Iraq tuyên bố chiến thắng hoàn toàn trước phiến quân IS
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trong hôm cuối tuần qua đã chính thức tuyên bố cuộc chiến kéo dài 3 năm của các lực lượng vũ trang nước nhằm tiêu diệt tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã chấm dứt.
Các thành viên thuộc lực lượng cảnh sát liên bang Iraq tổ chức ăn mừng chiến thắng (Nguồn: Reuters).
Tổ chức ngày chiến thắng
“Các lực lượng của chúng tôi đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới Iraq-Syria, bởi vậy tôi tuyên bố chấm dứt cuộc chiến chống IS” - Thủ tướng Abadi nói trong một cuộc họp báo tại thủ đô Baghdad và nhấn mạnh: “Kẻ thù của chúng tôi muốn tiêu hủy nền văn minh, nhưng chúng tôi đã giành chiến thắng bằng sự đoàn kết và quyết tâm”.
Trong lúc mà chính quyền Iraq tuyên bố tổ chức ngày nghỉ lễ trong hôm 10/12 để ăn mừng chiến thắng, Thủ tướng Abadi nói trong một bài phát biểu trước Bộ Quốc phòng rằng cuộc chiến tiếp theo của Iraq sẽ là đánh bại nạn tham nhũng.
Phiến quân IS từng chiếm giữ một vùng lãnh thổ lớn ở khu vực phía Bắc và Tây thủ đô Baghdad sau cuộc tấn công chớp nhoáng hồi năm 2014.
Khi mà quân đội và cảnh sát Iraq thời điểm đó buộc phải rút lui, ông Ayatollah Ali Sistani, một thủ lĩnh tinh thần của đất nước này, đã kêu gọi huy động lực lượng, dẫn tới việc hình thành các đơn vị bán quân sự Hashed al-Shaabi.
Cuộc phản công của Iraq cũng được hậu thuẫn nhờ một chiến dịch không kích quy mô do liên minh mà Mỹ dẫn đầu thực hiện, tái chiếm được từng thị trấn, làng mạc từ tay những kẻ phiến quân.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối tuần qua cũng hoan nghênh việc nhóm phiến quân IS bị đánh bại, tuy cảnh báo rằng cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc.
“Mỹ cùng với Chính phủ Iraq muốn nhấn mạnh rằng việc giải phóng hoàn toàn Iraq không có nghĩa rằng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, thậm chí chống IS, ở Iraq đã kết thúc” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, cho hay.
Trong khi đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng đăng tải trên mạng xã hội dòng chữ chúc mừng chiến thắng: “Chúc mừng Chính phủ Iraq và các lực lượng an ninh của nước này vì đã giải phóng hoàn toàn các khu vực mà IS từng nắm giữ”.
Hisham al-Hashemi, một chuyên gia nghiên cứu về các tổ chức phiến quân, cảnh báo rằng IS vẫn là một mối đe dọa bởi chúng còn chôn giấu nhiều hòm vũ khí ở các khu vực sa mạc không có người sinh sống.
Iran, đồng minh thân cận của Iraq, trong hồi tháng trước cũng tuyên bố thắng lợi trước IS, khi mà tổ chức phiến quân này chỉ còn co cụm vào một vùng lãnh thổ hết sức nhỏ bé.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Abadi của Iraq nói rằng ông sẽ chưa tuyên bố chiến thắng cho đến khi vùng biên giới với Syria sạch bóng phiến quân IS.
Thất bại của phiến quân IS là một bước ngoặt đối với tổ chức này, mà trong năm 2014 từng cai trị một vùng lãnh thổ có diện tích ngang bằng đất nước Italy với 7 triệu dân dưới trướng của chúng.
Ở rìa bên kia biên giới, tức lãnh thổ Syria, IS cũng đang chịu sức ép lớn. Hôm thứ Năm tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng nhiệm vụ quân sự nhằm hỗ trợ chính quyền Syria đánh bại IS đã “hoàn thành” và đất nước này đã được “giải phóng hoàn toàn”.
Tại khu vực biên giới bên Iraq, các lực lượng thân chính phủ và lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đang thực hiện nhiều chiến dịch truy kích các binh sỹ IS còn sót lại ở khu vực phía Bắc thung lũng Euphrates.
Những cảnh báo về IS
Người đứng đầu Bộ tư lệnh Các chiến dịch phối hợp của Iraq, Tướng Abdel Amir Yarallah, hồi cuối tuần qua cũng tuyên bố rằng vùng thung lũng sa mạc Al-Jazira đã nằm dưới tầm kiểm soát của quân đội Iraq và lực lượng Hashed cũng đang từ tỉnh Nineveh tiến quân tới tỉnh Anbar ở phía Tây.
“Các lực lượng quân sự giờ đã kiểm soát khu vực biên giới với Syria, từ cửa khẩu Al-Walid cho tới Rabia”- ông Yarallah nói.
Dù đã tuyên bố giành chiến thắng, nhưng nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng IS vẫn còn có đủ khả năng để thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng bom, nhờ các chi nhánh hoạt động ngầm. IS cũng được cho là đang có nhiều căn cứ bí mật nằm ở sâu trong hẻm núi Wadi Hauran, một dải thung lũng kéo dài từ biên giới với Arab Saudi đến sông Euphrates.
Chiến dịch phản công mà Iraq phát động đã dẫn tới việc giải phóng Tikrit, phía Bắc Baghdad, vốn bị IS kiểm soát suốt gần 10 tháng.
Chiến dịch này còn có sự tham dự của Iran, thông qua lực lượng người Shi’ite mà nước này huấn luyện nằm trong liên minh Hashed al-Shaabi.
Các thành phố ở khu vực phía Tây như Ramadi và Fallujah là 2 địa điểm chiến lược được giải phóng sau chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul thành công hồi tháng 7 vừa qua, sau chiến dịch kéo dài 9 tháng bởi lực lượng gồm 30.000 binh sỹ.