Núi lửa Agung trên đảo Bali lại phun tro bụi cao 2.100m

Đỗ Quyên 10/12/2017 08:00

Sau một tuần tạm lắng, ngày 8/12, núi lửa Agung trên đảo Bali của Indonesia đã trở lại với hoạt động phun tro bụi, song lực lượng chức năng chưa đưa ra cảnh báo nào trước các dấu hiệu này.

Núi lửa Agung trên đảo Bali lại phun tro bụi cao 2.100m

Theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia, cột tro bụi phun trào khoảng 8 giờ sáng theo giờ địa phương cao tới 2.100 mét, bao phủ khu vực có bán kính 5km. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết do đôi khi khó có thể phun nham thạch ra ngoài và gặp phải áp lực thì núi lửa sẽ phải phun tro bụi. Hoạt động phun tro bụi này của núi lửa Agung cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của các sân bay quốc tế tại đảo du lịch nổi tiếng này của Indonesia cũng như đảo Lombok gần đó.

Trong lần hoạt động trước của núi lửa Agung ngày 27/11, do lo ngại núi lửa Agung có thể phun trào lớn, chính quyền đảo này đã nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu người dân sinh sống trong phạm vi bán kính từ 8-10km phải sơ tán ngay lập tức. Sân bay quốc tế trên đảo Bali cũng phải đóng cửa suốt 3 ngày khiến khoảng 120.000 người bị mắc kẹt.

Núi lửa Agung từng nhiều lần phun trào trong các năm 1963 và 1964, cướp đi sinh mạng của hơn 1.600 người và khiến hàng trăm người bị thương. Ngọn núi có độ cao hơn 3.000m này đã có dấu hiệu phun trào trở lại vào tháng Chín khiến nhà chức trách phải đưa ra mức cảnh báo cao nhất và sơ tán 140.000 người dân sinh sống trong khu vực gần đó, song sau đó lệnh cảnh báo đã được dỡ bỏ và người dân đã trở về nhà. Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo vỏ Trái Đất tiếp xúc kéo theo nhiều hoạt động địa chấn tại đây.

Tại quốc đảo này vẫn có gần 130 núi lửa đang hoạt động. Năm 2010, núi lửa Merapi thuộc đảo Java, được xem là một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động nguy hiểm nhất thế giới, phun trào khiến hơn 300 người thiệt mạng và khiến 280.000 người sơ tán.

Ở một khía cạnh khác, hãng tin Antara dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Indonesia, Arief Yahya cho biết ngành du lịch Indonesia có thể bị thiệt hại khoảng 9.000 tỷ rupiah (tương đương 665 triệu USD) do ảnh hưởng từ các vụ phun trào của núi Agung ở Bali kể từ cuối tháng 11.

Kết luận này được tính toán dựa trên thống kê nguồn thu đổi ngoại hối tại Bali đạt khoảng 250 tỷ rupiah mỗi ngày từ 15.000 du khách đến hòn đảo du lịch nổi tiếng này. Đặc biệt, thời điểm này hàng năm lại là mùa cao điểm du lịch đến Bali.

Bộ Du lịch nước này cũng dự báo do thiên tai, mục tiêu 15 triệu lượt khách du lịch nước ngoài đến Indonesia chắc chắn sẽ không thể đạt được trong năm nay. Vì ước tính kể từ khi núi Agung phun trào trở lại, nó đã gây ảnh hưởng làm giảm khoảng 1 triệu khách du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, để đạt con số 14 triệu lượt khách du lịch nước ngoài, chính phủ Indonesia đang tiếp tục tiến hành các chiến dịch lớn nhằm thúc đẩy du lịch ở các điểm khác, trong đó có quần đảo Riau, vốn đã trở thành một trong những cửa ngõ chính cho khách du lịch nước ngoài tới Indonesia sau Jakarta và Bali.

Cục Thống kê trung ương đã ghi nhận sự sụt giảm 4,54% số lượng khách du lịch nước ngoài tới Indonesia vào tháng 10/2017 và một trong những tác động chính là do vụ phun trào núi lửa Agung ở Bali. Sự sụt giảm số lượng du khách nước ngoài đi qua Sân bay Quốc tế Ngurah Rai ở Bali đã được ghi nhận ở mức gần 16% với 462.300 lượt khách, bao gồm cả những khách hủy chuyến. Tháng 10 vừa qua, lượng khách du lịch nước ngoài đến Indonesia chỉ đạt 1,15 triệu người.

Ngoài sân bay Ngurah Rai ở Bali, một số điểm khác cũng chứng kiến sự sụt giảm số lượng hành khách đến Indonesia là sân bay Soekarno-Hatta (giảm 1,7%) và Batam (gần 5%).

Đỗ Quyên