Lợi nhuận lúa gạo thấp vì logistics kém
Ông Lê Xuân Vinh, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, trên thực tế năng suất sản xuất lúa của Việt Nam cao hơn cả Thái Lan, thế nhưng lợi nhuận thu được lại không nhiều. Nguyên nhân của thực trạng này là do giá thành sản xuất trong nước cao, chi phí cho vận chuyển, logistics lớn.
Trong giai đoạn 2010-2016 thị phần gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, với thị trường tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ủng hộ chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo; song, giới kinh doanh mặt hàng này phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, xuất khẩu gạo còn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao, đa phần sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản thóc, gạo còn hạn chế, đặc biệt logistics cho lĩnh vực này khá yếu.
Theo chia sẻ của các DN, khi giá thị trường đi lên, đối tác đòi phải giao hàng nhanh hoặc đòi hỏi giảm giá, thế nhưng hệ thống logistic của Việt Nam đôi khi không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của DN. Điều đặc biệt, chi phí giao nhận đang chiếm rất nhiều, trung bình là 20% giá hàng hóa.
Trước quan ngại về logistics hiện nay, ông Phan Văn Chinh - cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công thương cho biết, Bộ rất quan tâm đến vấn đề logistics vì chi phí giao nhận đang chiếm 20% giá hàng hóa. Để giải quyết bài toán này, Bộ đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt. Quy hoạch phát triển xây dựng hệ thống cảng sông, cảng biển để vận chuyển lúa, gạo hàng hóa và xuất khẩu trực tiếp tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ logistics, áp dụng công nghệ hiện đại về kỹ thuật và quản lý để giảm thời gian lưu tàu, giảm chi phí bốc dỡ.