Nỗ lực bảo vệ san hô
Rạn san hô đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển, là nơi cư trú của các loài sinh vật đáy và các loài cá. Ước tính, có tới 25% các loài sinh vật biển trú ngụ dưới các rạn san hô. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều rạn sạn hô đã bị hư hại khiến cho hệ sinh thái dưới biển bị ảnh hưởng.
1. Cơn bão số 12 hồi đầu tháng 11 vừa qua đổ bộ vào Nha Trang (Khánh Hòa) không chỉ gây thiệt hại về người và của trên đất liền mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới rạn san hô nằm sâu dưới vịnh Nha Trang. Theo ông Đàm Hải Vân- Trưởng phòng bảo tồn Ban quản lý vịnh Nha Trang, qua đánh giá sơ bộ ban đầu, có khá nhiều rạn san hô ở các khu vực trong vịnh Nha Trang bị gãy, vỡ. Đặc biệt, xung quanh phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, cách bờ khoảng 20-30m, ở độ sâu 3-4m, san hô bị gãy, vỡ trên 50%. Các rạn san hô bị gãy, vỡ là san hô cứng nằm ở khu vực phía Nam đảo Hòn Mun. Còn các rạn san hô nằm ngoài khu vực trên vẫn an toàn và đảm bảo, duy trì được mật độ.
Để giúp rạn san hô sớm phục hồi, Ban quản lý vịnh Nha Trang đã tham vấn các chuyên gia đầu ngành về san hô của Viện Hải dương học để phục hồi lại các rạn san hô bị gãy, vỡ nêu trên. Ông Vân cho biết, đối với các rạn san hô bị gãy, vỡ nhưng còn đủ điều kiện sống thì được nhặt lại và đem đi phục hồi ở khu vực phía Bắc đảo Hòn Mun trên các rạn san hô chết. Đây cũng là nguồn giống để phát triển lại những rạn san hô đã bị hư hại do bão trong thời gian qua. Các chuyên gia đã tiến hành khảo sát độ trong và độ mặn của hai vùng nước này, kết quả cho thấy tương ứng với nhau. Vì thế có thể hy vọng tỉ lệ sống của san hô là khá cao.
Trước đó, tỉnh Khánh Hòa cũng đã phục hồi thành công các rạn san hô ở khu vực mũi Bàng Thang (Tây Bắc Hòn Tre, vịnh Nha Trang). Cụ thể, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu thiết lập rạn nhân tạo kết hợp phục hồi san hô ở khu vực mũi Bàng Thang” nằm về phía Tây đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đề tài này được tiến hành trong 3 năm (từ tháng 10-2013 đến tháng 9-2016). Đây là dự án áp dụng xây dựng mô hình rạn nhân tạo hướng đến nhiều mục tiêu, bao gồm phục hồi và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học biển, đặc biệt là kết hợp để phát triển ngành du lịch lặn biển.
Theo đó, các nhà khoa học thiết lập 100 giá thể rạn nhân tạo với chiều dài 150m để trồng phục hồi san hô, cũng như mở rộng san hô ở nền đáy trong khu vực, với tổng diện tích san hô 4.000m2. Trong đó có 3 loài có tỷ lệ sống cao đạt 69,9%, có khả năng tồn tại trong khu vực mũi Bàng Thang. Theo ghi nhận, san hô bám và phục hồi trên bồn giá thể bê tông có tỷ lệ sống cao hơn trên nền đáy tự nhiên. Bên cạnh đó có sự tham gia phục hồi tại chỗ của các giống san hô cứng và san hô mềm, tăng thêm cảnh quan cho khu vực du lịch và lặn biển, có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học.
2. Chúng ta hẳn vẫn chưa quên, cách đây hơn 1 năm, vào tháng 6-2016, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo đã thông tin: một lượng lớn san hô thuộc vùng biển huyện Côn Đảo đang bị tẩy trắng và chết dần trên diện rộng khoảng từ 600 đến 800 ha. Hiện tượng san hô bị tẩy trắng diễn ra rất nhanh trên toàn bộ rạn san hô Côn Đảo và có nguy cơ chết cao. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để quan sát, các chuyên gia đã đánh giá nhanh và ước lượng, cho thấy khu vực phía Đông (mặt trước Côn Đảo) tại các địa điểm: Cựa gà, Hòn Tài, Bãi Dương, Cát Lớn, bãi Xi Măng, mặt trước Hòn Cau, bãi Cô Vân, Bãi Vong, Bờ Đập và Đầm Tre uớc lượng tỷ lệ trung bình san hô bị tẩy trắng là khoảng 60-70%. Các nhóm, loài san hô bị tẩy trắng chủ yếu là San hô khối, San hô cành, nhóm San hô phiến và nhóm loài San hô nấm. Độ sâu các loài san hô bị tẩy trắng từ 3 đến 15 m (từ mức triều cạn đến độ sâu hết phân bố rạn san hô).
Sau một thời gian, tới tháng 11 năm ngoái, khoảng 200 ha san hô tại các khu vực biển Côn Đảo đã tự phục hồi. Vừa qua, theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương đang tiến hành phục hồi các tập đoàn san hô cứng tại Khu Ramsar Vườn quốc gia Côn Đảo. Theo đó, sau khi hoàn thành, các rạn san hô tại vùng biển Côn Đảo sẽ được phục hồi, kéo theo là sự phục hồi đa dạng sinh học biển, nhất là các loài thủy sinh vật sống, sinh sản trong rạn san hô, các nguồn lợi về tài nguyên biển cũng sẽ tái tạo nhanh, môi trường biển trong lành.
Còn tại Quảng Nam, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm (Hội An) đã nghiên cứu thực nghiệm thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng”. Theo đó, một nhóm nghiên cứu khoa học đã tiến hành điều tra, giám sát về đa dạng sinh học biển tại 10 khu vực nằm trong diện tích của Khu bảo tồn theo phương pháp Reefcheck và Manta Tow. Qua điều tra, nghiên cứu các nhà khoa học đã đánh giá một cách tổng thể hiện trạng phân bố, sức khỏe của các rạn san hô trong khu bảo tồn và lựa chọn 2 khu vực là Bãi Bắc và Bãi Tra (mỗi khu vực có diện tích 2.000 m2) để trồng phục hồi san hô và 2 địa điểm thiết lập vườn ươm san hô cố định dưới đáy biển tại Bãi Bò và Bãi Nần. Qua 2 năm tiến hành thực nghiệm, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật tách 2.783 tập đoàn san hô cứng để trồng phục hồi.
Có thể nói, bảo vệ và cứu các loài san hô sống dưới biển khơi đã và đang được nhiều tỉnh, thành tiến hành một cách thận trọng, khoa học và có trách nhiệm. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực đó, bà con ngư dân và du khách cũng cần tiếp tục nâng cao ý thức để bảo vệ san hô. Chỉ có sự chung tay của cả cộng đồng, chúng ta mới có thể gìn giữ được những rạn san hô dưới đáy biển, cũng là bảo vệ “ngôi nhà” của những loài sinh vật cư trú dưới biển khơi…