Thầy trò một thuở
Nhà thơ Nguyễn Duy có những câu thơ rất gợi về tuổi học trò: Học trò con gái thần tiên/học trò con trai ma quỷ/thầy xếp thần tiên ngồi bên ma quỷ/bén duyên, ma quỷ ghẹo thần tiên. Những câu thơ hay như thế này không phải hồi còn là học trò tôi đã được đọc mà chỉ biết đến chúng khi đã sống quá nửa đời người rồi, khi đã có vài chục năm làm nghề dạy học. Thời còn đi học, có lẽ vào loại bé nhất lớp, chưa bao giờ trong tôi lại dám có ý nghĩ “ghẹo” bất kỳ cô bạn nào dù cũng bị thầy xếp ngồi cạnh bạn n
Đội ngũ giáo viên trường THPT Tây Thụy Anh năm 1967.
Chỉ có điều đã lâu quá rồi, lớp bụi thời gian đã phủ lên các kỷ niệm ấy những lớp bụi dày khiến cho cả chủ nhân của những chuyện ấy cũng ngại mở ra, sợ làm xóa đi những nếp gấp của thời gian.
Nói cho công bằng, lúc ấy dù vẫn xưng hô với các bạn lớn tuổi hơn là mày tao nhưng tôi không hề biết rằng, “chúng nó” đã có vài ba đôi thích nhau, mỗi khi đi học về, thích vừa đi vừa trò chuyện với nhau. Cứ rì rà rì rầm, đi như người dẫn rượu chứ không sốt ruột như mấy đứa trẻ con chúng tôi, vừa đi, vừa chạy, chỉ mong chóng đến được nhà
Tròn 50 năm trước, chỉ sau một kỳ thi cũng chẳng biết có khó hay không nữa, chúng tôi chính thức được gọi vào trường cấp 3 Tây Thụy Anh-ngôi trường mới có quyết định thành lập, đóng tại xã Thụy Phúc. Tiếng là có trường nhưng hầu như chỉ mới được cắm đất, có được một bộ khung lãnh đạo do thầy Tô Choát làm Hiệu trưởng, cô Nguyễn Thị Loan là Hiệu phó và độ hơn một chục thầy cô giáo ở các bộ môn như thầy Vinh, thầy Tăng dạy Toán, thầy Thiệp dạy Văn, cô Thanh dạy Hóa, cô Hoa dạy Sinh vật, thầy Đàn dạy Sử, thầy Thái vừa dạy Trung văn, vừa là chủ nhiệm lớp tôi. Còn một số thầy cô nữa như thầy Cư dạy Địa, thầy Hạp dạy Kỹ thuật, thầy Giảng dạy Nga văn. Rồi thầy Vi dạy Lý, cô Lan dạy Sử, cô Hoa dạy Địa… mới dần dần được bổ sung về.
Đấy là nói khi đã vào học chứ suốt mấy tháng sau khi đã được gọi vào trường, chúng tôi nào đã được học hành gì mà chỉ toàn đi lao động. Ba lớp 9, chúng tôi gọi là khóa không, được chuyển từ trường Đông Thụy Anh về và ba lớp 8 chúng tôi là những lớp học sinh đầu tiên của ngôi trường mới mở. Lớp tôi gắn bó nhiều nhất với hai thầy Nguyễn Việt Thái và Trần Thiệp có lẽ vì hai thầy dạy chúng tôi nhiều và cũng gần gũi với đám học trò hơn chăng? Hay do những ấn tượng ban đầu khi gặp các thầy, tôi cũng không biết nữa.
Năm 1966- 1967 bão to lắm. Ngôi đình Bái Thượng trước đây lớn cỡ nào, tôi không biết nhưng cứ nhìn mấy cây đa cổ thụ bị đổ năm ấy mới biết sự tàn phá khủng khiếp của bão. Nhưng, trong cái rủi có cái may, sáu lớp học sinh và không biết bao nhiêu các bậc phụ huynh ngày ấy đã cùng nhau dựng nên ba phòng học khang trang, mái rạ, tường đất dày cỡ một mét để chống mảnh bom của Mĩ và hàng chục hầm kèo với những hào giao thông chạy từ lớp ra hầm. Hai phòng học đặt ở khu vực vườn dâu, một phòng ở ngay trong vườn chùa thuộc thôn Thuyền Đỗ, một phòng gần khu Hiệu bộ. Trong trí nhớ của tôi, hình ảnh những phòng học với những con giao thông hào đắp đất dày như vậy và những chiếc nùn rơm sau lưng, những chiếc mũ rơm trên đầu luôn là những hình ảnh sống động nhất về lứa học trò trường cấp ba Tây Thụy Anh. Các bạn trẻ bây giờ thử hình dung xem, việc dựng nhà là do phụ huynh học sinh làm nhưng còn toàn bộ tường nhà, hầm hào đều được xây dựng bằng những đôi vai còn chưa đủ nở nang, những đôi tay của 6 lớp học trò chúng tôi.
Trong mấy tháng trời liên tục, những đôi vai của chúng tôi đã chuyển gần như toàn bộ đất nền ngôi đình Bái Thượng và đất ở những khu vực gần đấy, biến chúng thành tường nhà, hào lũy, hầm chữ A có độ dầy hàng mét, cao gần lút đầu người để phòng bom giặc. Bài học từ trường cấp 2 Thụy Dân mới diễn ra vài tháng trước đã cướp đi sinh mạng của 30 bạn và cô giáo đang mang thai còn nóng hổi trong mỗi thầy cô giáo và học sinh, trong tư duy của lãnh đạo nhà trường và trong mỗi phụ huynh. Ai cũng lo cho con em mình nên không ai tiếc công sức, không ai nề hà chuyện đóng góp. Tôi còn nhớ bụi tre nhà tôi đã bị chặt gần một nửa để đóng góp cho việc xây dựng trường. Khó khăn ngày đó bề bộn, không chỉ chưa có đủ thầy cô để đứng lớp mà ngay cả chỗ để ngồi học cho học sinh cũng bắt đầu từ con số không. Giờ, ngồi nhớ lại ngày ấy, chắc trong ký ức của các thầy cô sẽ đầy đủ và thấu đáo hơn nhưng với tôi, một học sinh lớp 8, mới có 15, 16 tuổi, đi lao động còn mặc quần đùi, cứ như chuyện cổ tích. Không phải sau một đêm nhưng chỉ sau vài tháng, ngôi trường đã mọc lên như sự thần kỳ. Các thầy cô giáo lúc đầu phải ở nhờ nhà dân.
Đúng là khó vạn lần, dân liệu, cũng xong!
Tôi nhớ như in có những buổi cả cha mẹ học sinh và học sinh cùng đi lao động cho nhà trường. Cha mẹ lo làm nhà còn học sinh lo gánh đất đắp tường, xây hầm, hào. Nhớ lại thuở ban đầu, tôi cứ thấy lòng rưng rưng bởi cái tình người ngày ấy, sự đồng cam, cộng khổ, ý thức công dân và tinh thần tập thể vì tương lai con em mình, vì trách nhiệm trước xã hội đã tạo ra một sức mạnh to lớn nhường ấy. Không biết có phải bây giờ người ta ích kỷ hơn không nhưng những ngày ấy, dường như cả xã hội cùng chung tay lo việc dạy và học, lo cho giáo dục, mặc dù lúc ấy giáo dục chưa hề được coi là quốc sách. Mục tiêu tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ thấm vào trong nhận thức và tình cảm của mỗi người.
Những năm ấy không chỉ thiếu thốn về sách vở, ngay cả thầy cô giáo cũng không đủ. Trường mới thành lập, khó khăn trăm bề. Chúng tôi có khi phải học trong những tháng hè vì chỉ khi đó mới có thầy dạy. Môn Hóa học như vậy. Môn Lý phải mời thầy Nguyễn Văn Khải từ trường cấp ba Đông Thụy Anh về dạy một thời gian cho đến khi trên phân công thầy Phạm Khắc Vy về. Bạn tôi ở đại học kể rằng, ngày ở chiến trường Quảng Trị, trong một trận đánh ác liệt, ta bị thương vong nhiều, chợt mọi người nghe thấy một cán bộ đại đội hô to: “Em nào là học sinh cấp 3 Thụy Anh cầm súng theo tôi”. Sau này mới biết, thầy cũng vào bộ đội và lúc đó thầy là Đại đội trưởng. Câu chuyện gieo vào lòng tôi một niềm tự hào vì khi biết một trong những thầy giáo đã từng dạy mình đã sống, chiến đấu như một người lính thực thụ, một cán bộ quân đội chân chính. Sau này, qua công việc, tôi có được gặp lại thầy. Mái tóc bạc trắng từ sớm nhưng thầy vẫn nồng nhiệt như ngày nào.
