Tỷ phú trên miền đất cằn
Học hết lớp 12, đi bộ đội, hết nghĩa vụ anh trở về địa phương. Nhà đông anh em, làm nhiều nghề nhưng cái nghèo cái khó cứ bám đuổi. Rồi bao đêm trăn trở anh quyết định xách dao lên núi phát hoang đất lập nghiệp. Từ một vùng đất chết đến cỏ mọc bò không thèm ăn đã biến thành trang trại bạc tỷ. Anh trở thành hình ảnh về ý chí “biến sỏi đá thành cơm” của người Cao Phong, Hòa Bình.
Con đường lên trang trại của anh Mai Văn Bình dốc đứng “ôm” theo những ngọn đồi. Hai bên đường là ngô, mía và giềng xanh mướt. Đưa chúng tôi đi thăm vườn theo con đường mới ủi, anh kể: Chỉ cách đây khoảng 8 năm thôi cả vùng đấy này toàn là lau lách và cây cỏ xước. Hôm đầu lên đây chặt cây, dựng lều thì ngao ngán lắm. Đồi toàn lau lách và cỏ xước. Đất cằn cỏ mọc lên bò cũng không thèm ăn. Đêm đầu dựng được lều xong không ngủ được. Gió thổi ù ù rung cả lều. Trên này đồi cao nên hứng nhiều gió. Rồi anh nằm nghĩ về những câu chuyện mà người già trong xóm kể về chuyện ma ở đây cũng thấy rợn tóc gáy. Có lúc định bụng nhắm mắt lại ngủ nhưng lại giật thót mình vì những cơn gió.
Hôm sau anh bắt đầu lấy đất chặn khe đồi trữ nước. Phải mất cả tháng trời mình anh hì hục chặn được nước dùng sinh hoạt và tưới cây. Chặn được nước xong anh phát đồi trồng ngô xung quanh khu vực rạch nước để lấy lương thực nuôi cây dài ngày. Trồng xong ngô anh đào rạch, trồng mía. Biết anh lên núi phát hoang trồng ngô, mía nhiều người tò mò lên xem rồi can ngăn anh. Họ bảo: Đất đồi cỏ cũng khó mọc thì trồng mía không bón phân chỉ có mất công. Nhưng kệ, anh vẫn quyết tâm làm.
Khi đã đào được vài nghìn mét rạch thì khó khăn lớn nhất mà anh muốn trồng mía là đưa giống mía lên vì không có đường. Con đường muốn lên đến đây chỉ bằng cách đi bộ. Anh về nhà xin giống mía rồi mỗi ngày vác từng vác mía lên trồng. Sau 2-3 tháng anh mới trồng xong 7.000 m mía. Rồi anh lại quay ra phát tiếp đồi trồng ngô để lấy ngắn nuôi dài. Sau mấy tháng thì ngô lứa đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Được vài tấn anh bán rồi mua lương thực dự trữ lâu dài.
Năm sau mía anh trồng đã cho thu hoạch. Sau khi bán mía và vay ngân hàng anh tiếp tục thuê người đào rạch trồng 7ha mía trắng. Năm đó cây mía Cao Phong lên ngôi anh bán được 300 triệu đồng. Việc đầu tiên anh làm sau khi thu hoạch mía là thuê máy ủi đường. Anh thuê máy ủi 3 lần và phải mất hơn 100 triệu đồng con đường dài 6km mới được hình thành, ô tô có thể vào tận vườn. Đất rộng, sức người có hạn anh đi tìm những người nhà rỗi không công ăn việc làm ở các nơi như Lạc Sơn, Kim Bôi, Cao Phong... để thuê theo năm.
“Lương” của người làm được trả đều đặn theo tháng hoặc theo năm. Anh đã giúp được 15 người có được việc làm ổn định và thu nhập thường xuyên. Có đường việc mua bán sản phẩm ngày càng dễ dàng. Anh mở rộng phát hoang thêm đất trồng ngô, giềng và mía. Nhiều “thợ” buôn tự tìm đến vườn anh để mua. Mỗi năm trung bình anh thu nhập trên dưới 300 triệu đồng từ vườn. Ngoài ra, tận dụng cỏ vườn, cây mía anh chăn nuôi 14 con trâu, bò. Anh Bình kể: Ở mảnh đất đồi này nếu để cỏ mọc không thì đất chai lỳ. Nếu chịu khó chỉ cần 1 năm trồng mía là đất tơi xốp và trở thành đất canh tác thường xuyên.