Chất vấn tại HĐND thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh:Nóng vấn đề quản lý đô thị

Lục Bình-Thanh Giang 07/12/2017 05:04

Ngày 6/12, tại kỳ họp HĐND thủ đô Hà Nội đã diễn ra phiên chất vấn. Nhiều nhóm vấn đề về quản lý đô thị như công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo; công tác bảo đảm trật tự đô thị và việc thu gom xử lý rác thải; công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và quản lý quảng cáo; nạn bạo hành trẻ em... đã được các đại biểu truy trách nhiệm.

Chất vấn tại HĐND thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh:Nóng vấn đề  quản lý đô thị

Vấn đề quản lý đô thị tại Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục. Ảnh: T.L.

Hà Nội: Vỉa hè, “đường cong mềm mại” và “củi ướt”

Nêu vấn đề chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thế Vinh (Q.Đống Đa) cho rằng, các bãi giữ xe trái phép vẫn còn tồn đọng và chiếm vỉa hè lòng đường, gây mất an toàn giao thông; tình trạng thu vượt phí gửi xem gấp 5, 7 lần. Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm và Đống Đa cho biết về trách nhiệm và phương án giải quyết vấn đề này?

Còn ĐB Nguyễn Minh Đức (Q.Thanh Xuân) yêu cầu làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý khiến vỉa hè bị tái lấn chiếm, giải pháp xử lý để trả lại vỉa hè cho người đi bộ một cách bền vững, lâu dài ra sao?

Giám đốc Công an TP Hà Nội- thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.200 điểm trông giữ phương tiện. Công an TP đã phối hợp với các lực lượng liên quan, kiểm tra, xử lý, xoá 211 điểm, tháo dỡ trên 16.000 lều lán, giải toả 195 chợ, sắp xếp lại 93 chợ, phối hợp kẻ vẽ lại vạch sơn trên hàng trăm tuyến phố.

Nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, mất trật tự văn minh đô thị còn tồn tại, tái diễn, ông Khương cho rằng, do hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng giao thông; hiện tượng người dân ngoại tỉnh về kinh doanh, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè còn phổ biến.

Bên cạnh đó cũng có dấu hiệu trùng xuống trong công tác của các lực lượng chức năng. “Sau thời gian đầu triển khai tích cực, kết quả lập lại trật tự đô thị chưa duy trì được thường xuyên; vai trò của các ban ngành đoàn thể còn mờ nhạt, một số còn ỷ lại, khoán trắng cho lực lượng chức năng”.

Về những giải pháp cho tình trạng tái diễn vi phạm lấn chiếm hè đường, gây mất trật tự, ATGT, văn minh đô thị, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, khi tổng kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 01, Ban Chỉ đạo 197 sẽ làm rõ hơn, sâu sắc hơn vấn đề trách nhiệm và có thêm những giải pháp tích cực để chỉnh trang đô thị.

Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cho biết, theo Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, TP sẽ dành 3 - 4 % diện tích đất đô thị cho giao thông tĩnh; tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt được 0,6% và chủ yếu vẫn là trên lòng đường, hè phố.

Hiện việc cấp phép trông giữ xe trên các tuyến đường vẫn đảm bảo đúng quy định nhưng các chủ bãi thường xuyên lấn chiếm, vượt quá diện tích được cấp phép. Để chấm dứt tình trạng này, sắp tới TP sẽ triển khai nhân rộng dịch vụ iParking trên toàn địa bàn TP.

ĐB Nguyễn Huy Được (huyện Ba Vì) cho rằng, việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo chưa hiệu quả, cứ mở một tuyến đường mới lại xuất hiện thêm nhiều. “Vấn đề này đã được bàn thảo kéo dài qua rất nhiều kỳ họp HĐND. Trách nhiệm thuộc về ai?” Làm thế nào để không phát sinh thêm những “đường cong mềm mại” tại các dự án hạ tầng giao thông?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh cho biết, những năm trước đây, tình trạng nhà siêu méo, siêu mỏng xảy ra là do chưa có quy định đầy đủ về việc giải quyết vướng mắc khi thu hồi đất trong quá trình mở đường. Vấn đề này đã được Sở Xây dựng phối hợp với chính quyền địa phương xác định các trường hợp siêu mỏng, siêu méo và làm việc với chủ sở hữu để tiến hành hợp khối. Trong trường hợp các gia đình không thể thỏa thuận hợp khối thì chính quyền địa phương sẽ áp dụng quy định đã có để xử lý.