Hồi ấy, mỗi khi trường được đón thêm một thầy cô nào thì không chỉ có các thầy cô giáo mới vui vì có thêm đồng nghiệp mới mà ngay cả lũ học sinh chúng tôi cũng phấn chấn hẳn lên. Tôi còn nhớ có thầy kể ai được nhà trường phân công đi đón người mới cũng là một vinh dự. Phải lên thị xã đón về trường, khoảng 25 km nhưng ai cũng muốn đi. Đường liên xã quê tôi ngày ấy là đường đất, nhiều chỗ người dân đổ gạch vỡ ra đường, lèn xuống để chống lầy, ngày nắng khổ kiểu ngày nắng, ngày mưa khổ kiểu ngày mưa, lại cách trở sông đò nên đi lại rất khó khăn. Vậy mà ai cũng muốn đạp xe đi đón những người mới. Giờ nghĩ lại tôi thấy thương các thầy cô ngày ấy phải công tác ở một vùng quê xa xôi và nghèo như quê tôi, phải chịu bao nhiêu vất vả, thiếu thốn chứ không an nhàn như ở thành thị. Các thầy cô ngày ấy đã tận lực với nghề, vượt qua không chỉ khó khăn của buổi ban đầu, dìu dắt chúng tôi. Biết ơn các thầy cô nhưng cũng thương các thầy cô, thương nhiều bạn bè cùng khóa mới vào học được vài tháng đã tạm biệt nhà trường, gia đình, thầy cô, bè bạn ra chiến trường.
Phần lớn họ không trở lại!
Riêng lớp tôi thôi, năm ngoái khi họp lớp, nghe thầy chủ nhiệm tổng kết đã có 14 liệt sĩ, một anh hùng LLVT, hàng chục thương bệnh binh. Có bạn bây giờ hàng năm vẫn phải đi tẩy các chất độc thời chiến tranh còn lưu cữu lại trong người. Có người đến bây giờ mỗi khi trái gió trở trời vẫn bị các vết thương hành hạ.
Mái trường hôm nay.
Không phải không còn những bạn vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc mưu sinh. Nhưng, mỗi năm một lần, chúng tôi vẫn họp lớp. Gặp nhau, những câu chuyện ngày xưa về trường, lớp, về các thầy cô vẫn là những chủ đề xuyên suốt các cuộc trao đổi của cả lớp hay của một nhóm bạn gần gũi nhau. Có người đã hơn 70 còn phần đông ngót thất thập cổ lai hy cả rồi, thành ông bà hết cả, nhưng gặp nhau vẫn như ngày xưa, vẫn bạn, tớ, tao, mày như cái thuở thiếu thời. Một trong nhiều yếu tố gắn kết chúng tôi lại với nhau có ba năm chúng tôi được dạy dỗ trong trường cấp ba Tây Thụy Anh, có sự dìu dắt, chỉ bảo của các thầy, cô. Mãi mãi chúng tôi ghi trong lòng ơn nghĩa ấy.
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ về thầy Bùi Đăng Chinh, người dạy môn Văn cho chúng tôi năm lớp 10 và có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời tôi sau này. Số là năm học 1969-1970 chúng tôi phải làm hồ sơ để thi đại học. Tôi không nói cho gia đình biết mà quyết định làm hồ sơ xin đi học 10+2 để đi dạy cấp 2. Tôi tính toán thế này: học như vậy, thời gian ngắn hơn, đỡ được hai năm, đỡ bao nhiêu tốn kém. Lúc đó, tôi mới có 18 tuổi nhưng đã có nghĩa vụ làm việc giúp mẹ và đỡ đần bác dâu tôi. Nhà lại nghèo. Khi không thấy tôi nộp hồ sơ thi đại học, thầy Bùi Đăng Chinh đã gọi tôi lên hỏi lý do. Tôi thành thật nói với thầy là nhà em nghèo lắm, em không thể đi học đại học được, em lo đi làm kiếm cơm đã rồi sẽ lo học tại chức sau. Thầy lặng đi không nói gì nhưng một tuần sau, chú tôi làm ở phòng Giáo dục, đã truy tôi về ý định không thi vào đại học. Tôi kể tất cả và chú tôi khuyên tôi cố thi vào đại học, ông sẽ giúp đỡ thêm. Thì ra thầy đã gặp chú tôi nói chuyện về tôi và nói với chú khuyên tôi thi vào đại học. Thầy khuyên tôi nên thi vào Tổng hợp bởi thầy cho rằng học ở Tổng hợp sẽ “học được nhiều hơn ở sư phạm vì không phải đi kiến tập, thực tập”.
