Dự án Nhà chống lũ: Hành động ngay lập tức, cho giấc mơ hôm nay
“Nhà chống lũ” cái tên đã thành thân quen, kết nối những tấm lòng nhân ái từ văn nghệ sĩ trí thức, doanh nghiệp đến bà con vùng lũ. Ở nơi đâu có bão lụt, ở đó, Nhà chống lũ có mặt. Những ngôi nhà “chống lũ” mọc lên, ngày một nhiều, nụ cười của người dân vùng lũ ngày một đầy. Bài phỏng vấn được thực hiện, giữa những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi của chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), Sáng lập và điều hành Dự án Nhà chống lũ.
Một căn nhà chống lũ. (Ảnh: Hoàng Thắng).
PV: Chị rất bận rộn và như tôi biết, chị ít khi được ngủ đẫy giấc. Vậy mà mỗi khi gặp chị, luôn thấy nụ cười rạng rỡ không ngừng trên môi?
Phạm Thị Hương Giang: Từ khi còn nhỏ, tôi luôn được mọi người nói là “chưa gặp đã thấy nụ cười”, rồi lớn lên thì là “năng lượng ở đâu ra mà lúc nào cũng tươi phơi phới”. Mọi người ví tôi là núi lửa với dung nham năng lượng bất tận, trào ra mãi mà không hết. Tôi cũng không biết khi nào sẽ hết “dung nham” nhưng vì tôi luôn thấy đam mê trong tất cả các công việc mình làm, đam mê kích thích đam mê nên tôi lúc nào cũng “đầy tràn” như thế.
Nếu mình tin tưởng, kiên trì và quyết tâm thì giấc mơ sẽ thành hiện thực. Có điều, chúng ta phải có những giấc mơ đẹp, có ý nghĩa, và sẵn sàng hành động, hành động ngay cho ước mơ ấy. Ước mơ không đợi ta đến ngày mai mới hành động, bởi nó là ước mơ của ngày hôm nay. Và với quan điểm đó, tôi đã đặt tựa đề cho chiến dịch gây quỹ Nhà chống lũ năm 2016 là “When We Believe” (Tôi Tin) bởi tôi và các thành viên trong nhóm đều thấy rằng niềm tin là thứ tài sản duy nhất khiến cho Nhà chống lũ đi được những bước dài và chắc chắn: chúng tôi tự tin vào những gì mình đang làm và chúng tôi có được niềm tin từ những người hưởng lợi và cộng đồng, để tất cả cùng chung tay với mình.
Chị có thể chia sẻ từng công việc, bắt đầu từ cậu con trai nhỏ?
- Thật sự đây là công việc khó nhất. Nó đã từng lấy đi gần hết sự lạc quan của tôi trong nhiều năm kể từ khi tôi phát hiện ra con trai mình mắc chứng tự kỷ. Suốt nhiều năm tôi đã đi tìm các phương thức chạy chữa và nuôi dạy con, không từ bất cứ một phương pháp nào kể cả những điều mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra tôi có thể tin nổi. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ mất đi niềm tin vào con mình, vào bản thân mình dù tôi và các chuyên gia dạy bé liên tục phải điều chỉnh, thay đổi, vì chưa có gì là chuẩn mực trong việc nuôi dạy một đứa trẻ tự kỷ.
Con tôi cho đến khi 6 tuổi mới bắt đầu biết đi vệ sinh, biết ăn cơm, dám cho tắm rửa mà không sợ hãi… Thật sự là đã có những khoảng thời gian tưởng không bao giờ vượt qua được.
Gần đây, con tôi đã biết được cảm xúc đau, cảm xúc buồn rồi, còn vui và yêu thương thì đương nhiên là cu cậu rất biết cách thể hiện vì cậu là một đứa trẻ rất tình cảm.
Thật mừng cho chị. Công ty riêng thì sao? Làm thế nào để vẫn duy trì được công việc tốt trong khi chị đang dồn hết sức về phía Nhà Chống Lũ?
- Thời gian cho Nhà Chống Lũ chiếm 50 đến 60% thời gian làm việc, thời gian còn lại chia đều cho mấy công ty. Tôi có một công ty mà đồng nghiệp gắn bó với tôi từ 12 đến 13 năm rồi. Ngay từ lúc mới thành lập, tôi đã phát triển nó rất chuyên nghiệp, bình tĩnh, hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp và khách hàng là các nhà sản xuất của Việt Nam. Còn công ty tư vấn sáng tạo thì lúc nào cũng hừng hực với những ý tưởng, nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất… nên vô cùng bận rộn.
Ý tưởng về Nhà Chống Lũ của chị bắt đầu từ bao giờ, trong hoàn cảnh nào?
- Từ mùa bão lũ năm 2013, khi tôi nhìn thấy trên mạng có một tấm hình chụp căn nhà gỗ cổ đặt trên khung bê tông ở Hương Sơn - Hà Tĩnh. Tôi ngạc nhiên và hỏi người bạn đăng tấm hình và vô cùng sung sướng khi phát hiện ra ngôi nhà gỗ gần 100 năm này đã “sống bình yên” trong lũ bão được hơn 10 năm. Và chi phí làm khung nhà có 6 cột bê tông, 1 cầu thang bê tông, tôi nhờ bạn bè kiến trúc tính toán chỉ có khoảng 25 triệu. Tôi reo lên khi nghĩ rằng, đây chính là nền tảng của sự chung tay giữa cộng đồng đóng góp hỗ trợ tối thiểu ra nền tảng cho một ngôi nhà an toàn, còn các gia đình nghèo phải nỗ lực làm được phần nhà tầng hai hoặc thậm chí chỉ đưa căn nhà gỗ của mình lên trên. Thật ra tôi đã day dứt muốn tìm ra mô hình hỗ trợ người dân nghèo vùng lũ từ rất nhiều năm trước đó khi tôi luôn tổ chức cho công ty đi cứu trợ lũ lụt.
