Làm mới Truyện Kiều
Cuốn “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du vừa được Đông A và NXB Văn học ra mắt với hình thức hoàn toàn mới, có sự minh họa của 15 họa sĩ đương đại Việt Nam. Một cuộc tọa đàm và triển lãm bản gốc những bức tranh minh họa đó cũng đã được tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều nhà Kiều học và công chúng.
Bìa cuốn “Truyện Kiều”.
Dấu ấn hội họa trên “Truyện Kiều”
Kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ họa sĩ vẽ minh họa. Có mặt trong buổi tọa đàm quanh tác phẩm “Truyện Kiều” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia đã lược lại những dấu mốc khá quan trọng. Như năm 1942, 11 họa sĩ Việt Nam có cùng ý muốn tôn vinh Nguyễn Du và “Truyện Kiều” nên đã thực hiện 11 bức tranh in trong “Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du”. Trong nhóm tác giả này có những họa sĩ lừng danh như Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn... Cuốn này do hội Quảng Trị - Huế xuất bản. Mỗi họa sĩ phải làm 1302 bản in khắc gỗ dán vào quyển “Truyện Kiều” và nó hoàn toàn là tranh in khắc gỗ trực tiếp. Trước đó, có cuốn “Kim Vân Kiều” của Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Pháp do Mạnh Quỳnh minh họa. Năm 1992, NXB Văn hóa - Thông tin có in “Kiều” với minh họa của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Đức Nùng và họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, cuốn cổ nhất là cuốn “Kiều” do triều đình nhà Huế thuê các họa sĩ vẽ và chép lên cho nhà vua đọc. Cuốn sách này thất lạc sang Pháp rồi bị bán cho Thư viện hoàng gia Anh, không biết vẽ năm nào, có thể được minh họa vào thời vua Tự Đức.
Nhắc lại điều này, để thấy, việc minh họa “Truyện Kiều” đã có tiền lệ chứ không phải bây giờ mới được các họa sĩ đương thời thực hiện.
Mỗi thế hệ một cách minh họa khác
Nhưng đúng như họa sĩ Thành Chương- người đứng ra quy tụ các họa sĩ vẽ minh họa cho ấn bản “Truyện Kiều” đặc biệt lần này, “mỗi thế hệ, mỗi thời kỳ lại có cách nhìn, cách đọc và cách minh họa khác nhau về Kiều”.
Họa sĩ Thành Chương kể lại, khoảng 2 năm trước, ông nhận được lời mời của họa sĩ Trần Đại Thắng- giám đốc Công ty sách Đông A. “Việc này đối với tôi là quen thuộc, nên tôi hào hứng nhận lời”- họa sĩ Thành Chương không giấu giếm.
Trở lại câu chuyện các họa sĩ đương đại vẽ Kiều, theo họa sĩ Thành Chương, đây là một thách thức. “Tuy nhiên, những anh em mà tôi mời vẽ minh họa cho ấn bản Kiều lần này đều là những người có tài, cũng rất tự tin. Chúng tôi đã nhìn nhận Kiều bằng góc nhìn, thẩm mỹ của thời nay, của những năm tháng này”- họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh, đồng thời nói thêm: “Cũng phải cảm ơn họa sĩ Trần Đại Thắng - người rất tin cậy anh em, đồng thời cũng rất cương quyết có một ấn phẩm Kiều mới, tươi trẻ. Thường, nghĩ đến Kiều là nghĩ đến câu chuyện buồn, thâm trầm… chứ còn mảng miếng, màu sắc tươi trẻ như trong các tranh minh họa lần này thì xưa nay chưa từng có”.
Cũng theo tiết lộ của họa sĩ Thành Chương, danh sách đầu tiên có Nam có Bắc, có già có trẻ, có nam có nữ. Ông mời lớp già, họa sĩ Trần Lưu Hậu và họa sĩ Nguyễn Trung. Nữ thì mời Đinh Ý Nhi và Đinh Thị Thắm Poong. Họa sĩ Trần Lưu Hậu và họa sĩ Nguyễn Trung nhận lời nhưng phút cuối không gửi được tranh, có lẽ do sức khỏe. Còn 2 nữ họa sĩ thì từ chối không tham gia.
