Hỗ trợ vượt quy định hàng chục tỉ đồng ở Lạng Sơn: Không lẽ hoà cả làng?
“Nếu mà kỷ luật thì kỷ luật tỉnh trước, bởi tỉnh ra quyết định cho hỗ trợ ngay từ khi nhà máy mới khởi công”- đó là ý kiến của ông Nguyễn Phúc Đạt- phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn khi nói về trách nhiệm liên quan đến việc hỗ trợ vượt quy định hàng chục tỉ đồng cho nhà máy gỗ công nghệ cao của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sao Bắc Việt (Công ty Sao Bắc Việt).
Báo Đại Đoàn kết đã có bài phản ánh, năm 2014, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Sao Bắc Việt đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao tại thôn Đồng Lai, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng.
Quy mô Dự án nhà máy chế biến gỗ công suất 140.000m3/năm với tổng số vốn đầu tư lên tới 564 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 9/7/2015, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 1165/QĐ-UBND hỗ trợ cho Công ty Sao Bắc Việt thực hiện Dự án nhà máy chế biến gỗ từ nguồn ngân sách trung ương số tiền 86 tỷ 543 triệu đồng.
Từ tháng 11/2015, nhà máy chế biến gỗ bắt đầu chạy thử với công suất 60.000m3/năm và chính thức có hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 3/2016 đến nay, công suất đạt 130.000 m3/năm.
Theo thống kê đến năm 2017, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ cho Công ty Sao Bắc Việt số tiền là 60 tỷ 623 triệu đồng (hỗ trợ đầu tư 20 tỷ đồng, hỗ trợ vận chuyển 40 tỷ 623 triệu đồng).
Vừa qua, qua công tác thanh tra, Bộ Tài chính đã vào cuộc kiểm tra và xác định việc tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ tiền cho Công ty Sao Bắc Việt chưa đúng quy định và vượt mức so với quy định.
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm. Bộ Tài chính cũng kiến nghị, Sở NNPTNT Lạng Sơn chủ trì nghiệm thu và phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, báo cáo UBND tỉnh xử lý theo quy định đối với việc hỗ trợ kinh phí đầu tư, chi phí vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho Công ty Sao Bắc Việt.
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn, tổng số tiền ngành chức năng của tỉnh này đã hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ vận chuyển vượt quy định cho Công ty Sao Bắc Việt là hơn 47 tỷ đồng.
Nói về trách nhiệm của các bên liên quan đến việc hỗ trợ vượt quy định cho Công ty Sao Bắc Việt, ông Nguyễn Phúc Đạt- phó giám đốc Sở NNPTNT Lạng Sơn cho hay, hỗ trợ tiền cho Công ty Sao Bắc Việt quy trình nhiều, chủ trì về tiền thì do Sở Tài chính, Sở NNPTNT chỉ đi thẩm định điều kiện đầu vào, Sở lập biên bản nghiệm thu. Ông Đạt cũng lý giải: “Lỗi do văn bản không quy định rõ ràng, cụ thể”.
Mới đây, để tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, phóng viên tiếp tục có buổi làm việc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn. Tại buổi làm việc ông Nguyễn Phúc Đạt tiếp tục đổ lỗi cho cơ chế, chính sách mập mờ.
Ông Đạt cho rằng, việc làm của Sở NNPTNT chỉ là “tai bay, vạ gió”. Theo ông Đạt, do quy định mập mờ, từ Bộ nọ sang Bộ kia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại không giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì mà lại giao cho Sở NNPTNT.
“Ở đời chưa bao giờ có chuyện Bộ nọ giao cho Bộ kia, bố này giao cho con nhà khác làm… nên chúng tôi rất khó xử trong thực hiện. Bản thân Sở NNPTNT không hiểu hết căn nguyên của Nghị định nên phải phối hợp với các ngành nghiệm thu. Khi thanh tra Bộ Tài chính về kiểm tra, chúng tôi còn ngã ngửa không hiểu mình lỗi ở chỗ nào. Khi thanh tra chỉ đúng lỗi, mình cũng chưa hiểu hết vấn đề do lần đầu tiên làm, chính vì vậy Sở NNPTNT đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã đồng ý với kết quả kiểm điểm của Sở Nông nghiệp”- ông Đạt cho hay.
Ông Đạt cũng nhấn mạnh “UBND tỉnh đánh giá không “ông” nào tư lợi trong vụ này cả, “ông” nào cũng tai bay vạ gió thôi, nên cũng chấp nhận cho kiểm điểm rút kinh nghiệm trong vụ này để tham mưu cho tỉnh mức hỗ trợ thấp hơn.
Nếu mà kỷ luật thì phải kỷ luật tỉnh trước, bởi tỉnh ra quyết định cho hỗ trợ ngay từ lúc nhà máy gỗ mới khởi công. Vậy chúng tôi có dám chống không?
Tháng 5/2012 mới đi nghiệm thu, trong khi đó hết tháng 12 phải giải ngân thế thì còn xoay vào đâu nữa. Chúng tôi đâu biết gì, chỉ biết ký vào tờ biên bản nghiệm thu. Nhà đầu tư cầm hồ sơ sang Sở Tài chính làm thủ tục”.
Cũng theo ông Đạt, việc này không phải người ta cố tình làm mà vô tình làm. Bởi văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí đưa vào danh mục ưu tiên dự án hỗ trợ 200 tỷ, Quyết định của tỉnh phê duyệt, giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty là có việc đấy… thì có dám chống không.
“Không đơn giản tự dưng mà có, không bỗng dưng mà có số tiền đó đâu. Nếu như không thanh toán cũng chết. Chờ được vạ, má cũng sưng, phải làm cho nó xong đi. Thực sự có chống thời điểm đấy cũng không ai dám chống”- ông Đạt bày tỏ.
Đại diện Sở NNPTNT Lạng Sơn cũng cho rằng sai phạm là “tai bay, vạ gió” nên chỉ rút kinh nghiệm, còn UBND tỉnh Lạng Sơn và các Sở liên quan như Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn… sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Dư luận mong chờ câu trả lời thỏa đáng từ địa phương này.