Thao túng đất đai, bất động sản: Khét tiếng Vũ 'nhôm'
Ngày 22/12, những thông tin liên quan đến việc Bộ Công an khám xét nhà đại gia Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) ở số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu (Đà Nẵng) vào chiều ngày 21/12 vẫn chưa được cơ quan có trách nhiệm công bố.
Tuy nhiên, câu chuyện về thân thế, chiêu thức, thủ đoạn thao túng đất đai, bất động sản để trở thành đại gia vừa giàu khét tiếng vừa đầy tai tiếng với tên gọi Vũ “nhôm”, là đề tài nóng bỏng - không chỉ với người dân TP biển Đà Nẵng mà còn với người dân cả nước quan tâm theo dõi cuộc chiến chống tham nhũng đang trở nên quyết liệt.
Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).
Vũ “nhôm” là ai?
Thời gian gần đây, cái tên Vũ “nhôm” được nhắc đến nhiều hơn bởi nó liên quan đến hàng loạt dự án (DA) đầu tư, sang nhượng không minh bạch, hàng loạt nhà cửa công sản của TP sang nhượng trái quy định bị thanh tra và bị điều tra.
Tháng 10/2017, một cử tri quận Cẩm Lệ, đã chất vấn thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP này rằng: Vũ nhôm là ai?! Vũ “nhôm” có phải là mafia của Đà Nẵng?!
Ngày 18/12/2017, cử tri quận Sơn Trà cũng chất vấn Đoàn đại biểu HĐND TP Đà Nẵng: Có hay không việc Vũ “nhôm” ép lãnh đạo TP để ông ta mua lại trụ sở Hải quan TP Đà Nẵng? Vì sao một tư nhân như Vũ “nhôm” lại được ưu ái mua nhiều công sản ở các vị trí mặt tiền trung tâm TP ?!.
Sáng 21/12, ngay trước thời điểm nhà số 82 Trần Quốc Toản của đại gia Vũ “nhôm” và trụ sở Công ty cổ phần Bắc Nam 79 (thuộc sở hữu của Vũ “nhôm”) bị khám xét; 2 cán bộ từng đảm đương trọng trách trong quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tá Lê Công Thạnh (nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng) và Thiếu tướng Trương Minh Hùng (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5), đã nêu câu hỏi đầy trăn trở với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa về nhân vật có tên gọi Vũ “nhôm” từng thao túng các DA hạ tầng, đất đai, can thiệp vào chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TP, thậm chí đe dọa sẽ cho Chủ tịch UBND TP “nghỉ việc”.
Vậy Vũ “nhôm” là ai mà làm được nhiều việc tày đình đến vậy? Vũ “nhôm” tên thật là Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi) ở Đà Nẵng.
Theo một số người dân ở gần nhà vợ của Phan Văn Anh Vũ thì anh này được gọi là Vũ “nhôm” do bên gia đình vợ làm nghề nhôm.
Tên gọi Vũ “nhôm” thực sự đình đám kể từ thời điểm trước và sau năm 2.000 - khi Đà Nẵng quyết liệt thực hiện quy hoạch, đền bù giải tỏa, tăng tốc phát triển hạ tầng đô thị.
Vũ “nhôm” với khả năng giao tiếp sẵn có, đã nhanh chóng tiếp cận với một số cá nhân có vai trò quyết định, thực hiện các chiêu thức môi giới đất đai, bất động sản.
Chỉ vài thương vụ sang qua bán lại, Vũ “nhôm” đã trở thành đại gia giữ ngôi cao ngất ngưởng trên thị trường đất đai, bất động sản ở Đà Nẵng.
Có hàng ngàn tỷ trong tay, Vũ “nhôm” dễ dàng chi phối, thao túng, giành lấy cho mình những DA lớn. Hàng loạt vị trí đất đắc địa, đất vàng, đất kim cương ở trung tâm Đà Nẵng, ở ven biển, ven sông Hàn cùng hàng chục nhà công sản của Đà Nẵng lần lượt bị đại gia Vũ “nhôm” thâu tóm, sang tay, kiếm lời.
Một phần dự án lấp vịnh biển Đà Nẵng làm The Sunrise Bay liên quan đến Vũ “nhôm” đang bị thanh tra. Ảnh: Thanh Tùng.
Cần có quy định quản lý tài sản đất đai công sản phù hợp
Tháng 9/2017, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị UBND TP Đà Nẵng cung cấp hồ sơ để điều tra việc mua bán 31 nhà, đất công sản và 9 DA đầu tư liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ.
