Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Hạ viện Vương quốc Maroc do ngài Habib El Malki, Chủ tịch Hạ viện dẫn đầu và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-22/12.
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Maroc đón Chủ tịch Hạ viện và Phu nhân Sân bay Quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN).
Thành viên Đoàn đại biểu Hạ viện Vương quốc Maroc gồm có Ngài Habib El Malki, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc; bà Sourisse Daniele, Phu nhân của Chủ tịch Hạ viện; ông Amal Belcaid, Vụ trưởng Vụ Đối ngoại, Quốc hội Maroc; ông Hassan Najmi, Thư ký Chủ tịch Hạ viện; ông Kamal Hachoumy, Thư ký Chủ tịch Hạ viện; ngài Azzeddine Farhane, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Maroc tại Việt Nam.
Ông Habib El Malki, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc sinh ngày 15/4/1946, sinh tại Bijaâd, tỉnh Khouribga, Vương quốc Maroc. Ông Habib El Malki, là giáo sư kinh tế tại Đại học Mohammed V University, Chủ tịch Ban Nghiên cứu Địa Trung Hải (MSRG) và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maroc (CMS).
Quá trình công tác, ngày 16/1/2017, ông Habib El Malki được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Maroc.
Ngày 12/10/1990, ông Habib El Malki được Quốc vương quá cố Hassan II chỉ định làm Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về thanh niên và tương lai (NCYF); được bầu là nghị sỹ Quốc hội đại diện cho đảng Liên minh Xã hội chủ nghĩa của các Lực lượng quần chúng nhân dân tại Hạ viện trong các khóa: 1997-2002; 2007-2011 và được bầu lại vào năm 2016; là thành viên của “Viện hàn lâm Vương quốc Maroc.”
Tháng 3/1998, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Nghề cá trong Chính phủ chuyển tiếp do ông Abderrahmane El Youssoufi đứng đầu, trước khi được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên. Năm 2004, ông Habib El Malki được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Đại học, Đào tạo cán bộ và Nghiên cứu khoa học.
Về khen thưởng, ông Habib El Malki được tặng Huy chương danh dự Wissam của Hoàng gia; Huy chương vì những đóng góp kinh tế do Viện hợp tác Luso-Arab trao tặng; Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp.
Quốc hội Việt Nam đón Đoàn nhằm khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, trong đó ưu tiên cao cho việc phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt các nước bạn bè truyền thống tại Bắc Phi.
Chuyến thăm là dịp để hai bên trao đổi về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác nghị viện trong khuôn khổ song phương, đa phương; trao đổi ý kiến về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.