Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao khiến Mặt trận chưa yên tâm
Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tại hội nghị Giao ban công tác Mặt trận năm 2017 Cụm thi đua các tỉnh Tây Nam Bộ diễn ra tại Cà Mau ngày 15/12.
Hội nghị giao ban Cụm Tây Nam Bộ.
Nhiều cách làm hiệu quả
Theo đánh giá của UBTƯ MTTQ Việt Mam, năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh Cụm khu vực Tây Nam Bộ đã tập trung thực hiện tốt chương trình công tác theo 5 chương trình hành động của UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Đại hội VIII MTTQ Việt Nam đề ra. Hoạt động biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến được chú trọng, nhiều cách làm hay, mô hình hoạt động có hiệu quả tiếp tục được duy trì và nhân rộng.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát, phản biện được thực hiện đồng bộ; việc nắm bắt tình hình dư luận xã hội có nhiều đổi mới. Công tác kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ từ tỉnh đến cơ sở và Ban Công tác Mặt trận được quan tâm hơn; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên Mặt trận được đổi mới. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục được duy trì và triển khai hướng vào lợi ích thiết thực với đời sống nhân dân.
Công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, người có công được thực hiện tốt. Vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc ngày càng được nâng cao, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị tại địa phương.
Năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh đẩy mạnh các hoạt động vận động Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội; tập trung chăm lo cho người nghèo, vùng nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, xây dựng cầu, lộ giao thông nông thôn; tặng quà, gạo cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo,…góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội.
Kết quả năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã tiếp nhận Quỹ “Vì người nghèo” được 477 tỷ đồng; Kiên Giang tiếp nhận 344 tỷ đồng; Trà Vinh tiếp nhận trên 245,684 tỷ đồng; Hậu Giang tiếp nhận 240,758 tỷ đồng; An Giang tiếp nhận trên 180,23 tỷ đồng; Bạc Liêu tiếp nhận trên 90 tỷ đồng; Tiền Giang tiếp nhận trên 72,77 tỷ đồng; Bến Tre tiếp nhận 30,425 tỷ đồng; Cà Mau tiếp nhận trên 55 tỷ đồng; Long An tiếp nhận 120 tỷ đồng. Sóc Trăng tiếp nhận trên 43 tỷ đồng. Vĩnh Long tiếp nhận trên 27,66 tỷ đồng.…
Chia sẻ về cách làm mới trong công tác mặt trận năm qua, ông Phan Mộng Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, cho biết: Năm qua Cà Mau có cách tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân mới đó là, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang tổ chức liên kết ngày hội ở các khu dân cư với nhau. Qua đó tạo điều kiện để người dân giao lưu gắn kết. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ liên kết với Hậu Giang, Bạc Liêu để nhân rộng hơn nữa các khu dân cư…
Bà Đặng Thị Mỹ Cẩm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cũng chỉ ra nhiều cách làm hay, mới của hệ thống Mặt trận. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã chủ động thành lập, triển khai nhân rộng được trên 60 mô hình hiệu quả trên các lĩnh vực như mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”, “Khu dân cư phòng chống cháy nổ”, “Xóm đạo bình yên”, “Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với an toàn giao thông”, “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Hội quán”; Quỹ tiết kiệm mùa xuân...
Ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang cũng thông tin, năm qua Kiên Giang đã làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, đặc biệt phát hành báo Đại Đoàn Kết xuống 100% khu dân cư tạo sức lan toả rộng rãi trong tuyên truyền các cuộc vận động phong trào.
Ngoài ra, năm nay, Kiên Giang có cách làm mới trong tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân ở liên khu dân cư tạo kết nối giữa người dân và các khu dân cư với nhau…
Kết quả bình xét thi đua Cụm Tây Nam Bộ năm 2017, đứng thứ nhất Cụm là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, thứ nhì tỉnh Kiên Giang, xếp thứ 3 tỉnh Bến Tre. Năm 2018 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang là đơn vị đăng cai trưởng Cụm Tây Nam Bộ.
Hạn chế hoạt động hành chính, tăng cường xuống cơ sở
Kết luận hội nghị giao ban Cụm Tây Nam Bộ, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh đánh giáo cao kết quả hoạt động của Cụm Tây Nam Bộ, đây là 1 trong những cụm có nhiều hoạt động cụ thể. Đơn vị đăng cai là tỉnh Cà Mau đã có nhiều vận động thiết thực xây dựng các công trình dân sinh xã hội cho địa phương. Các hoạt động trong năm được Cụm tổ chức rất thiết thực.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu chỉ đạo giao ban.
