Ngành hải quan làm Lễ công bố đạt mốc 400 tỷ USD xuất nhập khẩu
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Dấu mốc 400 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu mà Việt Nam vừa đạt được là kết quả của sự nỗ lực của cả nước, của mỗi doanh nghiệp và người nông dân, khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế về kinh tế của Đảng là đúng đắn”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi lễ.
Chiều ngày 19/12 tại Trụ sở Tổng cục Hải quan Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Uỷ ban một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành đã dự Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Dương Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ngày 12/12/2017, hệ thống hải quan đã ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Nhìn lại chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu.
Năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước mới chỉ ở con số khiêm tốn 30 tỷ USD. Sau 6 năm (tới năm 2007), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bốn năm sau (năm 2011) quy mô xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Con số 300 tỷ USD tiếp tục đạt được với khoảng thời gian tương tự sau 4 năm (năm 2015).
Rút ngắn một nửa thời gian, chỉ cần 02 năm tiếp theo (khoảng giữa tháng 12 năm 2017), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã chinh phục mức 400 tỷ USD, đặc biệt xuất khẩu hàng hoá đã vượt mốc 200 tỷ USD, đạt mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2017.
Như vậy, tính từ năm Việt Nam chính thức gia nhập WTO đến nay (sau 10 năm), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần.
Theo Tổng cục Hải quan, dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD.
Quang cảnh Lễ công bố.
Nhờ đó mà thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Dấu mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước, sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nông dân và trực tiếp là ngành hải quan, khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế ”.
Phó Thủ tướng cho rằng cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu thì trong hai năm qua, Việt Nam bắt đầu đã xuất siêu thương mại kể từ khi gia nhập WTO. Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ là 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần cho Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế- xã hội của năm 2017.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh thành công của ngành hải quan và Bộ Tài chính trong năm vừa qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Uỷ ban Cơ chế một cửa Quốc gia, một cửa ASEAN và Tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm các thủ tục hải quan, đặc biệt là đặt mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan chuyên ngành.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các Bộ liên quan phải tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan chuyên ngành. “Nhà nước chỉ tập trung xây dựng quy trình thủ tục, còn công tác kiểm tra phải ưu tiên kêu gọi xã hội hoá, tư nhân tham gia đầu tư thiết bị, các trung tâm kiểm định thiết bị, đo lường”, Phó Thủ tướng nói.
Chủ tịch Uỷ ban yêu cầu Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục hiện đại hoá hải quan tới năm 2020 theo Chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh cả về hàng hoá, con người và phương tiện.
Các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách và bảo đảm sự phối hợp trong kiểm tra hải quan chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ, tiết giảm hơn nữa thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục nâng hạng môi trường kinh doanh và chỉ số cạnh tranh quốc gia vào nhóm ASEAN 4, thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu.