Hà Tĩnh: Ủy ban ‘đau đầu’ với tồn đọng đất đai 25 năm trước
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết: Tồn đọng ở khu vực phía Nam cầu Bến Thủy kéo dài đến 25 năm, hồ sơ phải lục lại và để khép lại thì phải xem xét áp dụng luật thời điểm nào cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Phúc trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Tại phiên chất vấn sáng 13/12, kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, các đại biểu đặc biệt quan tâm phần trả lời của ông Nguyễn Văn Phúc, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, trọng tâm là vấn đề giải quyết các vụ việc tồn đọng đất đai từ những năm 1991-1994.
76 vụ việc tồn đọng đất đai ở huyện Nghi Xuân cách đây 25 năm đã được Báo Đại Đoàn Kết phản ánh qua 2 bài viết vào tháng 8/2016. Qua một phần tư thế kỷ, trải qua nhiều đời chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, câu chuyện tồn đọng đất đai vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII cũng đã “mổ xẻ” vấn đề này. Tuy nhiên tại kỳ họp này, Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Phúc vẫn phải trả lời chất vấn của đại biểu.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, trong số 76 vụ tồn đọng đã báo cáo tại kỳ họp thứ 4 đến nay đã giải quyết xong 45 vụ việc, còn lại 31 vụ việc đang tiếp tục xử lý. Cụ thể, 46 vụ việc do Đoàn giám sát HĐND nêu đã giải quyết được 25 vụ việc, còn 21 vụ các đơn vị đang triển khai thực hiện.
Tại kỳ họp này, một đại biểu huyện Kỳ Anh đề nghị đưa thêm vụ 101 hộ dân chưa được cấp sổ đỏ ở khu vực tái định cư của dự án hồ chứa nước Rào Trổ, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh vào vụ việc tồn đọng.
Các đại biểu đề nghị làm rõ những nội dung liên quan đến các vụ việc tồn đọng cách đây 25 năm.
Các đại biểu Nguyễn Trong Nhiệu (tổ đại biểu huyện Nghi Xuân), Lê Thị Quỳnh Hoa (tổ đại biểu huyện Cẩm Xuyên), Nguyễn Huy Hùng (tổ đại biểu huyện Lộc Hà) cũng đề nghị Chánh thanh tra tỉnh làm rõ việc giao đất cho các hộ dân từ năm 1992-1994 hiện nay đang xử lý như thế nào, khi nào sẽ giải quyết dứt điểm, giải pháp cụ thể ra sao?.
Trả lời các chất vấn tại chỗ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định: Vụ việc tồn đọng liên quan đến việc áp dụng chính sách rất khó khăn. Ngay cả Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH cũng như các sở ngành đã có 3 cuộc làm việc xin ý kiến các bộ, ngành giải quyết nhưng các bộ ngành cũng trả lời là không đủ thẩm quyền. Quan điểm giải quyết là phải đảm bảo đúng quy định pháp luật, ổn định tình hình và đảm bảo khả thi nhưng để đảm bảo được 3 yếu tố này là rất khó khăn. Hiện nay, các vụ việc đang được tiếp tục xin ý kiến của các bộ, ngành.
“Các đại biểu hỏi là có xây dựng lộ trình giải quyết các vụ việc tồn đọng không, báo cáo với các đại biểu là có những vụ việc không thể xây dựng lộ trình được vì cực kỳ phức tạp, liên quan đến nhiều ban ngành, tồn đọng quá lâu”, ông Phúc nêu khó khăn.
Về giải pháp, ông Phúc cho rằng Thanh tra tỉnh sẽ thành lập các đoàn, tham mưu giải quyết. “Đối với 46 vụ việc do Đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu thì chúng tôi sẽ phân loại, phần nào tỉnh giao cho Thanh tra tỉnh thành lập đoàn liên ngành thì chúng tôi sẽ thành lập, phần nào giao cho Sở TNMT hoặc sở ngành khác, Thanh tra tỉnh sẽ cùng tham gia, tham mưu giải quyết”.
Nói về các vụ việc tồn đọng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cho biết: Tồn đọng ở khu vực phía Nam cầu Bến Thủy kéo dài đến 25 năm, hồ sơ phải lục lại và để khép lại thì phải xem xét áp dụng luật thời điểm nào cho phù hợp. Tuy nhiên, làm gì cũng giải quyết theo Hiến pháp và pháp luật, không thể giải quyết theo cảm tính. UBND tỉnh giao các cấp, ngành tập trung xử lý dứt điểm nhưng cũng cần có thời gian.
“Vụ việc phía Nam cầu Bến Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã có 3 cuộc làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND và tôi đã có 1 cuộc làm việc tại Hà Nội với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ TNMT, Bộ Tài chính để giải quyết việc này. Xin khẳng định với các đại biểu là không phải Ủy ban tỉnh không làm mà kể cả Bí thư, Chủ tịch, bộ, ngành cùng vào cuộc nhưng việc này giải quyết phải tuân thủ theo pháp luật”, ông Khánh nhấn mạnh.
Trả lời về thắc mắc của cử tri về những vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, theo Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân là do công tác tiếp dân thường xuyên ở cấp xã không có biên chế chuyên trách, chủ yếu Chủ tịch UBND các xã phân công các công chức phụ trách như tư pháp, hộ tịch kiêm nhiệm nên công tác tiếp công dân chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ngoài ra, công tác tiếp dân chưa được lãnh đạo địa phương quan tâm đúng mức, chưa sát với tình hình thực tế, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Việc tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp xã chưa thực hiện đúng quy định, một số nơi thực hiện hình thức, chưa thực sự lắng nghe, đối thoại. Trình độ, năng lực, thái độ phục vụ, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp xã, huyện còn nhiều hạn chế… Vẫn còn tình trạng cố chấp, cố tình đeo bám khiếu kiện kéo dài và sự xúi dục của một bộ phận “kiện thuê”, làm phức tạp thêm tình hình.