Thành lập rừng đặc dụng Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
UBND tỉnh Long An vừa ban hành quyết định về việc thành lập Khu rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (xã Vĩnh Lợi và xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An).
Theo đó, tổng diện tích khu rừng đặc dụng 19.708.868,2 m2, bao gồm: Đất rừng đặc dụng 18.200.347,1 m2; đất xây dựng trụ sở cơ quan 2.534,6 m2; đất giao thông, thuỷ lợi 1.505.986,5 m2. Trong đó, phân khu bảo tồn các hệ sinh thái - đa dạng sinh học, là rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với diện tích 1.970,88 ha.
Đây là khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc vùng lõi. Khu vực này bao gồm các hệ sinh thái tự nhiên với sự hiện diện của nhiều loài động - thực vật tạo thành những sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Khu này bao gồm cả khu trú ngụ và sinh sản của các loài chim nước cần phải bảo vệ.
Quyết định của UBND tỉnh Long An cũng nêu rõ các phân khu do các tổ chức, cá nhân khác quản lý: Phân khu hệ thủy sản tự nhiên với diện tích khoảng 156 ha. Đây là khu vực nằm trong khu vực ngã ba sông Vàm Cỏ Tây - rạch Cái He, nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài thủy sản tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười. Để bảo vệ khu chức năng này cần có sự phối hợp với chính quyền địa phương và có sự tham gia của cộng đồng trong việc khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên tự nhiên.
Khu rừng tràm kinh tế với diện tích khoảng 982 ha. Đây là khu rừng tràm kinh tế thuộc quản lý của Lâm trường Vĩnh Lợi; khu du lịch sinh thái - phục hồi cảnh quan Đồng Tháp Mười với diện tích khoảng 106 ha. Đây là khu đầu tư phục vụ du lịch sinh thái và phục hồi lại các cảnh quan, thực vật bản địa và hoạt động canh tác đất ngập nước theo kiểu xưa kia của vùng Đồng Tháp Mười. Khu chức năng này bao gồm cả những công trình nghỉ dưỡng cho khách có nhu cầu.
Ngoài ra, là vùng đệm với diện tích khoảng 1.400 ha. Đây là khu vực đất thuộc sở hữu sử dụng của cộng đồng dân cư. Hiện trạng sử dụng đất chủ yếu canh tác lúa, trồng tràm và các cây thân gỗ khác, nuôi thủy sản; khu quản lý hành chính - nhà nghỉ với diện tích khoảng 15 ha. Đây là khu dùng để xây dựng nhà làm việc của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, nhà nghỉ và khu cứu hộ động vật hoang dã.
Mục tiêu khu rừng đặc dụng là quản lý, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học gắn với việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan và môi trường; phát triển du lịch sinh thái trong vùng trên cơ sở khai thác tiềm năng đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, các danh thắng lịch sử - tín ngưỡng, bản sắc văn hóa bản địa trong vùng; kết hợp hoạt động phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước.
Bên cạnh đó, kết hợp với sự tham gia của các ngành có liên quan và sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên tự nhiên đất ngập nước trong Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen; làm cơ sở cho việc đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng của Khu Bảo tồn; triển khai các hoạt động bảo tồn thiên nhiên có sự tham gia của cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động phát triển sinh kế cộng đồng ở vùng đệm.
Ở Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Riêng chim nước có khoảng 144 loài - là quần thể lớn nhất so với các khu bảo tồn khác trên cả nước. Đây còn là nơi tập trung của một số loài động vật đặc trưng của vùng đất ngập nước như trăn gấm, rái cá vuốt bé, cua đinh, rùa vàng đang đứng trước nguy cơ tận diệt từ con người trong tự nhiên. Ngoài ra, ở đây còn là vương quốc của các loài cá, với khoảng 70 loài cá nước ngọt, trong đó, có một số rất hiếm khi bắt gặp ngoài tự nhiên như: Éc mọi, cá Chài hay một số loài cá khác như: Nàng Hai, Trê vàng… Trong đó, quý hiếm nhất phải kể đến loài cá Tra dầu với số lượng kiểm đếm ước lên đến trên 100 cá thể… |
Quyết định cũng nêu cụ thể về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái; bảo tồn sinh cảnh và đa dạng sinh học, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; các hoạt động cứu hộ các loài quý hiếm và đang bị đe dọa; giám sát chất lượng môi trường và tài nguyên sinh vật, cải thiện sự chia cắt hệ sinh thái và môi trường nước; nghiên cứu khoa học; phát triển du lịch sinh thái; đầu tư xây dựng hạ tầng.
Về nguồn vốn đầu tư, từ nguồn vốn kế hoạch quản lý 5 năm của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (2017 - 2021) được phê duyệt, dự kiến 36,995 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động của Khu rừng đặc dụng, gồm các nguồn vốn: Ngân sách tỉnh Long An chi đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch vốn trung hạn (chòi canh phòng chống cháy rừng, cống qua đê…); chi kinh phí cho tổ chức, bộ máy quản lý và chi thường xuyên về hoạt động quản lý của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen.
Ngân sách Trung ương và vốn tài trợ của các cá nhân, các tổ chức quốc tế được sử dụng hỗ trợ cho các hoạt động: Nghiên cứu khoa học, bảo tồn loài và sinh cảnh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi những sinh cảnh bị xuống cấp, quản lý các loài ngoại lai xâm hại, công tác cứu hộ và phục hồi đa dạng sinh học các loài có nguy cơ tuyệt chủng, hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ Khu Bảo tồn…; vốn đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái.
UBND tỉnh Long An giao Sở NN&PTNT, các cơ quan liên quan hướng dẫn Giám đốc Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen thực hiện tốt các mục tiêu và các chương trình hoạt động của “Khu rừng đặc dụng thuộc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen” theo đúng các quy định hiện hành. Quyết định cũng giao Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, kiêm nhiệm quản lý khu rừng đặc dụng.