Nhiều người muốn sở hữu tranh minh họa “Truyện Kiều”
Chung cuộc, tác phẩm đắt giá nhất là bức tranh “Đoàn viên” của họa sĩ Thành Chương. Bức tranh vẽ bằng chất liệu Acrylic trên giấy, kích thước 28x39 cm. Tranh có giá khởi điểm 0 đồng, sau nhiều lượt trả giá, cuối cùng được anh Nguyễn Ngọc Hoài Nam (TPHCM) mua bức tranh với giá 65 triệu đồng. Một số bức tranh minh họa khác có giá cao như: “Kiều ở thảo am, tu cùng sư Giác Duyên” của họa sĩ Hồng Việt Dũng, “Mã Giám sinh đưa Kiều về Lâm Truy”, “Kiều mắc lừa Bạc bà, Bạc Hạnh” của Phạm An Hải… PV |
Để tác phẩm kinh điển đến gần với công chúng
Xoay quanh câu chuyện làm mới “Truyện Kiều” bằng những bức tranh minh họa đương đại cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí có người đặt câu hỏi: “Liệu minh họa theo phong cách đương đại có đúng khi minh họa cho văn học truyền thống?”.
Trả lời băn khoăn này, họa sĩ Thành Chương khẳng định, thế hệ họa sĩ hôm nay muốn mang đến một quan niệm mới về minh họa. “Ngày xưa các cụ vẽ cho giống theo kiểu mô phỏng, minh họa từng câu chữ, còn anh em họa sĩ hôm nay vẽ minh họa rất phóng khoáng, tự do và mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tác phẩm minh họa trong ấn phẩm “Kiều” được coi là văn bản thứ 2 của Kiều, mang dấu ấn tạo hình riêng của họa sĩ. Nó là một tiếng nói độc lập chứ không minh họa theo kiểu mô phỏng. Đây là một quan niệm mới của các họa sĩ đương đại, chỉ như thế họ mới có đóng góp, đóng góp một tinh thần mới, gần gụi hơn với cuộc sống hôm nay” - họa sĩ Thành Chương nói và tiết lộ, để có 1 bức minh họa trong sách, mỗi họa sĩ đều phải vẽ từ 3 đến 10 bức, với những phương án khác nhau, chất liệu khác nhau.
Theo họa sĩ Thành Chương, muốn bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc, chúng ta không thể giữ mãi cái cũ, mà phải biết cách làm mới cái cũ. Ấn bản này cho thấy phần nào diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Tất nhiên, tôi không kỳ vọng hay đặt ra những bức tranh này phải gánh vác gì cả. Nhưng đây cũng là một cách để lại dấu ấn thế hệ trên một đại danh tác như “Truyện Kiều”.
Đồng tình quan điểm này, từ góc nhìn của mình, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ: “Hiện có một thực trạng văn hóa cổ không còn được quan tâm đúng mức, nhất là đối với giới trẻ. Giới trẻ ít đọc “Kiều” hay các tác phẩm kinh điển. Với ấn bản lần này, đây là một trong những văn bản có chú giải đầy đủ của PGS Nguyễn Thạch Giang, cẩn thận để người đọc khảo cứu. Về mỹ thuật, đây là một cuốn sách kỳ công có mặt các trường phái hội họa, mang hơi thở của đời sống mỹ thuật hôm nay. Cuốn sách này sẽ tiếp tục lưu giữ trong các văn bản “Kiều”, đánh dấu mốc về một thời đại và góp phần bảo vệ, gìn giữ văn hóa theo cách của thế hệ trẻ hôm nay”.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đồng thời là một họa sĩ đương đại tham gia vẽ 1 minh họa ở bản Kiều lần này cho rằng: “Truyện Kiều” nói riêng và các truyện nói chung có nhiều cách minh họa. Một là người ta bám vào chặt vào câu chuyện, về phong tục tập quán, về nhân vật; hai là vẽ theo cảm nhận người ta đọc; ba là vẽ theo đúng thời kỳ câu chuyện diễn ra và người ta cũng có thể vẽ theo con mắt của con người bây giờ”.
Theo ông Thượng, “minh họa không phải là thứ áp đặt chặt chẽ, truyện thế này thì phải minh họa thế này. Lối đó là một lối cổ. Lối của họa sĩ hiện đại là đọc và cảm nhận, họ vẽ theo cảm nhận của họ về “Truyện Kiều”. Nếu đặt hàng minh họa Kiều theo thời Lê Trịnh thì tôi sẽ làm theo thời đó, còn đây là tự do sáng tác nên tôi minh họa theo cách mình đang nghĩ”.