Chất vấn tại HĐND thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh:Nóng vấn đề  quản lý đô thị - 1

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục trả lời chất vấn chiều 6/12.


ĐB Nguyễn Hoài Nam đề nghị Giám đốc CATP Hà Nội cho biết lý do đến nay chưa khởi tố vi phạm về trật tự xây dựng cũng như an toàn phòng cháy chữa cháy tại các chung cư do doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên.

Cũng chất vấn về nội dung này, ĐB Hoàng Huy Được nêu: “Như vậy đã qua 2 kỳ họp, xới lên như thế, tạo dư luận trong cử tri mà chúng tôi không biết trả lời thế nào. Dư luận đặt vấn đề phải chăng “củi này ướt” mà không khởi tố được, không cháy được”.

Trả lời, thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết: Ngày 29/11/2016, cơ quan CSĐT CATP chính thức nhận toàn bộ hồ sơ của Thanh tra thành phố chuyển. Thủ trưởng cơ quan CSĐT đã phân công điều tra viên xác minh điều tra theo quy định, trình tự của pháp luật. Theo khoản 1 Điều 103 Luật Tố tụng hình sự, thời gian xác minh điều tra được quy định là 20 ngày nhưng là với những vụ việc đơn giản, không phức tạp. Còn Khoản 2 Điều này và Thông tư 06 liên tịch quy định, đối với vụ việc phức tạp, giới hạn là 60 ngày, tức không quá 2 tháng.

“Tuy nhiên, đây là vụ việc xảy ra với nhiều tình tiết, nhiều nội dung cần phải tập trung lực lượng, biện pháp để xác minh, điều tra làm rõ. Chúng tôi đã trao đổi và phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân thành phố để giám sát các hoạt động, thu thập tài liệu, đánh giá chứng cứ, trong đó, có nội dung cần phải giám định thiệt hại. Chúng tôi đã đề xuất với Sở Tài chính, cơ quan chuyên môn để đánh giá thiệt hại và đến nay chưa nhận được kết quả đánh giá nên chưa có cơ sở để khởi tố vụ án”- Thiếu tướng Đoàn Duy Khương giải thích.

Ông Khương cũng thông tin thêm, doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên là doanh nghiệp lớn, với hơn 20.000 người đang lao động ở 40 tỉnh, thành và nước bạn Lào. Vì vậy, việc điều tra, xác minh với tinh thần khẩn trương nhưng phải thận trọng, bởi vì quá trình xử lý sẽ tác động đến khách hàng, người dân đã mua và đang ở chung cư của doanh nghiệp này, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. CATP đã thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền, đặc biệt đang cùng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trước khi quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ông Khương khẳng định, không có việc “củi ướt” nên không khởi tố được như đại biểu đã chất vấn. Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật và bảo đảm khách quan.

TP Hồ Chí Minh: Trẻ em bị bạo hành - chưa thấy trách nhiệm của chính quyền cơ sở

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, các đại biểu liên tục đặt câu hỏi cho giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về tình trạng hành trẻ nhỏ ở các nhóm, lớp mầm non tư thục.

Chất vấn tại HĐND thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh:Nóng vấn đề  quản lý đô thị - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè tại TPHCM.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm băn khoăn: “Vì sao bạo hành ở trẻ nhỏ cứ xảy ra? Quy trình cấp phép, giám sát, kiểm tra những cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ như thế nào? Không biết việc giám sát như thế nào hay là buông lỏng quản lý? Theo tôi được biết, muốn mở hoặc dạy ở lớp mầm non tư thục chỉ cần học vài tháng có chứng chỉ đứng lớp với mấy chục cháu”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ĐB Huỳnh Thanh Nhân cho hay, nhiều năm nay liên tục xảy ra những vụ bạo hành trẻ em trên địa bàn thành phố. Nói là trách nhiệm của các trường nhưng đúng là trách nhiệm quản lý của chúng ta, đó là quận/huyện , phường/xã, Sở GDĐT và các tổ chức đoàn thể.

Ông Lê Hồng Sơn- Giám đốc Sở GDĐT bày tỏ, rất đau lòng vì có những chuyện bạo hành ở các lớp mầm non. Hành vi không có nhân tính, gây hoang mang dư luận và làm xấu hình ảnh của những thầy cô giáo, nhất là làm cho các em nhỏ vô tội chịu những điều không đáng có. Khó khăn về tài chính, nhân lực đều có thể khắc phục nhưng bản thân con người phải đảm bảo đạo đức, không để xảy ra những điều đáng tiếc.

