Đến Haiti
Tới nay, người Haiti vẫn tự hào kể rằng, Vịnh Acul được nhà thám hiểm lừng danh Christopher Columbus chọn làm nơi trú chân trong chuyến du hành tìm ra châu Mỹ, ngày 12/10/1492. Bởi đây là nơi thả neo tuyệt vời trên trái đất.
Một góc thủ đô Port-au-Prince.
1. Haiti là quốc gia ở vùng biển Caribê thuộc khu vực Mỹ La-tinh. Đất nước với nhiều núi non hiểm trở xen với vùng đồng bằng nhỏ ven biển và thung lũng dọc theo những dòng sông. Địa hình đa dạng, khí hậu tuyệt vời là những lợi thế “trời phú” cho đất nước này.
Tuy tổng diện tích chỉ là 27.750 km² nhưng 3 phía giáp biển đã tạo ra cho Haiti vị trí thông thương vô cùng thuận tiện. Ngược thời gian, trong một buổi sáng mù sương ngày 12-10-1492, trên cuộc hành trình đi tìm Ấn Ðộ bằng đường biển, nhà hàng hải Christopher Columbus đã khám phá ra châu Mỹ, miền đất chưa ai biết đến. Chuyến đi ấy của ông được Hoàng hậu Isabella I của Tây Ban Nha tài trợ và nó đã trở thành chuyến đi có một không hai trong lịch sử.
Columbus được giao phó chỉ huy 3 chiếc tàu thám hiểm có tên Nina, Pinta và Santa Maria, cùng đoàn thủy thủ 88 người. Vào ngày 3-8-1492, Columbus dẫn đầu đoàn thám hiểm rời cảng xứ Tây Ban Nha để tiến về phía tây để tới Ấn Độ và Trung Hoa. Tuy nhiên, lênh đênh trên biển nhiều ngày không thấy đất liền, mọi người đều rất chán nản và đã quyết định trở về Tây Ban Nha. Nhưng rồi sáng ngày 12-10-1492, một thủy thủ trên tàu Pinta tên là Rodrigo de Triana đã thấy đất liền khuất sau một dải sương mù. Lúc đầu, mọi người tưởng đó là Ấn Độ, nhưng không phải, mà đó chính là đảo Cuba và đảo Haiti.
Lễ hội Carnival.
Chính sự lạc đường của đoàn thám hiểm đã kết nối châu Âu với châu Mỹ, và Columbus chính thức ghi danh vào lịch sử hàng hải thế giới với tư cách người đầu tiên tìm ra châu Mỹ. Sau sự phát hiện này, người châu Âu, nhất là người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp đã vượt biển tới đây với mục đích khai phá, làm giàu trên vùng đất mới. Và cũng chính vì thế, họ đã mang tới đây cả một nền văn hóa Nam và Trung Âu vô cùng hấp dẫn. Nền văn hóa thực dân ấy nhanh chóng hòa hợp với nền văn hóa bản địa, tạo ra một nền văn hóa mới.
Chính vì thế, đến Haiti hôm nay, người ta như được gặp lại một châu Âu “xa lắc xa lơ” với những kiến trúc đặc trưng của thế kỷ 17, 18. Người ta cũng được thưởng thức những ngón đàn guitar tuyệt vời khiến liên tưởng tới vũ điệu Flamenco của xứ sở đấu bò tót. Và, người ta cũng thật sự ngạc nhiên khi sự hòa trộn văn hóa bản địa với văn hóa châu Âu lại hấp dẫn đến thế, trên thực tế nó đã khai sinh ra một dòng chảy văn hóa mới.
Sau khi siêu bão Matthew tràn qua.
Haiti được biết đến là quốc gia do người da đen độc lập phi thực dân hóa đầu tiên trên thế giới, là quốc gia duy nhất mà sự độc lập một phần nhờ vào cuộc nổi loạn nô lệ. Năm 1804, J.Dessalines lên ngôi Hoàng đế và tuyên bố Haiti độc lập khỏi sự cai trị của những nhà thực dân đến từ châu Âu.
