Không chủ quan với loãng xương
Bệnh loãng xương còn được gọi là bệnh thưa xương, xốp xương. Nhiều người cho rằng đây là một bệnh lý của tuổi già bởi bệnh có liên quan nhiều đến vấn đề tuổi tác. Song khoa học gần đây đã chứng minh, không chỉ ở những người cao tuổi hay những phụ nữ 40 - 45 tuổi mới bị loãng xương, mà chính người trẻ ở độ tuổi 25 đến 30 cũng có thể mắc căn bệnh này.
Theo bác sĩ Thanh Thủy- chuyên khoa cơ - xương khớp (BV Bạch Mai), gần đây các nghiên cứu đều ghi nhận độ tuổi bị loãng xương ngày càng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân bị gãy xương do loãng xương xảy ra ở độ tuổi dưới 40. Khi tuổi còn trẻ, đặc biệt là giai đoạn dậy thì, xương phát triển rất mạnh để tăng chiều cao. Nhưng khi đến ngưỡng nhất định, thường là 20 đến 23 tuổi sẽ chững lại, quá trình tạo xương sẽ giảm xuống và quá trình hủy xương diễn ra. Xương sẽ phải tái tạo liên tục để cân bằng. Tuy nhiên, trong nhiều năm lao động, cơ thể không được bổ sung đủ canxi khiến quá trình hủy xương diễn ra nhanh và mạnh hơn quá trình tái tạo dẫn đến tỷ trọng các khoáng chất của xương tụt nhanh, làm xương giòn, yếu, dễ gãy.
Có 3 nguyên nhân chính khiến người trẻ bị loãng xương là nồng độ estrogen thấp, ăn uống không đủ chất hoặc do sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh. Từ sau 35 tuổi trở đi mật độ xương của con người bắt đầu giảm sút. Tốc độ hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tạo xương, khiến xương mất dần các khoáng chất cần thiết. Ở phụ nữ, nguy cơ còn cao hơn vì khi đến thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương xảy ra nhanh, trung bình mất từ 2 đến 4% khối lượng xương trong một năm và kéo dài suốt 5 đến 10 năm đầu của thời kỳ này.
Khác với các trường hợp gãy xương thông thường, gãy xương do loãng xương thường khó hồi phục và dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí tử vong. Gãy đốt sống có thể gây nên những cơn đau lưng kéo dài, giảm chiều cao, gù vẹo, biến dạng cơ thể, giảm chức năng tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, giảm chất lượng sống. Nguy hiểm nhất, gãy xương vùng hông (gãy cổ xương đùi) để lại hậu quả tương đương với biến chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Đối với người trẻ tuổi, bệnh loãng xương ở giai đoạn đầu sẽ không có những dấu hiệu rõ rệt, thường là những triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh khác như mỏi xương và khớp, tê ngứa. Khi mật độ xương giảm nhiều hơn, các triệu chứng sẽ ngày càng rõ rệt.
Theo BS Thanh Thủy, khi bị loãng xương, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở các vùng như hông, lưng, đầu gối, cổ tay do phải chịu nhiều lực từ cơ thể. Những người trẻ bị loãng xương còn có hiện tượng đau nhức đầu xương, mỏi ở dọc các xương, đau nặng hơn khi về đêm và khi trời thay đổi nhiệt độ đột ngột. Cơn đau đặc biệt khó chịu khi người bệnh thay đổi tư thế, gây khó khăn khi quay lưng, cúi hay ngả người. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị, những người trẻ cũng có khả năng bị biến dạng cột sống, lún đốt sống dẫn tới gù lưng. Nguy hiểm hơn là gãy xương tự nhiên khi về già.