Thay đổi ở Thượng Thôn
Con đường dẫn lên xã Thượng Thôn mùa này óng vàng nắng, đã dễ đi hơn so với 10 năm trước đây khi tôi có lần tìm đến. Và cái xã Thượng Thôn, hiểu nôm na là một thôn nằm ở trên cao, xa nhất và cao nhất của huyện biên giới Hà Quảng (Cao Bằng) đã “vàng sắc” hơn với nụ cười những thiếu nữ trước sự đổi mới của quê hương mình.
Nụ cười mới trên quê hương Thượng Thôn
Một thời để nhớ
Con đường lên Thượng Thôn, qua Nước Hai, ngã ba Đôn Chương rồi lên Hà Quảng giờ đã dễ đi lắm rồi. Đường chưa đủ rộng nhưng đã được trải nhựa phẳng phiu, nhộn nhịp các loại xe chạy. Đi chợt nhớ tới con đường “lộ hành nan” mà 10 năm trước đây, khi chúng tôi trải qua để tìm vào Thượng Thôn.
Ngày ấy, mỗi ngày, đâu như chỉ có duy nhất 3 chuyến xe chở khách lên đây. Xe cũng chỉ chạy lên đến ngã ba Đôn Chương rồi bẻ trái để đi cửa khẩu. Thành thử ra, muốn vào Hà Quảng – Quê hương anh Kim Đồng rồi lên tiếp Thượng Thôn là một hành trình liên kết giữa những thao tác: vừa đi bộ, vừa đi nhờ xe của dân.
Trung tâm xã là nơi chúng tôi dừng trọ lại qua đêm, ủ uột vô cùng. Ngày này, điện vào xã cũng chưa có. Không dám “chia sẻ” với nồi cơm ít ỏi của dân, chúng tôi tìm gõ cửa những nhà có mở quán bán hàng. Và thứ duy nhất chúng tôi tìm được chỉ là lương khô. Đành nhai tạm cùng hớp nước trắng xin của chủ nhà rồi chìm vào giấc ngủ sau một hành trình vất vả cùng những câu chuyện đói nghèo của Thượng Thôn.
Thượng Thôn ngày ấy đói cũng do những yếu tố hết sức khách quan của đất, của người. So với Tổng Cọt thì Thượng Thôn cũng là xã xa và cao của huyện biên giới Hà Quảng. Đất tự nhiên Thượng Thôn thì rộng, nhưng chớ chêu thay chiếm phần lớn là đất đồi, đất núi đá. 2.921ha đất tự nhiên nhưng đất sản xuất nông nghiệp của Thượng Thôn chỉ khoảng trên 300ha.
Cuốn sổ lưu còn ghi cái câu ngái ngái của sự buồn đau một thời “Nàng về nuôi cái cùng con, để anh đi trẩy nước non Cao Bằng” mà tôi đã chép lúc ấy, thì dân số của xã đã trên nghìn người rồi. Dân đông, đất canh tác hạn hẹp, trình độ dân trí thấp, tập quán gieo trồng lạc hậu đã bắt người dân phải nghèo.
Rồi cũng như các vùng miền khác, cái nghèo ở Thượng Thôn đã được chú ý. Với các nguồn vốn như 134, 135 và đặc biệt Chương trình xóa nghèo bền vững của Chính phủ về, đất Thượng Thôn, người Thượng Thôn đã có cơ hội để đi lên. Chính sách về, cùng các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại. Bàn bạc, suy tính, thế mạnh nông – lâm nghiệp đã được lựa chọn. Toàn dân, toàn xã bắt đầu xuống ruộng, lên rừng để tạo nguồn thu cho mình.
Để thế mạnh nông – lâm được triển khai có hiệu quả và bền vững, cán bộ khuyên nông, khuyến lâm được đưa về. Với chương trình 3 cùng, cây ngô đã được chú ý và đưa vào chương trình khuyến nông đầu tiên. Các thôn trong xã, đêm đêm đã sáng đuốc, sáng đèn để đón người dân về học tập kinh nghiệm sản xuất. Khi kiến thức về cây ngô được triển khai, đã “ở trong đầu” người dân rồi thì giống ngô mới cũng được đưa về. Các chân ruộng trong quỹ đất nông nghiệp hạn hẹp của xã được cầy ải, đón những hạt ngô giống mới đầu tiên.
