Đảm bảo giáo dục hòa nhập có chất lượng

Mạnh Dũng 21/12/2017 08:00

Tại Hà Nội, Bộ GDĐT vừa phối hợp với Tổ chức cứu trợ nhân đạo CRS Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư quy định về giáo dục hòa nhập người khuyết tật. Dự thảo Thông tư này nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của người khuyết tật...

Dự thảo này quy định về giáo dục hòa nhập người khuyết tật bảo đảm cơ hội phát triển các kĩ năng và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật. Bao gồm: Tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập người khuyết tật; nhiệm vụ và năng lực của giáo viên, giảng viên, nhân viên trong giáo dục hòa nhập; nhiệm vụ và quyền hạn của người khuyết tật; sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục, gia đình và xã hội trong giáo dục hòa nhập.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa, từ ngày 22/5/2006, Bộ đã ban hành Quyết định số 23/2006/QĐ-BGDĐT quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật. Từ đó đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua nhiều văn bản pháp luật, đề án mới liên quan đến người khuyết tật như Luật Người khuyết tật (năm 2010); Đề án hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật được Quốc hội thông qua năm 2014...

Lần này, Bộ GDĐT thành lập Ban Soạn thảo văn bản thay thế Quyết định số 23 cho phù hợp với Luật Người khuyết tật, các văn bản hướng dẫn thi hành và thực tiễn giáo dục hòa nhập người khuyết tật. Bà Nghĩa bày tỏ mong muốn, từ thực tiễn hoạt động giáo dục hòa nhập thời gian qua, các đại biểu sẽ đóng góp ý kiến để hoàn thiện Thông tư, sớm hoàn thiện và triển khai nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật tham gia học tập hòa nhập.

Góp ý về dự thảo Thông tư, bà Julie Keane- Trưởng đại diện Tổ chức CRS tại Việt Nam nhận định, Dự thảo có một số nội dung mới, tập trung hơn vào quyền của người khuyết tật; vai trò quan trọng của các cơ sở giáo dục hòa nhập; yêu cầu về năng lực của giáo viên, giảng viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật học tập tốt; sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục cho người khuyết tật; công cụ giáo dục hòa nhập người khuyết tật cũng được quy định rất rõ ràng.

Đây là những khía cạnh quan trọng bảo đảm giáo dục hòa nhập có chất lượng. Bà Julie Keane cũng đề xuất Bộ GDĐT nên xem xét một số yếu tố liên quan đến hệ thống hỗ trợ cho công tác giáo dục hòa nhập người khuyết tật như trợ lý giáo viên, sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ học tập từ nguồn lực sẵn có tại các cơ sở giáo dục..

Sau khi hoàn thiện và được thông qua, Thông tư này sẽ được áp dụng đối với tất cả các bậc học từ cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, đại học; trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; các tổ chức và cá nhân thực hiện giáo dục hòa nhập người khuyết tật.

Mạnh Dũng