Kết nối Lịch sử với cuộc sống hiện đại

Mạnh Dũng 19/12/2017 08:00

Tại hội thảo quốc tế về “Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa”, do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, các thành viên của nhóm biên soạn chương trình môn Lịch sử cho hay, tới đây việc dạy và học bộ môn này sẽ có nhiều điểm mới.

Kết nối Lịch sử với cuộc sống hiện đại

Tới đây, việc dạy và học môn Lịch sử sẽ có nhiều điểm mới.

Nhiều nội dung mới sẽ được đưa vào SGK Lịch sử

Theo TS Trần Thị Vinh- giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn Chương trình môn Lịch sử mới, đến nay Chương trình môn Lịch sử mới đã nhận được ý kiến của đông đảo các chuyên gia, các thầy cô giáo ở các vùng miền trên toàn quốc. Trong đó có cả các giáo viên trực tiếp đứng lớp, các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà khoa học đến từ các trường ĐH trên cả nước. Trên cơ sở đó, nhóm biên soạn đã có những điều chỉnh để hoàn thiện chương trình. Theo đó, chương trình có những thay đổi về cơ bản so với chương trình hiện hành.

Trong đó, điểm mới đáng chú ý nhất là sự chuyển đổi từ mục tiêu tiếp cận kiến thức sang mục tiêu phát triển năng lực, cụ thể là phát triển năng lực chuyên môn lịch sử cho học sinh trên nền tảng hệ thống kiến thức cơ bản về lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam; giúp học sinh kết nối lịch sử với cuộc sống hiện tại.

Kết cấu chương trình môn Lịch sử cụ thể như sau: Ở cấp Tiểu học (lớp 4, 5), những kiến thức sơ giản về Lịch sử là một hợp phần căn bản của môn Lịch sử và Địa lý. Ở cấp THCS, học sinh được học thông sử để nắm được dòng chảy của lịch sử Việt Nam qua các thời đại trong sự tương tác với lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử thế giới. Toàn bộ chương trình lịch sử ở cấp THCS được thiết kế theo mô hình tích hợp lịch sử thế giới lịch sử khu vực Đông Nam Á lịch sử Việt Nam. Trong đó, lịch sử Việt Nam là trọng tâm, chiếm khoảng 60% thời lượng của chương trình.

Còn ở cấp THPT, chương trình được thiết kế theo các chủ đề về lịch sử thế giới, khu vực và Việt Nam trên các lĩnh vực: lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng và những chủ đề có tính định hướng, giúp học sinh hiểu rõ hơn về giá trị nền tảng và ý nghĩa thực tiễn của khoa học lịch sử trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Cùng với đó, một số vấn đề trước đây sách giáo khoa (SGK) cũ chưa đề cập tới như: Chiến tranh biên giới, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo... tất cả các nội dung này cũng sẽ được nhắc tới trong SGK mới.

Xu hướng tích hợp rõ rệt hơn

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ- thành viên nhóm biên soạn Chương trình SGK mới, việc tích hợp trong SGK Lịch sử từ trước đến nay đã có nhưng mức độ còn khiêm tốn. Riêng phần tích hợp nội môn chưa làm được. Do đó nhóm đề xuất cần tăng cường tích hợp trong giảng dạy, đây là xu thế chung của thế giới, cũng như thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về tích hợp sâu và phân hóa dần ở các lớp trên.

Cụ thể, tới đây trong SGK, nhất là sách giáo viên, sẽ chú trọng yêu cầu giáo viên phân tích cho học sinh thấy mối quan hệ và sự tác động giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ví dụ cuộc cách mạng tháng 10 Nga, sự ra đời của quốc tế cộng sản, chiến tranh thế giới thứ 2, công cuộc cải tổ ở Liên Xô... Tất cả sự kiện này đã ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào và ngược lại.

Cũng theo TS Nghiêm Đình Vỳ, chương trình môn Lịch sử và Địa lý mới bắt đầu từ lớp 4 và kết thúc ở lớp 5 với việc tìm hiểu các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Còn ở cấp THCS, hiện tại, nhóm đã có 4 chủ đề: Biển đảo, đô thị, Việt Nam trên con đường đổi mới, văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long... Dự kiến trong chương trình Lịch sử và Địa lý ở THCS, sẽ dành cho các chủ đề chung từ 10 - 15% thời lượng chương trình.

Cấp THPT được dạy theo chủ đề/chuyên đề có tính nâng cao. Việc tích hợp đa môn hoặc liên môn không chỉ riêng Lịch sử và Địa lý mà còn cả kiến thức của các môn khác. Cùng với đó, định hướng trong chương trình SGK mới sẽ tăng cường tích hợp đa môn, sử dụng nhiều hơn kiến thức các môn học khác trong các chương bài để làm cho lịch sử phong phú, hấp dẫn và giúp học sinh hiểu biết rộng hơn.

Theo các thành viên nhóm biên soạn chương trình SGK mới môn Lịch sử, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực, việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập sẽ được chuyển đổi theo hướng chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng, không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá. Do thay đổi chương trình nên đòi hỏi đối với giáo viên, phương pháp giảng dạy cũng thay đổi, gắn với thực hành, thực tiễn nhiều hơn.

Nâng cao vị thế của môn Lịch sử

Hội thảo được tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao vị thế của môn Lịch sử, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông và những vấn đề nghiên cứu, giảng dạy lịch sử hiện nay. Ban tổ chức đã nhận được sự quan tâm của nhiều các tác giả trong và ngoài nước, tập trung vào 4 nội dung lớn, đó là: Chương trình và SGK môn Lịch sử ở trường phổ thông; Những yêu cầu đổi mới đối với giáo viên môn Lịch sử trong tiếp cận chương trình và sách giáo khoa mới; Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường phổ thông trong bối cảnh hiện nay; Một số vấn đề về lịch sử dân tộc và thế giới…

­­M.D.

Mạnh Dũng