Về công tác chuyên môn, từ báo cáo các tỉnh đến tổng hợp chung cả Cụm đã ghi nhận đầy đủ kết quả thành tích Mặt trận của 12 tỉnh, trong đó có những tỉnh, qua kiểm tra được nghe trực tiếp đánh giá và biểu dương của cấp uỷ, thường trực các tỉnh, đây là điều đáng mừng.
Phương thức hoạt động của Mặt trận các tỉnh ngày càng đi vào cụ thể, rõ ràng, thể hiện được sự đóng góp của Mặt trận, phát huy tốt lực lượng người có uy tín trong cộng đồng, các chức sắc, cộng đồng người có đạo cùng với Mặt trận bàn bạc đề ra các giải pháp, tham gia với chính quyền, hoàn thành tốt nhiệm vụ địa phương. Mặt trận đã hướng về cơ sở, hiểu dân thật sát, làm cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Qua quá trình kiểm tra, chấm điểm thấy được sự chênh lệch giữa các tỉnh trong Cụm không cao, đây là kết quả thiết thực được UBTƯ MTTQ Việt Nam rất trân trọng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhìn nhận một số hạn chế trong thời gian qua. Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm chưa có nội dung tiêu chí thi đua với nhau, như thi đua thực hiện giảm nghèo, nông thôn mới, hay bảo vệ môi trường…Vẫn còn tỉnh chưa tham gia đồng đều hoạt động trong Cụm.
Nhận thức, hiểu biết pháp luật, nắm bắt chủ trương chính sách, pháp luật của nhà nước trong nhân dân vẫn còn hạn chế, tình trạng vi phạm pháp luật còn nghiêm trọng, an toàn thực phẩm vẫn còn là nỗi lo trong nhân dân…Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo một vài địa phương còn cao, khiến chúng ta chưa yên tâm, hài lòng về công tác chăm lo cho nhân dân.
Ngày hội Đại đoàn kết nhiều nơi vẫn còn tổ chức dưới hình thức hội nghị đơn thuần, chưa thực sự trở thành ngày hội ở KDC; công tác giám sát, phản biện chưa đồng đều, nặng giám sát, chưa đeo bám, giải quyết được bất cập, bức xúc. Phản biện còn ở hình thức góp ý. Bộ máy còn chưa ổn định, mỗi tỉnh còn mô hình khác nhau, phụ cấp cho cán bộ còn chưa đồng đều, cán bộ Mặt trận làm việc nhiều nơi còn ở dạng công chức chưa thật sự là cán bộ phong trào…
Định hướng về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh trong Cụm Tây Nam Bộ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa. Ngoài công tác chuyên môn, Ủy ban MTTQ các tỉnh cần bàn bạc, thống nhất chọn ra những nội dung để thi đua. 12 tỉnh trong Cụm, đồng tâm, đồng lòng để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm tới.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau bàn giao cờ thi đua cho đơn vị đăng cai năm 2018 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang.
Đối với công tác chuyên môn, căn cứ các nhiệm vụ của UBTƯ MTTQ Việt Nam, mỗi tỉnh cần cụ thể hoá từng nội dung, công việc phù hợp đặc thù của địa phương. Cần xây dựng một chương trình thống nhất hành động cùng nhau hoạt động để hạn chế các tồn tại vướng mắc trong thời gian qua. Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giữ vững môi tường, xây dựng NTM…
Phó Chủ tịch nhấn mạnh: Cần tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam trong tình hình mới, tham mưu với cấp uỷ, lãnh đạo sâu sát hơn đối với công tác Mặt trận. Phối hợp với chính quyền, chọn nhiệm vụ phù hợp với vai trò vị trí của Mặt trận.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị, Ủy ban MTTQ các tỉnh trong Cụm, thường xuyên tổ chức công tác giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá, nhân rộng các cách làm hay, hạn chế những cách làm chưa đúng. Chuẩn bị tốt Đại hội Mặt trận các cấp diễn ra cuối năm 2018.
Phó Chủ tịch cho biết, những kiến nghị của các tỉnh trong Cụm chúng tôi sẽ tiếp thu, tổng hợp, giao nhiệm vụ cho các ban tham mưu…sẽ hộ trợ tốt nhất cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ năm 2018…
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh thêm, việc cơ sở đề nghị Trung ương giảm bớt các thủ tục hành chính, văn bản chỉ đạo, đây là kiến nghị hết sức chính đáng, chúng tôi ghi nhận và sẽ phản ánh lên Ban Thường trực Trung ương có điều chỉnh trong thời gian tới.