Tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công nghiệp
Khá phong phú về sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên do yếu về khâu thiết kế nên các sản phẩm thủ công nghiệp Việt Nam dù có chất lượng nhưng vẫn chưa thút hút khách hàng, vì vậy đầu ra sản phẩm thủ công nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần phong phú và đa dạng về mẫu mã.
Những sản phẩm của ngành hàng này như mặt hàng sơn mài, hàng mây tre đan, gốm… mang đặc trưng dân tộc, tinh xảo, độc đáo, có tính thẩm mỹ cao; tuy nhiên xét kỹ về giá trị sản phẩm thì hàng thủ công mỹ nghệ có nhiều nhược điểm. Theo đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tuy phong phú nhưng lại đơn điệu về mẫu mã, thiếu nhiều sự lựa chọn.
Đặc biệt, tất cả các mặt hàng đang sản xuất theo những mẫu mã có sẵn mang tính truyền thống chưa có sự nghiên cứu thấu đáo về thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng giá cả thị trường. Khách hàng nhận định, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đẹp nhưng sự tiện dụng và tính sáng tạo lại đang thiếu. Đây chính là nguyên nhân chính khiến nhiều sản phẩm đang bị bế tắc về đầu ra.
Ông Oh Sang Jin, đại diện Công ty Megazone Vina (Hàn Quốc) nhận định, sản phẩm thủ công nghiệp Việt hiện chưa đến trực tiếp với người tiêu dùng mà còn phải qua nhiều khâu trung gian, tốn kém chi phí. Điều này thật sự đáng tiếc vì chúng ta bỏ đi cơ hội tham gia thị trường các nước.
Đánh giá tầm quan trọng của của ý tưởng sáng tạo và thiết kế, bà Huỳnh Bích Trân - Phó giám đốc, bộ phận Đo lường bán lẻ của Công ty Nielsen Việt Nam nhấn mạnh, DN phải nắm được diễn biến thị trường, tâm lý, hành vi người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng. Bên cạnh đó, bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng là yếu tố có tác động trực tiếp đến quá trình marketing, sale của một thương hiệu. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng cho rằng, cần có sự điều tiết và phân công trong chuỗi giá trị thủ công mỹ nghệ theo hướng chuyên môn hóa.
Để thực hiện giải pháp trên, Cục Xúc tiến thương mại hợp tác cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”, giai đoạn 2017 – 2020. Kế hoạch của Dự án là xây dựng và thành lập Trung tâm Hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội. Trung tâm sẽ tập trung vào các hoạt động tư vấn thiết kế, nâng cao năng lực thiết kế cho các DN Việt Nam, kết nối giữa các DN Việt với các nhà thiết kế trong, ngoài nước.
Ngoài hỗ trợ về thiết kế sản phẩm, dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” thành lập và vận hành kênh thương mại điện tử. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm có thiết kế tốt của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc. Ông Oh Sang Jin, đối tác thực hiện dự án đến từ Hàn Quốc chia sẻ, Dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” sẽ có kênh thương mại điện tử để giúp DN Việt tiếp cận trực tiếp người dùng, giảm chi phí khâu trung gian và nâng cao lợi nhuận cho DN.