Chặn thực phẩm 'bẩn'

Nguyên Khánh 16/12/2017 09:50

Không chỉ thời điểm Tết cận kề thì thực phẩm “bẩn” mới hoành hành, mà gần như ngày nào cũng có những vụ thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo chất lượng được phanh phui. Giờ không chỉ người nông dân “thiếu hiểu biết pháp luật” sản xuất kiểu “rau hai luống, lợn hai chuồng” mà nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận cũng đầu độc người tiêu dùng. Câu chuyện mới đây cơ quan quản lý phát hiện Công ty Việt Sin ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh sử dụng cá và thịt trâu để làm thành bò viên thêm một hồi chuông cảnh báo n

Rau muống tưới nhớt; măng, chuối ngâm và ủ bằng hóa chất độc hại; thịt heo có chất tạo nạc; gà “ăn” chất cấm vàng ô... nhiều hộ sản xuất, kinh doanh đầu độc người tiêu dùng bằng mọi thủ đoạn.

Thực phẩm “bẩn” được các hộ nhỏ lẻ sản xuất theo kiểu “rau hai luống”, “lợn hai chuồng” tung ra thị trường đã gây bao nguy hại cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Nhưng thật đáng sợ và nguy hại hơn khi xuất hiện không ít doanh nghiệp (DN) vì lợi nhuận sẵn sàng đầu độc sức khỏe của nhân dân bằng cách tung ra thị trường rất nhiều sản phẩm độc hại.

Trở lại việc cơ quan quản lý phát hiện Công ty Việt Sin ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh sử dụng cá và thịt trâu để làm thành bò viên. Theo kết quả giám định, trong mẫu bò viên GoGo chỉ có ADN của cá, không tìm thấy ADN của bò. Còn trong mẫu bò viên Merlion chỉ có ADN của trâu, không có ADN của bò. Từ kết quả giám định này cho thấy, Công ty này có dấu hiệu gian dối để qua mặt cơ quan quản lý, các siêu thị và người tiêu dùng.

Trước đó, cảnh sát môi trường kiểm tra kho hàng của Công ty Việt Sin, phát hiện 9 sản phẩm không có công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc có nhưng không còn giá trị. Ở thời điểm kiểm tra, tại xưởng chế biến của Công ty này đoàn kiểm tra còn phát hiện 5 lít màu caramen dùng để tạo màu sản phẩm. Công ty này đã thừa nhận việc sử dụng chất phụ gia màu caramen tạo màu cho sản phẩm, nhưng trên bao bì lại ém nhẹm thông tin này.

Tung ra thị trường thực phẩm bẩn không chỉ có DN ở TP HCM. Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho biết, trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng. Còn số tiền phạt vi phạm VSATTP trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng...

Có thể thấy, dù tình trạng vi phạm VSATTP đã ở mức báo động nhưng trong vòng 5 năm qua, rất ít vụ việc bị xử lý hình sự. Chỉ có năm 2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố vụ án Nguyễn Duy Vường- giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội cùng 2 nhân viên là Trần Xuân Mạnh và Đặng Văn Cảnh có hành vi vi phạm quy định về VSATTP trong sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người mà thôi.

Sở dĩ, số lượng vi phạm về VSATTP không giảm là bởi chế tài xử lý chưa nghiêm. Theo quy định cũ, phải có hậu quả xảy ra thì người sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn” mới bị xử lý hình sự. Trong khi đó, hậu quả đối với người ăn phải thực phẩm “bẩn” đa phần không bộc lộ ngay mà thường phát tác sau nhiều năm. Một bất cập nữa là ai cũng nói thực phẩm “bẩn” nhưng thế nào là “bẩn”, mức độ nào là “bẩn”, dường như lại chưa được quy định rõ.

Đơn cử như có những vụ việc, bằng cảm quan rõ ràng là thực phẩm “bẩn” (nơi sơ chế, nguồn gốc nguyên vật liệu tạm bợ, không rõ ràng), nhưng khi trưng cầu chất lượng, mẫu vật thu giữ… thì vẫn đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Thế nên cơ quan chức năng chỉ có thể xử lý hành chính lỗi nguyên liệu, sản phẩm không rõ nguồn gốc và tịch thu tiêu hủy chứ chưa thể “động” được “gốc” của vi phạm là ý thức, sự thiếu trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đại diện Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) cho biết, số vụ vi phạm VSATTP bị xử lý hình sự sẽ tăng mạnh từ năm 2018. Bởi theo vị này, thời gian qua rất nhiều vụ vi phạm VSATTP nếu căn cứ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự để khởi tố.

Nhưng đến thời điểm ngày 1/1/2018 Luật này mới có hiệu lực. Vấn đề cần làm lúc này là phải cần khẩn trương tuyên truyền cho các cá nhân, tổ chức, DN… để nắm rõ các quy định mới này để nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không có những hành vi gây hại cho sức khỏe, tính mạng của cộng đồng.

Thống kê của cơ quan chức năng, mỗi ngày trên cả nước có hơn 200 người tử vong vì căn bệnh ung thư, khoảng 410 ca ung thư mới được chẩn đoán phát hiện. Trong đó, ước tính khoảng 1/3 số người mắc ung thư là do chế độ ăn uống dung nạp quá nhiều hóa chất độc hại từ thực phẩm, nước uống.

Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc bệnh ung thư và các loại bệnh nan y khác sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng sử dụng tràn lan, bừa bãi hóa chất trong chăn nuôi và trồng trọt cũng như sản xuất kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống. Hy vọng với sự nghiêm minh của pháp luật, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thực phẩm “bẩn” sẽ không còn đất sống.

Nguyên Khánh