Nghe lời thầy, tôi và Phạm Phú Tỵ đã thi vào Tổng hợp Văn năm ấy và cả hai chúng tôi cùng thi đỗ. Sau năm 1975 thầy vào miền Nam công tác. Khoảng 1997-1998 gì đó, khi đi công tác Lâm Đồng, tôi và Vũ Văn Tấn đến thăm thầy. Thầy không nhận ra tôi nhưng khi tôi kể lại kỉ niệm thầy đã khuyên tôi vào Tổng hợp thế nào, thầy nói ngay “Phạm Quang Long phải không?”. Điều đó làm tôi xúc động. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện thăm thầy. Gần trăm tuổi rồi nhưng thầy vẫn nhớ kĩ những ngày ở Thụy Anh. Thầy còn cười “mình ở quê ông lâu quá, đến mức trong Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng họ còn ghi quê mình ở Thái Bình”. Tôi chịu ơn thầy nhiều vì thầy đã có những ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời tôi.
Trong những nỗi nhớ thuở học trò, có một điều không thể quên là những tình yêu mới chớm nở của đám học trò nhà quê những ngày xa xưa. Đến nay, đã năm mươi năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in những câu chuyện ấy. Nó trong trẻo, hồn nhiên và cũng rất “tây Thụy Anh” bởi, tôi nghĩ, các bạn tôi ngày ấy cũng yêu bản năng và ngờ nghệch như mọi người, dù chúng có “khôn sớm” hơn chúng tôi chút ít. Tôi muốn kể về những kỷ niệm ở vườn dâu ngày ấy kéo dài từ đầu làng Bái Thượng, chạy dài hết cánh đồng màu của thôn Thuyền Đỗ sang đến giáp làng Ri Phúc.
Ra Giêng, mưa phùn lay phay, những vạt dâu xanh ngút ngàn, mơn mởn. Giêng hai cũng là thời kỳ giáp hạt, tết nhất xong rồi, cái đói đã thập thò ngoài ngõ nên những chùm dâu chín mọng luôn hấp dẫn vô cùng. Tôi nhớ có đứa nói là ngày nào đi học cũng chỉ được ăn lưng lửng bụng. Trường đã xây xong nhưng còn hàng trăm thứ việc và đám học trò chúng tôi vẫn cứ nửa ngày đi học, nửa ngày đi lao động xây dựng trường. Đang tuổi lớn, nắm cơm mẹ chuẩn bị cho bữa trưa nào thấm tháp gì, ăn vèo cái là hết. Cơm đã ít, lại thường chủ yếu là muối vừng, ít chất nên lúc nào cũng cảm thấy đói. Thế là cả bọn, ăn xong là kéo nhau đi tìm dâu chín. Chả biết đám con gái có ăn hương, ăn hoa không chứ còn mấy đứa con trai bọn tôi cứ thấy có cành nào trĩu quả là hái xuống, vốc cả nắm cho vào miệng. Những quả dâu chín mọng, ngọt dịu dàng, dôn dốt chua đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được mùi vị. Nó thanh thanh ngọt, tươi mưởi và làm dịu đi rất nhiều những đòi hỏi của dạ dày. Cứ thế chúng tôi đi ngang, đi dọc vườn dâu, ngày một đi xa hơn chỗ tập kết nhưng cứ đến đầu giờ chiều, đi học hoặc lao động lại quay trở về.
Lũ trẻ đói ăn như chúng tôi đi vào vườn dâu chỉ có mỗi mục đích ấy còn những đứa lớn hơn thì lại có ý riêng. Chúng nó lớn hơn, nên vườn dâu là chỗ lý tưởng để ngồi trò chuyện. Chắc cũng chỉ là những chuyện trên mây dưới gió, thơ mộng và dại dột của đám mới lớn thôi chứ chả có gì như đám thanh niên ngày nay đâu. Tôi nhỏ tuổi nhưng dám bênh các bạn ấy vì, ngày ấy, mọi người tôn thờ tình yêu như một hành vi văn hóa, thiêng liêng, rất con người nhưng cũng phảng phất tinh thần tôn giáo ở chỗ không ai dám xúc phạm tình yêu. Ai làm điều đó, đi quá đà là bị dư luận xã hội phê phán dữ dội lắm.
