel và Palestine và thể hiện quan điểm tích cực rằng hòa bình có thể đạt được" - một vị quan chức giấu tên khác cho hay - "Tổng thống đã chuẩn bị ủng hộ một giải pháp hai nhà nước... nếu được cả hai đảng chấp thuận".
Giới phê bình cho rằng hướng đi của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ gây hậu quả và có khả năng sẽ làm đổ vỡ các nỗ lực hòa bình ở Trung Đông trong khi khuấy động ngọn lửa xung đột ở một khu vực vốn đã tràn ngập các cuộc khủng hoảng, như ở Lebanon, syria, Iraq, Yemen và Qatar.
Trước thông tin trên, phong trào vũ trang Hamas cảu Palestine đã đe dọa sẽ khởi động một cuộc "Intifada" - cuộc nổi dậy - mới. Người dân Palestine cũng đang kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình kéo dài 3 ngày bắt đầu từ hôm 6/12, làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn.
Quốc vương Salman của Arab Saudi cảnh báo Mỹ rằng việc di dời Đại sứ quán là một "bước đi nguy hiểm" có thể khiến người Hồi giáo trên toàn thế giới tức giận.
"Thưa ngài Trump! Jerusalem là một lằn ranh đỏ đối với người Hồi giáo" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói trong một tuyên bố phát đi trên truyền hình trực tiếp.