Nguy cơ bệnh sởi trở lại
Sau một thời gian yên ắng, dịch sởi đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Tại Hà Nội, bệnh sởi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây, khi trung bình mỗi tuần ghi nhận 4-5 ca bệnh dương tính với sởi. Đặc biệt số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10; xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận huyện.
Theo Tiến sỹ Trần Như Dương - Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc cho biết, tính đến nay, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc), Hải Dương, Nghệ An... Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn nên việc phòng chống dịch cũng cần hết sức lưu ý. Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay trên toàn thành phố đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong.
Còn theo Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển nếu đầu năm 2017, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 2-3 trường hợp mắc sởi đến điều trị nội trú thì trong 3 tháng gần đây, con số này tăng lên khoảng 20 - 24 cháu/tháng. Nhiều bà mẹ chủ quan trong việc tiêm phòng sởi dẫn đến em bé không có miễn dịch chủ động. Nếu không kịp thời phát hiện và chăm sóc đúng cách, trẻ có thể bị biến chứng dẫn đến tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, các bậc phụ huynh cần phân biệt rõ gi bệnh sởi với sốt phát ban, đồng thời nắm rõ những dấu hiệu, nhận biết sớm của bệnh để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nếu thấy trẻ ho dai dẳng, sốt cao 39-40 độ liên tục trong hai ngày thì nhiều khả năng bé đã bị sởi, cần đưa tới trung tâm y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh sởi lây truyền rất nhanh, nhất là trong trường hợp người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho làm bắn những giọt nước bọt vào không khí, người lành hít vào qua miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus ra môi trường xung quanh từ thời kỳ ủ bệnh (trước khi phát ban vài ngày) và kéo dài đến 5-7 ngày sau khi ra ban. Bên cạnh đó, những người chăm sóc bệnh nhân sởi hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn cũng có thể làm lây lan virus sang người khác. |
Sởi là bệnh do virus gây ra, thường gây biến chứng ở trẻ nhỏ. Bệnh thường gặp ở người chưa có miễn dịch do chưa chủng ngừa đầy đủ và chưa mắc bệnh sởi lần nào, rất hiếm gặp ở người đã có chủng ngừa. Đáng lưu ý, hiện nay tổng số trẻ chưa tiêm phòng bệnh sởi sau 5 năm trên địa bàn Hà Nội là 32.634 trẻ. Đây chính là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông Xuân.
Theo tiến sỹ Trần Như Dương, đối với bệnh sởi, biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu lơ là công tác tiêm chủng thì tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Hiện Hà Nội đang tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần, tiêm chủng bổ sung cho đối tượng trẻ dưới 5 tuổi bị muộn, chậm so với lịch tiêm các vắcxin trong Tiêm chủng mở rộng.
Trước nguy cơ dịch sởi quay trở lại, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, cần rà soát ngay các xã, thôn có tỷ lệ tiêm vắcxin sởi thấp, tổ chức tiêm vắcxin bổ sung để chủ động phòng chống dịch, đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% trở lên. Các địa phương cần rà soát và tổ chức tiêm vét hàng tháng cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm vắcxin sởi, rubella.