Chị Phạm Thị Hương Giang.
Chị đã dần hiện thực hóa ý tưởng này như thế nào?
- Ngay ngày hôm sau, cầm ý tưởng và mô hình hợp tác cộng đồng để xây nhà chống lũ trong tay, tôi đã chia sẻ với những người bạn, những người anh chị hay làm cộng đồng mà tôi tin tưởng. Thế là tôi cùng với người bạn mình là Nhà báo Mỹ Linh (VTV3) tổ chức chương trình gây quỹ đầu tiên, đúng một tuần sau khi tôi chia sẻ ý tưởng. Với hơn 200 triệu đầu tiên thu được từ chương trình, chúng tôi đã đi xây 5 căn nhà đầu tiên ở xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Rồi sau đó, mở rộng địa bàn, phát triển thêm các mô hình nhà mới… cho đến nay.
Việc thiết kế Nhà chống lũ đã được thực hiện ra sao? Việc xây dựng được chị mường tượng như thế nào?
- Tới nay, Nhà chống lũ có 8 mô hình nhà an toàn chống bão lũ, thuỷ triều lên phù hợp với từng địa bàn, địa chất, vùng miền khác nhau. Chúng tôi có một số thành viên chuyên trách, hợp tác với các nhóm hỗ trợ như kiến trúc, thanh niên, phụ nữ… và thuê thợ địa phương để tạo công ăn việc làm và tăng tính nỗ lực, vươn lên của người dân. Riêng khâu khảo sát, lựa chọn hộ, thoả thuận phương án hỗ trợ, giám sát là do chúng tôi trực tiếp thực hiện.
Và chị làm sao để thuyết phục người dân cùng xây Nhà chống lũ với chị?
- Chúng tôi tìm hiểu kỹ càng hoàn cảnh và mong muốn của từng gia đình để tư vấn cho họ về nhu cầu, về thiết kế cơ bản, về dự toán cho công trình để tìm ra cách đóng góp hợp lý nhất, phát huy được khả năng tự chủ của họ nhất. Chúng tôi đưa ra cách thức và quy trình, mô hình nhà để các hộ tin tưởng, đồng hành với chúng tôi. Và tối thiểu mỗi hộ phải đóng góp 50%. Như thế họ tự tin họ là người chủ động tự xây ngôi nhà và thay đổi cuộc đời của mình. Đó chính là mục đích quan trọng nhất, quan trọng hơn chính ngôi nhà.
Việc tìm kiếm nguồn đóng góp từ những nhà hảo tâm cho Nhà chống lũ không phải là đơn giản, chị đã làm thế nào để có nguồn thu ổn định để chi phí cho Nhà chống lũ?
- Nhà chống lũ gây quỹ theo hình thức “crowd-funding” và gây quỹ trực tiếp từ các chương trình gây quỹ thường niên. Ban đầu, nguồn chính đi từ các chương trình gây quỹ (90%), nhưng sau này khi Dự án hoạt động có hiệu quả, được cộng đồng ghi nhận thì con số từ crowd-funding đã tăng lên đáng kể. Cá biệt như 2016, hơn 50% đến từ nguồn online này. Tôi luôn cùng team khảo sát, đánh giá, bàn bạc với các hộ dân để đưa ra chương trình hành động khả thi trước khi tổ chức gây quỹ. Chính vì lí do đó, chúng tôi thuyết phục được cộng đồng tin tưởng và gây quỹ đủ theo kế hoạch hành động đã đặt ra.
Chị đi thực địa để áp dụng mô hình Nhà chống lũ sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu… với mỗi địa phương ra sao?
- Tôi có team chuyên trách (ít nhất bao gồm người phụ trách vùng và một kiến trúc sư) kết hợp với các nhóm chuyên gia tình nguyện đảm nhận việc này. Tuy nhiên, với một vùng miền mới, vấn đề mới, tôi luôn tham gia để phán đoán và quyết định cách thức triển khai, từ đó tìm ra phương án gây quỹ và điều tiết các hoạt động một cách phù hợp.
Làm thế nào chị có thể lan truyền niềm tin đến với mỗi người để cùng chung tay xây Nhà Chống Lũ cùng chị?
- Chỉ bằng hành động thực, sâu sát, có kết quả thực sự, Nhà Chống Lũ mới lan truyền niềm tin đến với cộng đồng. Chúng tôi chủ trương không truyền thông, quảng bá rầm rộ. Tất cả những gì chúng tôi có là một fanpage Nhà chống lũ và một website chính thức. Tôi tin và chủ trương “Actions speak louder than words” cho các hoạt động của Nhà chống lũ và cả các hoạt động kinh doanh của mình.
Những dự định cụ thể sắp tới của chị sẽ là…?
- Đưa con trai đi khắp các vùng miền mà tôi đã triển khai Nhà chống lũ. Tôi muốn con tôi được trải nghiệm và cảm nhận được cuộc sống nhiều hơn. Biết đâu, có một điều kỳ diệu sẽ xảy ra với con tôi trên những hành trình ấy. Bởi có một bí mật đó là chính khi bắt đầu Nhà chống lũ, tôi đã tìm thấy bước ngoặt trong việc chữa chạy và định hướng cho con như tôi đã kể, và điều đó đã khiến con tôi có những đổi thay, tiến bộ vượt bậc. Và một dự định nữa là thử nghiệm một chương trình hành động để từng bước giải quyết phần ngọn của vấn đề thiên tai, bão lũ, bắt đầu từ năm 2018.
Cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc với những công việc của mình.