Trả lời thắc mắc của ĐB về nạn bạo hành trẻ em tại các lớp, nhóm trẻ tư thục, ông Sơn khẳng định: Chúng tôi làm đầy đủ trách nhiệm của mình. Hiện nay, việc quản lý, kiểm tra giám sát được phân cấp nên thẩm quyền quản lý các lớp, nhóm trẻ thuộc về quận/huyện, quận/huyện giao cho phường/xã. Tuy nhiên, Sở GDĐT vẫn phối hợp thường xuyên với 24 quận/huyện để kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, nhất là đối với những trường tư thục. Cụ thể, năm 2016 Sở đã tiến hành kiểm tra 19 quận/huyện, còn lại 5 quận/huyện sẽ tiếp tục thực hiện đến đầu năm 2018.

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TPHCM, xung quanh vấn đề bạo hành trẻ em, chưa thấy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương. Không có nơi nào không có lực lượng quản lý nhưng hầu hết các sự việc lại do báo chí phát hiện. Lâu lâu lại xảy ra một vụ bạo hành trẻ nhỏ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục, rất đau lòng và dã man. Vậy trách nhiệm của những người đứng đầu như thế nào?

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thành Phong- Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, lãnh đạo thành phố yêu cầu 24 phòng GD các quận/huyện cần kiểm tra trường mần non về điều kiện, cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên. Tổng kiểm tra trường mầm non ngoài công lập sẽ thực hiện từ nay đến đầu năm 2018. Song song với hoạt động kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ xử phạt và yêu cầu đóng cửa những cơ sở không đủ điều kiện. Đồng thời, lắp hệ thống camera tại các trường mầm non, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cơ sở đã được cấp phép và chưa được cấp phép để phụ huynh lựa chọn cơ sở chăm lo cho con em.

“Thành phố sẽ kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở mầm non, nhóm lớp mầm non, sẽ xử lý người đứng đầu quận/huyện, phường/xã nào nếu để xảy ra hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em”- ông Phong cảnh báo.

Xử lý nghiêm nếu sai phạm trong việc lát đá vỉa hè

Chiều 6/12, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 5, HĐND khóa XV, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tiếp thu và giải trình các vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm.

Liên quan đến vấn đề lát đá vỉa hè, ông Chung cho biết, dù thành phố đã đưa ra quy định chặt chẽ với lát lại vỉa hè bằng vật liệu đá, nhưng công tác này trong những năm qua đã để lại dư luận xấu đối với cử tri và nhà quản lý. Đó là các đơn vị, quận, huyện đã làm ồ ạt vào cuối năm với chất lượng thấp. Chủ tịch UBND thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra và nhận thấy việc chọn đá một số nơi không đúng kích cỡ, độ dày và việc lát đá được làm bừa bãi. Trước thực trạng đó, UBND thành phố đã giao Thanh tra thành phố làm rõ, trong một tháng tới sẽ có kết luận và xử lý nghiêm những vi phạm.

Hướng khắc phục được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nêu ra, thời gian qua, thành phố đã thí điểm lát đá trên tuyến đường Lê Trọng Tấn. Thành phố cũng đã ban hành quy chuẩn từ năm 2014 và thống nhất chỉ lát lại vỉa hè ở những tuyến đã quá cũ nát, không thể sửa chữa khắc phục và hạ ngầm xong toàn bộ cáp viễn thông, hoàn thiện trồng cây xanh, chỉnh trang ánh sáng, không lát tràn lan hoặc để tình trạng “đào lên rồi lại lát xuống”, gây nhức nhối trong dư luận.
“Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, thực sự trách nhiệm của chủ tịch, bí thư quận, huyện, trưởng ban quản lý dự án các quận, huyện thì mới có chuyển động tích cực trong lĩnh vực này, nếu không sẽ tiếp tục để lại dư luận xấu”. “Nếu các quận/huyện không làm được thì thành phố sẽ đề xuất thống nhất thu lại về một mối, không để thực hiện tràn lan, nhiều công ty làm sẽ không bảo đảm chất lượng”- ông Chung nhấn mạnh.

N.Khánh

Lục Bình-Thanh Giang