Sáp nhập, giảm biên chế cấp xã
Nghị quyết Trung ương 6 nêu rõ, hơn 700 đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chí quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định sẽ phải sáp nhập. Việc sáp nhập này không chỉ góp một tiếng nói vào công cuộc tinh giản biên chế mà còn giảm khoản chi phí hành chính không nhỏ như trụ sở, điện nước, phương tiện...
Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Hữu Đức cho biết: Sáp nhập chắc chắn sẽ có sự xáo trộn nhưng đây là việc làm cần thiết. Thực tế rất nhiều xã không đáp ứng được các tiêu chí về diện tích và quy mô dân số nhưng vẫn ngốn một khoản ngân sách hệt các đơn vị hành chính khác, đó là bất cập. Chẳng hạn ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, xã Hải Chính có 4,3 km2 diện tích tự nhiên và khoảng 5.000 dân số.
Theo quy định, một xã khi thành lập phải có tối thiểu 30 km2 diện tích và 8.000 dân thì cả hai tiêu chí này Hải Chính đều thiếu. Về quy mô dân số, Hải Chính chỉ đáp ứng được 60% tiêu chí, còn về diện tích là 12%. Nhưng về số lượng cán bộ thì không có sự khác biệt. Ở đây cũng được bố trí tới 21 cán bộ, công chức cùng 17 cán bộ bán chuyên trách và nhu cầu chi tiêu hành chính cũng như các xã khác trên địa bàn.
Chuyện ở Hải Hậu chỉ là một ví dụ. Hiện, cả nước có hơn 3.300 đơn vị hành chính cấp xã được thành lập nhưng thiếu tiêu chí cả về quy mô dân số và diện tích. Trong đó có đến hơn 700 xã thiếu tới 50% tiêu chí cả hai điều kiện. Đây là một trong những lý do khiến bộ máy ở cơ sở ngày một phình to, tốn kém.
Theo Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tinh gọn bộ máy vừa ban hành, 700 đơn vị hành chính cấp xã thiếu 50% tiêu chí về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập. Theo tính toán, chỉ riêng sáp nhập 700 đơn vị này thành công, ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được 2.000 tỷ đồng mỗi năm, cùng với đó là bộ máy hành chính ở cấp cơ sở sẽ được tinh gọn lại.
Theo ông Nguyễn Hữu Đức, việc sáp nhập xã đã có tiền lệ. Trước đây, 4 xã của tỉnh Ninh Bình đã sáp nhập, sau khi sáp nhập các đơn vị này vẫn hoạt động hiệu quả. Ngay cả việc sáp nhập Hà Tây về Hà Nội khó thế chúng ta vẫn làm được, thì không có lý gì cấp xã không làm được. Cũng theo ông Đức, với các xã đủ điều kiện phải sáp nhập làm một. Theo đó, nhân sự của hai đơn vị được gộp lại sẽ phải có bài toán cho nghỉ chế độ, điều chuyển một số vị trí, thậm chí chấp nhận cồng kềnh một khoảng thời gian, sau khi vị trí đó nghỉ hưu thì sẽ không bố trí thêm người nữa.
Giảm biên chế cấp xã là một giải pháp cần thiết nhưng chưa đủ để giảm sự cồng kềnh của bộ máy, ông Đức đề nghị cần thí điểm tiến tới sáp nhập các cơ quan song trùng về nhiệm vụ như Thanh tra với Kiểm tra, Tổ chức với Nội vụ. Thậm chí nên nghiên cứu hợp nhất một số bộ ngành có nhiệm vụ, chức năng tương đồng cũng như sáp nhập những đơn vị hành chính để tinh gọn bộ máy.
Được biết, Bộ Nội vụ đang Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức (CBCC) và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, phường thị trấn (cấp xã).
Theo đó, Bộ này đề xuất tinh giản hàng nghìn cán bộ, công chức xã và hàng chục nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Ở cấp thôn, tổ dân phố sẽ giảm hơn 400.000 người. Nếu quyết liệt tinh giản biên chế dù là ở cấp xã, chắc chắn sẽ công cuộc tinh giản biên chế không thể là con số âm như hiện nay.