Kể từ đó, qua bao thăng trầm, Haiti tới nay vẫn là một quốc gia nghèo với gần 70% cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, sự nghèo khó về vật chất vẫn không làm người Haiti quá buồn phiền bởi họ quen với cách sống tuân thủ pháp luật và nhường nhịn. Người dân cũng có thói quen hòa cuộc sống của mình với thiên nhiên, không quá đòi hỏi tiện nghi.
Tới Haiti, người ta không thể không ghé lại Vịnh Acul- một trong những địa danh du lịch hấp dẫn nhất trên bờ biển phía Tây của đất nước này. Nơi đây bầu không khí vô cùng trong lành và yên tĩnh. Nước biển xanh làm lộ ra những rạn san hô nhiều màu sắc và những khối đá ngầm. Acul chỉ nhộn nhịp khi vào mùa lễ hội. Dọc bờ biển cát trắng, người ta cùng nhau uống rượu rum Barbancourt Distillery và hòa mình vào lễ hội Carnival.
Jennifer Alexis, Hoa hậu Haiti.
2. Tuy được thiên nhiên ưu ái nhưng Haiti vẫn nghèo là bởi đây là vùng đất chịu nhiều thảm họa thiên tai, trong đó bão và động đất là vô cùng khủng khiếp. Đầu tháng 1-2010, Haiti bị tàn phá bởi một trận động đất kinh hoàng. Thủ đô Port-au-Prince tan hoang. Người ta ước tính số người chết trong vụ động đất lên tới hơn 300.000 người, cùng với 1,6 triệu người mất nhà cửa. Trận động đất 7 độ Richter khiến hàng loạt công trình xây dựng bị phá hủy, trong đó có cả những công trình kiến trúc châu Âu đồ sộ và kiên cố có tuổi đời hơn 300 trăm năm. Những ngôi nhà tại các khu dân cư nghèo đổ rụi như những đống cát.
Du khách rất thích thú chụp những bức ảnh “độc” trên đường phố thủ đô Port-au-Prince.
Sự hồi sinh của Haiti sau trận động đất kinh hoàng đầy nặng nhọc. Nhưng vượt qua nỗi đau thương, từng người dân vẫn sống với niềm hy vọng ngày mai cuộc sống sẽ khá hơn. Trên nhiều con phố nhỏ ở thủ đô, người ta vẫn thấy hàng quán bày dọc vỉa hè, những người bán hàng rong, những người thợ thủ công khéo tay tại một ngõ hẹp trên sườn đồi khu Bourdon cần mẫn đục những tấm tôn thành những hình người, hình động vật và phong cảnh, rồi sơn màu để bày bán.
Chưa kịp hồi sinh sau trận động đất, thì hơn 6 năm sau, vào đầu tháng 10-2016, bão Matthew đã biến miền nam Haiti thành một vùng đất hoang tàn. Thị trấn duyên hải Jeremie gần như biến mất, hầu hết các ngôi nhà bị san phẳng. “Jeremie đã bị xóa sổ hầu như toàn bộ, từ vùng bờ biển cho tới nhà thờ của thị trấn- người dẫn chương trình radio ở thủ đô Port-au-Prince nói. Cây cầu duy nhất nối bán đảo với phần còn lại của đất nước cũng bị cuốn trôi. Phóng viên Jean Hernst Eliscar, người Mỹ mô tả, những trận cuồng phong với sức gió lên tới 230km/giờ đã thổi bay tất cả. Những cây cổ thụ cũng bị bật gốc. Trong bão, tôn của những mái nhà bay như những chiếc lá. Mưa như trút, nước ở nhiều khu vực trong thị trấn dâng cao tới 10 mét.
Bão Matthew là cơn bão mạnh nhất tàn phá Đại Tây Dương và vùng biển Caribê kể từ khi Bão Felix ập vào vùng này trong năm 2007. Nó được gọi là bão “quái vật”, vì đã giết chết hơn 900 người chỉ trong 1 ngày.
Tại sao các thảm họa thiên nhiên thường xảy ra ở Haiti? Haiti là quốc đảo nằm trên đường đi của các cơn bão. Các cơn bão sinh ra từ gần khu vực Mũi Xanh tiến về vịnh Mexico đều đi qua Haiti. Đất nước này còn nằm trên giao điểm của mảng địa chất phía Bắc và Caribe mỗi năm dịch chuyển một vài cm về phía bắc hoặc phía đông, nên động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào...