Chăm sóc, hỗ trợ hiệu quả hơn các nạn nhân
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2017 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 (ngày 19/12) của Trung ương Hội Nạn nhân Da cam/Dioxin, Phó Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng ghi nhận: Trong năm 2017, Hội đã có nỗ lực rất lớn trong việc gây dựng quỹ, vận động nguồn lực, chăm sóc nạn nhân.
Phát biểu của Phó Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng tại hội nghị. (Ảnh: Trần Ngọc Kha).
Nhân đây, ông Nguyễn Văn Hùng tiếp tục khẳng định: Ban Dân vận Trung ương sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội trong việc thực hiện tốt chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân Da cam/Dioxin cho biết: Trong 10 tháng/2017, Hội tổng thu được gần 306 tỷ đồng (cả Trung ương và địa phương), vượt so với năm 2016 36,7 tỷ đồng; ủng hộ trực tiếp cho các nạn nhân 11,5 tỷ đồng. Tiêu biểu trong công tác này là các tỉnh hội Thanh Hóa - 43,6 tỷ đồng, Hải Phòng - 24,6 tỷ đồng, Bến Tre - 23 tỷ đồng… Tổng chi cho công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân trong 10 tháng/2017 đạt hơn 334 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội còn được cả nước có nhiều hoạt động giúp đỡ, tặng quà các nạn nhân, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.
Bên cạnh đó, 25 Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề thuộc Trung ương và các tỉnh, thành hội cũng có nhiều cố gắng nuôi dưỡng gần 900 cháu. Đến nay, Hội đã có cơ sở xông hơi giải độc, trong năm 2017 đã thực hiện được 694 đợt, với hơn 4.000 người trên cả nước.
Trung tâm Bảo trợ xã hội/Trung ương Hội được xây dựng khá khang trang, nền nếp, vừa nuôi dưỡng vừa phục hồi chức năng, dạy nghề, xông hơi giải độc và trồng được hàng nghìn cây xanh, ăn quả, thả cá, nuôi bò. Trường Cao đẳng dạy nghề của Trung ương Hội năm 2017 đã đào tạo được 14 lớp…
Trong năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Hội tích cực triển khai là đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân. Hội phối hợp với Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm về chất độc da cam để vận động và trình Quốc hội Mỹ thông qua Dự luật Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (HR-334).
Trung ương hội và nhiều tỉnh, thành hội đã tích cực ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga ở Pháp (đã quyên góp được 85.000 USD và 317 triệu đồng cùng hơn 300.000 chữ ký ủng hộ cho vụ kiện). Ngoài ra, Hội còn phối hợp với cơ quan ngoại giao vận động cán bộ ngoại giao, Việt kiều tại Đức, Pháp, Thụy Sĩ ủng hộ 7.770 Euro cho vụ kiện.
Trong năm, Trung ương Hội Nạn nhân da cam/dioxin cũng đã tích cực tham mưu Ban Bí thư về công tác chuẩn bị Đại hội IV, nhiệm kỳ 2018-2023. Theo báo cáo, hiện đã có 20 tỉnh thành hội đã sẵn sàng cho công tác đại hội tới.
Trung ương hội đề ra cơ bản chuẩn bị xong cho công tác đại hội trên cả nước trong tháng 6/2018 để Đại hội IV diễn ra vào cuối năm 2018 thành công tốt đẹp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018 nữa là Hội sẽ làm tốt công tác rà soát, thống kê chi tiết những nạn nhân da cam/dioxin thế hệ thứ ba và đề xuất bổ sung chính sách đối với đối tượng này. +Trong năm tới, Hội cũng đề ra nhiều giải pháp đổi mới cách thức vận động nguồn lực, xây dựng quỹ, chăm sóc nạn nhân theo hướng hiệu quả hơn. Trong đó, Hội sẽ coi trọng hỗ trợ trực tiếp theo địa chỉ, công khai dân chủ, phát hiểu mô hình kết hợp nuôi dưỡng ở trung tâm với hỗ trợ chăm sóc tại gia đình để giúp đỡ nạn nhan mang tính lâu bền.
Trong công tác đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân, Hội triển khai dự án do Đại sứ quán Nhật Bản giúp đỡ, phối hợp thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Chi Lê và Việt Nam giúp đỡ trẻ em bị chất độc da cam…
Trần Ngọc Kha