Với kiến thức, tập quán canh tác lạc hậu theo kiểu được thì ăn, không thì bỏ đã được người dân thay thế bằng suy nghĩ mới: có trồng, phải có thu. 462ha ngô đồng loạt được gieo cấy, sản lượng đã tăng lên rõ rệt và nhanh chóng đưa tổng sản lượng cây có hạt của xã lên đến 833 tấn. Cùng với sản lượng này, ngoài việc dân no bụng thì ngô còn được bán đổi. Ngô đi, tiền về, vật dụng trong nhà các hộ dân dần được mua sắm qua năm. Không những nâng cao và nâng nhanh về số dân được tiếp cận với các phương tiện nghe nhìn mà phương tiện đi lại cũng được người dân mua sắm.
Ngoài cây ngô, thì cây lạc cũng là thế mạnh của người Thượng Thôn. Ngô được khuyến khích gieo trồng, để tăng nguồn thu, cây lạc cũng bám bờ, bám đất Thượng Thôn xanh cùng năm tháng, mùa vụ. Ngoài nguồn thu do cây ngô mang lại thì cây lạc mỗi năm ở đây cũng đã đem đến cho dân Thượng Thôn những nguồn thu với sản lượng ước tính lên đến 100 tấn.
Tận dụng quỹ đất, mở ruộng tạo hướng thoát nghèo cho người Thượng Thôn.
Ngày mới trên đất cũ
Ngoài cây ngô, cây lạc, lợi nhuận về chăn nuôi cũng nhanh chóng được triển khai ở Thượng Thôn. Bằng việc khuyến khích, động viên và bằng việc triển khai người dân cũng nhanh chóng tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng. Việc triển khai cho vay và dám vay này với người dân Thượng Thôn lúc đầu cũng không dễ. Do nghèo, ít giao lưu và kém hiểu biết nên người dân luôn có một tâm lý là ít dám vay mượn. Ngoài “sợ tiếng xấu” thì họ còn có tâm lý là vay rồi, nếu không làm được thì biết lấy gì để trả đây.
Nắm bắt được tâm lý này của dân, kết hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, cán bộ tín dụng, cán bộ ngân hàng cũng được cử xuống. Ngày đêm triển khai, tác động đã đem đến nhận thức cho nhiều hộ dân. Họ bắt đầu mạnh dạn tiếp cận, điền những nét bút đầu tiên vào tờ đơn xin vay vốn. Vốn về, trâu bò được mua, lại có sự trợ giúp của các tổ đội thú y chăn nuôi nên đàn gia súc đã được nhân rộng. Một nhà vay, một nhà làm, nhà khác thấy vậy cũng học theo. Vài năm ngắn ngủi, đã đưa tổng đàn gia súc của xã lên 1.500 con. Trâu, bò, ngựa lớn đủ tuổi, ngoài việc dùng cho cầy cấy thì được lựa bán. Tiền gốc được trả, lãi đã sinh sôi nên người dân đã có thêm những nguồn thu cho mình.
“Việc to không bỏ, việc nhỏ không xót” đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế cho xã, cho dân. Ruộng đồng, trâu bò đã được gieo trồng, chăn nuôi ổn định thì thế mạnh của rừng cũng được tận dụng. Chương trình nhận và chăm sóc rừng đã trở thành phong trào lớn, được triển khai khắp toàn xã. Để xanh những cánh rừng, để người dân có nguồn thu, 212 tổ đội bảo vệ rừng đã được thành lập, “phủ kín” các thôn bản trong xã.
Cùng với việc vận động, khích lệ người dân nên chỉ sau một thời gian ngắn đã có 125 hộ trong tổng số 450 hộ của dân toàn xã nhận rừng để khoanh nuôi bảo vệ. Cùng với rừng khoanh nuôi, việc trồng mới rừng cũng được triển khai. Với 110ha đất trống đồi núi trọc đã được dọn dẹp và trồng kín cây giống đang hứa hẹn với người dân Thượng Thôn những khoản thu nhập tích tụ từ rừng ở những năm tiếp theo.
Theo chuyến xe khách, tôi trở về thị xã Cao Bằng. Dưới chiều, dòng Bằng Giang nghiêng nghiêng, lượn quanh thị xã, hấp dẫn như một vành khuyên bạc đeo tai của cô sơn nữ người Tày. Nông Thu Huyền, sinh viên khoa văn của Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh ngồi cạnh cứ tíu tít. Hỏi, hóa ra em cũng là người Thượng Thôn, vừa về thăm nhà ngày cuối tuần. Tôi lâng lâng vui. Từ nghèo khó, Thượng Thôn đã vượt khó, rồi lại có những gia đình có tiền để cho con đi học, mà học tới bậc cao đẳng như cô gái có tên Huyền kia cũng là cái cần ghi nhận lắm cho đất này.