Chuyện của những người uy tín
Thời gian qua, những người có uy tín, già làng, chức sắc tiêu biêu tại Hòa Bình luôn tiên phong đi đầu trong công tác vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ thủ tục lạc hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Họ cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng đời sống văn hóa mới, tham gia các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động.
Những tấm gương tiêu biểu ở khu dân cư
Được sự tín nhiệm của cộng đồng, sự quan tâm của Nhà nước và địa phương, những người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu trong các phong trào thi đua của địa phương, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng gia đình, làng xã giàu đẹp, văn minh.
Trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh người uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu luôn là những hạt nhân đi đầu, vận động nhân dân hiến đất, ngày công để xây trường học, làm đường; tham gia các phong trào “Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh”; phong trào “5 không, 3 sạch”…
Tiêu biểu như tấm gương của ông Nguyễn Văn Mừng- Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm Đễnh, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn. Là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ông luôn phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, nói đi đôi với làm, quán triệt mỗi cán bộ đảng viên phải là người tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch đẹp. 100% hộ gia đình trong xóm được sử dụng nước hợp vệ sinh. Hàng ngày xóm đều có người đi thu gom rác, việc cưới, việc tang ngày càng văn minh hơn, không mở to loa đài, không đánh trống quá 10 giờ đêm.
Hay như ông Nguyễn Quý Mùi, Bùi Văn Kiên, Quách Văn Thà, Bùi Mạnh Thức là người uy tín, tín đồ công giáo tiêu biểu huyện Lạc Thủy đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, các mô hình tự quản do MTTQ tỉnh phát động với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, vận động nhân dân bằng cách “mưa dầm thấm lâu”.
Và nếu tới bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, hỏi thăm già làng kiêm Bí thư chi bộ bản Sùng A Pha thì ai cũng biết và dành những tình cảm trìu mến nhận xét về Sùng A Pha. Không chỉ có uy tín trong cộng đồng dân cư của bản, già làng Sùng A Pha đồng thời cũng là người đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với mô hình trồng chè tuyết và cây ăn quả cho thu nhập cao, gia đình già làng Pha đã vươn từ diện hộ khó khăn trở thành hộ khấm khá. Già Pha cũng thường xuyên động viên, giúp đỡ các gia đình trong bản tích cực sản xuất, nâng cao đời sống để thoát nghèo.
Già làng Vàng A Tình, dân tộc Mông ở xã Hang Kia là người luôn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào người Mông trong bản không phá rừng làm nương rẫy, tham gia trồng vào bảo vệ rừng; bảo vệ nước đầu nguồn, góp phần giữ gìn môi trường sinh thái. Ông cũng luôn vận động nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng hiệu quả các mô hình gia đình tự quản, dòng họ tự quản về an ninh trật tự.
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tranh thủ người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như hiến đất, góp ngày công lao động, huy động nguồn lực làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ được người dân đồng tình cao. Đến nay đã có 41/191 xã về đích đạt chuẩn nông thôn mới. |
Không chỉ gương mẫu, đi đầu…
Không chỉ là những người tiên phong đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, hướng dẫn bà con tích cực tham gia phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, trong công tác giám sát phản biện, vai trò của người uy tín tiêu biểu, chức sắc tôn giáo cũng được thể hiện rất rõ. Người uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu luôn bám sát chương trình hành động của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tích cực, chủ động trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào DTTS và đồng bào có đạo nói riêng giám giát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; giám sát việc thực hiện những điều dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra; Giám sát việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, làm đường giao thông nông thôn. Và đặc biệt là giám sát chính quyền trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của mình.
Hay như việc hỗ trợ cho người nghèo, để tránh những trường hợp hỗ trợ sai địa chỉ, ưu tiên người nhà, người thân thì người uy tín, già làng và các chức sắc tôn giáo tiêu biểu ở khu dân cư đã phối hợp rất tốt với MTTQ, các tổ chức đoàn thể và chính quyền để cùng giám sát. Ví dụ, khi hỗ trợ một hộ nghèo nào đó phải tổ chức họp khu dân cư để bình chọn. Trong cuộc họp đó nhất thiết phải có Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng, phó thôn, trưởng ban Công tác Mặt trận, người uy tín, chức sắc tiêu biểu và các tổ chức đoàn thể chứng kiến, nếu được thì mới thông qua.
Thời gian qua, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tranh thủ người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo tiêu biểu gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực như hiến đất, góp ngày công lao động, huy động nguồn lực làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ được người dân đồng tình cao. Đến nay Hòa Bình đã có 41/191 xã về đích đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hòa Bình Trần Đức Trường, để người có uy tín, già làng và các chức sắc tiêu biểu tiếp tục đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thời gian qua đã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kịp thời và đúng chế độ chính sách đối với người có uy tín, già làng và các chức sắc tiêu biểu. Quan tâm, thực hiện tốt chính sách thăm hỏi, động viên tinh thần và vật chất kịp thời khi họ gặp khó khăn hay các ngày lễ trọng của các tổ chức tôn giáo, tết cổ truyền dân tộc. Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhân kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2017) vừa diễn ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tặng 34 suất quà, trị giá 500.000 đồng/suất cho các đối tượng là chức sắc tôn giáo tiêu biểu, người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào dân tộc thiểu số của 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Cùng với đó, MTTQ cũng xây dựng kế hoạch lồng ghép, mở các lớp tập huấn cho già làng, người uy tín, trưởng ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể về công tác phòng chống tội phạm ma túy, tảo hôn, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản…Kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động, như cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Thanh Tú