Cơ hội phát triển cho vùng Tây Bắc
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đất đai phì nhiêu và khí hậu đa dạng, có điều kiện để phát triển nông lâm nghiệp; du lịch và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: cây ăn quả, chè, cà phê, rừng nguyên liệu giấy, cây dược liệu... Tuy nhiên, vùng Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp do gặp khó khăn về hạ tầng, địa hình hiểm trở...
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do Tây Bắc luôn phải đối mặt với những biến đổi bất thường của thiên tai, khí hậu với tần suất và cường độ ngày càng tăng các hiện tượng cực đoan như: sạt lở, lũ lụt, mưa rét, hạn hán, sương muối… Mặc dù sở hữu các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp với tính đa dạng sinh học cao nhưng nhiều khu vực tại Tây Bắc lại đang bị xói mòn nghiêm trọng, diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp tương đối ít và manh mún, chủ yếu canh tác trên đất dốc, phương pháp canh tác lạc hậu, thiếu bền vững nên hiệu suất không cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương chưa kết nối được với thị trường và chưa gây dựng được thương hiệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao cũng còn khá hạn chế…
“Muốn phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế của vùng Tây Bắc bao gồm cả các vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, nguồn đất, phòng tránh thảm hoạ và ứng phó với biến đổi khí hậu thì cần phải được tiếp tục nghiên cứu với những cách tiếp cận mới để có cơ chế, chính sách liên vùng phù hợp, đem lại hiệu quả nhất” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết như vậy tại Hội thảo Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc với chủ đề “Núi cơ hội cho phát triển” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.
Thời gian qua, Chính phủ Australia thông qua Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (Aciar) đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường nghiên cứu mang lại các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân, đặc biệt là vùng Tây Bắc.
Các dự án này đã hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng ít tài nguyên và bền vững; liên kết thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của san phẩm nông nghiệp.
Hiện Tây Bắc đang từng bước chuyển dịch theo hướng mô hình trang trại, gia trại và chế biến công nghiệp, đặc biệt nhiều mô hình trang trại chăn nuôi và nuôi cá nước lạnh (như cá hồi, cá tầm) đang được phát triển mạnh ở Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lâm nghiệp, vùng cũng chú trọng quy hoạch lại ba loại rừng theo hướng tăng tỷ trọng rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ...
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Bắc phát triển trên quy mô sâu rộng và hiệu quả hơn, cần ưu tiêu đầu tư, nghiên cứu các định hướng sau: nghiên cứu tăng giá trị sản phẩm hàng hoá thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông lâm sản có thế mạnh của địa phương, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước; tổ chức nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đa dạng sinh học.
Đồng thời, ưu tiên xây dựng các chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp gồm rừng, gỗ, các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ và dược liệu, du lịch rừng; chính sách thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ được chứng nhận quản lý rừng bền vững …