Cảnh giác với rau lạ
Bệnh viện C Thái Nguyên vừa tiếp nhận 6 bệnh nhân sống tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, hoang tưởng, ảo giác…Người nhà các bệnh nhân cho biết, trong bữa trưa cả 6 người đều đã ăn một loại canh gồm rau cải nấu cùng với một loại cây có hình dạng giống cây rau đắng ở địa phương.
Cây hoa chuông.
Tuy nhiên, sau khi xem mẫu cây do người nhà mang đến, các bác sĩ xác nhận đây là cây hoa chuông - một loại cây thuộc họ cà Solanaceae, có chứa độc tố giống như cây cà độc dược. Trong Từ điển cây thuốc Việt Nam của giáo sư Võ Văn Chi có mô tả, đây là cây nhỡ khỏe, cành lá thường thòng xuống. Lá của loài mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp thành từng đôi, có màu trắng, dài 25-30cm, đường kính 1-1,5 cm, nhị đính trên ống tràng có bao phấn dính nhau.
Theo các bác sĩ, ở điều kiện bình thường, người có cơ địa dị ứng tiếp xúc qua da với bất kỳ vị trí nào trên cây hoa chuông đều có thể bị nổi mẩn đỏ, ngứa. Nếu ăn phải loại cây này, không được cấp cứu kịp thời có thể có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim, suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Người bệnh khi bị ngộ độc cây hoa chuông sẽ cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích và có thể dẫn tới tử vong.
Sau khi tiếp nhận 6 bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên đã tiến hành cấp cứu, truyền dịch, rửa dạ dày. Hiện sức khỏe của cả 6 bệnh nhân đã ổn định.
Đây không phải là lần đầu trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng người dân bị ngộ độc do nhầm lẫn thực phẩm thường ngày với các loài cây chứa độc tố. Trước đó, tối 25-11, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận 9 bệnh nhân đều trong tình trạng miệng rát, rộp lưỡi, đau cổ họng, nôn, khó phát âm... Qua xác định được biết, cả 9 người đều cùng ăn lẩu tại một nhà hàng ở thành phố Thái Nguyên và nhà hàng này đã sử dụng nhầm cây ráy thay cho cây dọc mùng mà người dân vẫn thường ăn.
Cây ráy.
Cây ráy có hình dạng giống cây dọc mùng, chứa hàm lượng sapotoxin là nguyên nhân gây nên các triệu chứng tê môi lưỡi và cứng hàm cho người ăn. Rất nhiều người đã bị á khẩu, cứng hàm không nói được, ngứa “rách miệng” vì ăn nhầm cây ráy thay vì dọc mùng.
Theo tài liệu y học cổ, củ ráy có vị nhạt, tính hàn, có đại độc (độc nhiều), ăn vào gây ngứa trong miệng và cổ họng. Người dân thường dùng củ ráy làm thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay, bàn chân... với cách dùng phổ biến là làm cao dán trị mụn nhọt.
Thực tế rất khó phân biệt dọc mùng và dọc ráy. Tuy nhiên, dọc ráy nhìn thô hơn, màu xanh đậm hơn; dọc mùng nhìn mềm mại hơn, màu hơi ngả vàng. Thân (cây) ráy giã nát, đắp vào nơi bị bỏng nước sôi làm giảm bỏng rát, tránh phồng rộp và phục hồi vết bỏng nhanh.
Trong dân gian thường lưu truyền phương pháp cấp cứu do ngộ độc trước khi đưa đến cơ sở y tế như sau: Nếu mới ăn trong vòng 1-2 giờ đồng hồ thì dùng biện pháp làm cho nôn ra. Lấy 20g muối ăn hòa với 200ml nước sôi để nguội, cho uống nhiều lần để người bệnh nôn thức ăn ra, nếu chưa nôn được thì lấy đũa hoặc ngón tay móc vào cổ họng để người bệnh nôn, sau đó kịp thời đưa đến cơ sở y tế để được điều trị theo phác đồ.
Nếu ngộ độc nhẹ với các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, rạo rực khó chịu, tiếp theo là nôn mửa thì có thể lấy một bát đậu xanh giã nát, đun sôi để nguội. Lọc nước đó chia làm 2 phần, uống cách nhau 1-2 giờ để giải độc.