Giảm chi phí cho doanh nghiệp: Chưa như kỳ vọng
Năm 2017 được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, cả cơ quan quản lý lẫn các nhà hoạch định chính sách đều nỗ lực phấn đấu giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức. Thế nhưng, mong muốn vẫn ở xa, doanh nghiệp vẫn than phiền về gánh nặng thuế phí.
Nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh. Nguồn: NDH.
Doanh nghiệp vẫn phải “cõng” nhiều loại phí
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy ráo riết việc cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh và Bộ Công thương cũng có cắt giảm. “Nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn thắc mắc với tôi rằng đó có phải là cắt giảm thật hay gộp 3 giấy phép cũ thành 1 giấy phép mới. Giấy phép mới là 1 điều kiện kinh doanh mới nhưng gồm 3 cái kia. Và nữa là người thực hiện ra sao? Không gian để người cán bộ không thực hiện cải cách thay đổi, rồi cán bộ cũng nhũng nhiễu doanh nghiệp, kỷ luật thực hiện chưa tốt”- ông Doanh nói và cho rằng, chúng ta phải học tập quân đội, tiểu đội trưởng nói là phải làm, trong khi ở đây vẫn còn nhiều việc phải lo lắm.
Ông Doanh cũng kể lại nỗi niềm doanh nghiệp khi họ than phiền với ông, là giảm chi phí này nhưng lại đội chi phí khác lên.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng đưa ra nhận định: Tất cả các dự thảo văn bản đều đề xuất giảm phí, lệ phí xuống mức thấp hơn so với hiện tại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự mà DN kỳ vọng”. Cụ thể, nhiều trường hợp phí cấp phép dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn chi phí mà cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện thẩm định cấp phép, nhất là trong các hoạt động thẩm định chủ yếu thực hiện thông qua việc xem, kiểm tra giấy tờ, dữ liệu có sẵn, không bao gồm việc kiểm tra thực địa hay giám định kỹ thuật trực tiếp.
Ví dụ như phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản quy định tại Thông tư 230/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo Thông tư này, phí thẩm định mỗi lần là 700.000 đồng và dự thảo Thông tư sửa đổi thì mức giảm xuống còn 630.000 đồng/lần. Thế nhưng tính toán của một DN chế biến cá ngừ cỡ vừa cho biết trong năm 2016, DN cần tới 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Như vậy, mức phí DN này phải chi trả cho việc thẩm định là 756 triệu đồng/năm. Mức phí này quá lớn đối với DN trong khi việc thẩm định cấp xác nhận của cơ quan nhà nước chỉ là nhập và kiểm tra trên hệ thống các thông tin mà doanh nghiệp khai báo. Chưa kể, mức phí này trái với bản chất của phí được quy định tại Luật Phí và lệ phí 2015 là “mức phí phải được xác định dựa trên chi phí của cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện dịch vụ công”
Ông Lê Giang (Công ty TNHH Vĩnh An) cho biết, từ năm 2013 tới nay, DN này mất gần 1 tỷ đồng cho chi phí kiểm nghiệm chất lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, mỗi năm mất khoảng 300 triệu đồng. Ngay cả với những nguyên liệu đã được kiểm nghiệm, xác nhận từ Mỹ hay G7, cơ quan quản lý Việt Nam cũng không chấp nhận. Ông Giang cho biết thêm, thời gian kiểm tra thực tế kéo dài đến 48 tiếng, thậm chí có trường hợp kéo dài 72 tiếng, tức 3 ngày. Như vậy, chi phí lưu kho lưu bãi của các DN là rất lớn.
Chi phí sản xuất là một trong những yếu tố quyết định đến lợi nhuận và giá thành sản phẩm. Việc cắt giảm chi phí có thể làm tăng lợi nhuận và giảm được giá thành sản phẩm. Nhưng trên thực tế đang chỉ ra, các chi phí mà DN đang cõng có nhiều thứ vô lý.
Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI cho rằng, một số loại phí khác đang có sự bất hợp lý. Chẳng hạn, như phí thẩm định cấp, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động do Bộ LĐTBXH thực hiện là 20,5 triệu đồng/lần, còn do Sở LĐTBXH thực hiện là 1,2 triệu đồng/lần. Mức phí do Bộ cấp cao gấp 17 lần so với mức phí do Sở cấp.
Cũng theo ông Lộc, những trường hợp giấy chứng nhận do Bộ cấp là các trường hợp phức tạp hơn, nhưng chắc chắn không thể phức tạp hơn gần 20 lần được!
Thủ tục hành chính rườm rà vẫn làm khó doanh nghiệp. Nguồn Dautu Online.
Lại bỏ chi phí vô hình
Trong suốt nhiều năm qua Việt Nam luôn nỗ lực thay đổi năng lực cạnh tranh. Vì vậy, năm 2017, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã nhảy lên hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm ngoái và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Nhận xét của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho rằng, giao thương Việt Nam là một yếu tố lớn giúp Việt Nam tiến lên phía trước, khi đứng thứ 7 về tỉ lệ nhập khẩu so với GDP và thứ 11 về tỉ lệ xuất khẩu.
Nhưng thành công cũng không thể chủ quan. Bởi dư địa tăng trưởng cho nền kinh tế, thế phát triển của khối DN còn có thể cao hơn nữa nếu như các chi phí vô hình được loại bỏ.
Theo giới chuyên gia kinh tế, hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN phụ thuộc vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Trong khi lãi vay ngân hàng thương mại ở mức cao. Để ứng phó, DN không còn cách nào là cắt giảm các khoản chi phí không hợp lý, như: chi phí lưu thông hàng hóa; chi phí tiêu hao năng lượng như điện, nước, xăng xe; chi phí hội họp, giấy tờ…Một khi cơ quan quản lý không tạo điều kiện mà xây rào cản thì DN muốn lớn cũng không lớn được.
Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, việc đánh giá chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan như thuế, phí, lệ phí… chỉ là một phần. Chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ.
Ông Hiếu dẫn chứng, nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi DN mất 1 người đi thực hiện thủ tục đó, khi nhân ra tiền khoảng 200.000 đồng/người/ngày, vậy chi phí cho khoảng 500.000 DN cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỉ đồng. Việc mất quá nhiều các loại chi phí khiến cho DN gặp nhiều khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.
Vì vậy, giới chuyên gia cũng như DN đều cho rằng, điều cần thực hiện trong năm tới là cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, kiểm tra… để DN dễ thở. Mặt khác, khi chính sách được ban hành thì hạn chế thay đổi, và có thông báo vì không ít DN gặp khó khăn trong việc cập nhật thông tin. Nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ban hành đã chỉnh sửa bổ sung; văn bản ra lúc nào DN cũng không biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Mại kể câu chuyện: Mới đây lãnh đạo tỉnh Bình Dương có một cuộc trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay người ta đang lo, vào năm 2018 lao động nước ngoài tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội, thế nhưng đến nay thì chưa có một thông tư gì hướng dẫn cả. “Rõ ràng đây là một dẫn chứng cho chúng ta thấy rằng, chúng ta có chủ trương song hệ thống luật pháp không ban hành kịp thời. Gần hết tháng 12 năm 2017 rồi mà tháng 1 năm 2018 luật bắt đầu trong khi họ không biết đóng BHXH như thế nào cả”- ông Mại nói.