Vở cải lương Huyền thoại Thánh Mẫu: Xúc động về tình mẫu tử
Đoàn Hoa Mai, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa công diễn vở cải lương Huyền thoại Thánh Mẫu (tác giả: Nguyễn Khoa Linh, chuyển thể cải lương: NSƯT Ngọc Chi; đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai). Vở cải lương đã đem đến cho khán giả nhiều xúc động trước tình mẫu tử thiêng liêng…
Một cảnh trong vở cải lương Huyền thoại Thánh mẫu. (Ảnh: Thái Anh).
Có lẽ đây là vở cải lương đầu tiên khai thác về hình tượng mẹ vị vua đầu triều Lý – Vua Lý Công Uẩn – bà Phạm Thị Ngà. Có thể nói, Huyền thoại Thánh Mẫu là dòng suối nước mắt về tình mẫu tử thiêng liêng.
Là vở diễn mang nhiều yếu tố kỳ ảo được viết nên từ rất ít cứ liệu dựa trên truyền miệng là chính nên Huyền thoại Thánh Mẫu không dễ dàn dựng. Thế nhưng, với sự dụng công và trau chuốt cho từng lớp diễn, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai thêm một lần nữa đem đến cho khán giả một vở diễn mới nhẹ nhàng và đậm chất quan họ. Lấy sắc sen cùng thấp thoáng bóng ngôi chùa, mái nhà của làng quê Kinh Bắc là chủ đạo, không gian vở diễn luôn thơ mộng, huyền ảo. Len lỏi vào đó là những thanh âm đầy tinh tế như tiếng kẹt cửa, tiếng thỉnh chuông, tiếng hát giao duyên… làm cho người xem vừa thấy thực mà mơ, thấy mơ mà thực.
Đạo diễn đã có những xử lý bối cảnh trên sân khấu khá tài tình như lúc cô Ngà gặp gỡ thần linh, cô Ngà sinh con hay cô Ngà vượt vòng vây bọn quan quân… Những màn vũ đạo được tạo ra từ những đóa sen đầy uyển chuyển theo ý đồ hợp lý của đạo diễn. Tất nhiên, cộng hưởng vào đó là các nghệ sĩ Đoàn Cải lương Hoa Mai của Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có những vai diễn thành công.
Nhất là nghệ sĩ Thiên Hương – vai cô Ngà không chỉ ca mùi mẫn mà còn diễn giỏi, đầy cảm xúc. Dẫu vậy, dường như một số vai diễn như anh Đồ Thơ, mẹ cô Ngà, quan quân… có phần hơi cứng. Nếu như các nghệ sĩ diễn xuất tự nhiên hơn, tinh tế hơn thì vở diễn sẽ thành công hơn. Mặt khác, phần đầu của vở diễn còn nhiều thoại mà ít những câu ca, lời hát.