Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly: Không ngừng học hỏi
Bước sang tuổi 35, ca sĩ Nguyễn Khánh Ly vẫn rất chăm chỉ học thanh nhạc, dù cô đã sở hữu nhiều giải thưởng âm nhạc. Mới đây, Khánh Ly lại tiếp tục giành giải Nhì cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch TP HCM 2017.
Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly.
PV:Chào Khánh Ly. 5 năm qua chị đã chuẩn bị những gì cho cuộc thi được cho là “đỉnh cao” của âm nhạc?
Ca sĩ Khánh Ly: Hàng ngày tôi vẫn miệt mài luyện thanh. Nhất là 3 tháng trước cuộc thi là một lịch tập luyện với cường độ rất cao, có ngày tập suốt cả 3 ca từ sáng đến tối. Bên cạnh đó tôi cũng phải tìm tòi, hoàn thiện giọng hát của mình ở những quãng âm vực thấp, chuyển âm vực cao, những nốt chạy, nốt phóng to, hát to, rồi hát nhỏ lại... Đó là những kỹ thuật rất khó, phải tập luyện liên tục mới có thể thực hiện được.
Được mệnh danh là “cô ong thợ cần mẫn” của dòng nhạc thính phòng – Opera, chắc hẳn để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chị đã phải hy sinh nhiều thứ?
- Thú thật là việc dung hòa giữa âm nhạc và cuộc sống gia đình của cá nhân tôi cũng khá “gập ghềnh”. Sau khi giành giải Ba Sao Mai 2011 và tốt nghiệp Đại học năm 2012, tôi tiếp tục thi cao học rồi làm nghiên cứu sinh, trong khi nuôi 2 con nhỏ.
Với tôi Opera là nghệ thuật đỉnh cao, nếu không có kỹ thuật thì không thể hát được và nếu muốn theo nghề, không có cách nào khác là phải học không ngừng. Đặc biệt, với một giảng viên thanh nhạc như tôi, việc học lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tôi muốn học trò mình thấy rằng, nghệ thuật là không bao giờ có điểm dừng và dù ở bất cứ lứa tuổi nào, người ta cũng có thể gặt hái thành quả nếu có đam mê.
Điều gì mà chị muốn gửi gắm đến các bạn trẻ đã và đang có ý định theo đuổi con đường âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc thính phòng – Opera?
- Thính phòng là dòng nhạc khó học, cũng không dễ dàng mang lại tiền bạc và danh tiếng. Điều này khiến không ít sinh viên thanh nhạc nản lòng, chọn con đường khác ít chông gai hơn. Trước đây tôi cũng từng nghĩ vậy, rằng mình hát dòng này làm sao đi diễn kiếm tiền. Nhưng sau này tôi mới nhận ra mình đã sai lầm, để rồi mất công quay lại từ đầu. Tuy nhiên, quan điểm của tôi dường như trái ngược với câu chuyện ầm ĩ “chỉ cần cầm mic lên là đã thành ca sĩ” trong thời gian qua.
Theo tôi học thuật là điều nhất định phải có đối với sinh viên theo học âm nhạc chuyên nghiệp. Từ bài học của chính mình, tôi muốn truyền học trò một nền tảng vững chắc. Không thể nóng vội hái lúa non được. Xây nhà phải từ móng và có móng chắc thì mới dựng nên được nhà to, đẹp. Có thể việc mưu sinh sẽ khiến bạn chậm hơn người khác một thời gian, nhưng khi đã có nền tảng vững chắc thì bạn có thể hát những dòng nhạc khác rất dễ dàng.
Xin cảm ơn chị!