Một hôm, tôi đang mê mải tìm hái những quả dâu chín thì thấy thấp thoáng hai đứa trong lớp đang ngồi với nhau dưới một gốc dâu, chả biết giời đất xung quanh có những gì. Tôi lẳng lặng rút lui, không dám tiến thêm nữa mặc dù ngay cạnh chúng nó, những cành dâu trĩu quả như mời gọi mà chúng có thèm để ý đến đâu? Tôi lẳng lặng lùi lại không phải sợ làm kinh động giây phút thần tiên của chúng mà sợ nếu chúng biết, mình khó tránh được những cái bạt tai. Chạy thêm một đoạn lại gặp một đôi khác, hình như ở lớp 8 C thì phải. Đó cũng là những đứa lớn nhất khóa. Té ra nơi này rất xa chỗ chúng tôi thường tụ tập. Đám này khôn, đi thật xa để trò chuyện cùng nhau còn tôi, cũng do đi tìm quả chín đã lạc vào thế giới của tình yêu mà không hay biết. Tôi đem “phát hiện” của mình kể cho một đứa bạn khác cũng nhỏ con như tôi nhưng nghịch thì thuộc loại thần sầu, kèm theo lời dặn: “Mày phải bí mật đấy. Lộ ra, chúng nó đánh tao chết”. Nó cười, nhe hàm răng sún ra, như xem thường đứa bạn cứ tưởng có bí mật gì ghê gớm lắm nhưng với nó chả có ý nghĩa gì: “ Tưởng gì? Tao biết chuyện này lâu rồi. Tao toàn đi canh cho chúng nó nói chuyện với nhau để tối về nó còn đưa tao qua cánh đồng về nhà. Đoạn ấy tối, vắng người, kinh bỏ mẹ”. Thằng bạn ấy, đến giờ tôi vẫn gọi là “túi khôn của lớp”. Té ra người khôn, không phải đủ lớn mới khôn mà khôn từ khi còn bé.
Giáp Tết năm trước về quê, tôi lại đi qua khu trường cũ. Từ ngày học đại học xong, tôi hầu như không trở lại trường vì các thầy cô dạy chúng tôi đã chuyển đi nơi khác gần hết. Có thầy cô cũ nhưng lại không biết mình là ai thành ra ngần ngại. Từ khi trường chuyển về địa điểm mới, tôi càng không muốn về lại nơi này. Chả còn dấu vết gì của ngôi trường xưa. Làng xóm khác ngày xưa quá. Bãi dâu xưa không còn. Lặng lẽ đi trên con đường xưa giờ đổ bê tông phẳng lì, tôi không còn nhận ra dấu vết nào của con đường đất lầy lội về ngày mưa, men theo bờ con mương chạy giữa cánh đồng chúng tôi đã từng đi. Chỉ còn cây đa xưa đứng cô độc giữa cánh đồng. Con mương xưa cũng không còn. Cánh đồng, cây đa cũng mất đi vẻ hoang vu và đe dọa trong những câu chuyện chúng tôi hay kể cho nhau nghe, để dọa nhau lúc tan trường trở về nhà khi trời đã nhập nhoạng tối. Ngôi trường xưa và những năm tháng sau Tết, mưa phùn lay phay phủ trắng lên vạn vật với những cơn gió lạnh thổi trên cánh đồng thông thống, những cơn gió lạnh làm lũ học trò mặc mong manh như đang dúi vào nhau cho đỡ rét, có bạn nào còn nhớ không? Có ai sau những năm tháng mưu sinh, phiêu dạt, cả những người thành đạt, cả những bạn chưa như ý trong cuộc đời, có còn nhớ những bãi dâu và những câu chuyện đẹp như cổ tích đã diễn ra trong cái ngút ngàn xanh ngày ấy?
Bây giờ nhớ tới trường xưa, tôi như một đứa trẻ xa nhà, tự nhận thấy mình là người có lỗi vì ít khi thăm lại ngôi trường mình đã được dạy dỗ và đã lớn lên. Không về nhưng trong lòng thì vẫn nhớ các thầy cô, nhớ ngôi trường có nhiều vất vả trong những ngày đầu xây dựng với lòng biết ơn và sự trân trọng. Có hơn 40 năm trong nghề, bây giờ vẫn còn đứng trên lớp, mỗi khi nhớ về các thầy cô và bè bạn của mình, không hiểu sao nỗi nhớ thuở học trò luôn sống lại, cựa quậy trong tôi. Có lẽ, quá khứ, dù gian khó nhưng một khi đã lắng lại thành kỉ niệm, nó trở nên đáng yêu hơn chăng? Có thể với người khác, chẳng là gì nhưng với tôi, nó như một trang sách đời giúp mở ra cả một thế giới.