Tháng 10/2017, Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng trong quá trình làm việc với Thanh tra Chính phủ và Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thể hiện: Việc xác định giá và hệ số các khu đất mà ông Phan Văn Anh Vũ mua có biểu hiện làm lợi cho doanh nghiệp.
Sau khi doanh nghiệp mua nhà, đất công sản không sử dụng đúng mục đích như tờ trình xin mua ban đầu mà đem bán để hưởng chênh lệch.
Có thể nói, không chỉ người dân, mà ngay cả một số cán bộ có trách nhiệm trong bộ máy hành chính của Đà Nẵng cũng cảm thấy e ngại trước Vũ “nhôm”.
Phần vì đại gia này có quá nhiều tiền, quá nhiều chiêu thức, thủ đoạn, phần vì bóng gió nghe nói đại gia là người của Bộ Công an… Thực hư phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, tại buổi gặp mặt sỹ quan quân đội cao cấp đã nghỉ hưu ngày 21/12 nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết Vũ “nhôm” mang quân hàm Thượng tá công an.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại gia Vũ “nhôm” là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 (trụ sở tại số 8, Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP HCM), Chủ tịch Hội đồng thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng, Công ty TNHH I.V.C.
Tại thời điểm bị cơ quan công an khám xét nhà, Vũ “nhôm” là người đại diện pháp lý của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 (địa chỉ tầng 2, tòa nhà số 32, đường Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng). Một nguồn tin cho biết, từ tháng 4/2017 – khi nhiều DA đất đai, bất động sản có dấu hiệu bị thanh tra, điều tra, đại gia Vũ nhôm đã nhanh chân thoái vốn tại các doanh nghiệp nêu trên.
Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 sửa đổi ngày 26/4/2017 cho thấy ông Phan Văn Anh Vũ đã rút toàn bộ 650 tỷ đồng, tương đương 92,86% vốn.
Công ty CP Nova Bắc Nam 79 ở thời điểm này cũng không còn cổ phần mang tên Phan Văn Anh Vũ mà đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Chấn Phong.
Đáng chú ý là tại DA có tên gọi The Sunrise Bay (Vầng trăng khuyết), Vũ “nhôm” đã rút 10% vốn thuộc 2 pháp nhân là Công ty CP Xây dựng 79 và Công ty CP Nova Bắc Nam 79 kể từ ngày 19/4/2017 đến 28/6/2017.
Để một người như Vũ “nhôm” thao túng các DA đất đai, thâu tóm nhà công sản một cách công nhiên rồi tìm cách chạy tội khi bị cơ quan có trách nhiệm sờ đến, không phải là chuyện mới mẻ.
Việc này được ông Hồ Việt (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ) nhìn nhận: Từ 2006, khi Đà Nẵng đẩy mạnh đổi đất lấy hạ tầng, nhiều DA, nhà đất công sản thuộc quyền sở hữu Nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng được UBND TP tiến hành giao dịch mua bán, chuyển nhượng cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Toàn bộ phần tài chính bán chênh lệch đều rơi vào tay các cá nhân. Nhà nước bị thất thu một khoản ngân sách lớn.
Nhìn nhận vụ việc đại gia Vũ “nhôm” đang sở hữu rất nhiều vị trí đất và khối tài sản khổng lồ ở trung tâm Đà Nẵng, ven biển, ven sông Hàn cũng như 9 DA lớn và 31 nhà công sản đang bị điều tra; ông Hồ Việt cho rằng cần phải nhanh chóng có nhưng thay đổi về quy định quản lý tài sản đất đai công sản phù hợp với thực tiễn.
9 dự án đầu tư liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ đang bị điều tra gồm: Công viên An Đồn (năm 2010), Khu đô thị Harbuor Ville của Công ty CP Đầu tư Mega (năm 2008), Khu đất tại đường 2/9 – Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012), DA Phú Gia Compoud phường Tam Thuận, quận Thanh Khê (năm 2007), Khu dịch vụ du lịch nhà hàng – café – bar và bến du thuyền (khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng, phía Tây cầu Rồng, năm 2015), DA khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha, năm 2008),Lô 12 khu B4.1 khu dân cư An Cư mở rộng phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà (năm 2009), Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (Phú Gia Villa Compound phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010), Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của Công ty IVC (4,5ha phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007). 31 nhà công sản đang bị thanh tra và điều tra liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ gồm: Nhà số 16 Bạch Đằng, 20 Bạch Đằng, 158 Bạch Đằng, 7 Bạch Đằng, 100 Bạch Đằng, 86 Bạch Đằng, 318 Lê Duẩn, 57 Lê Duẩn, 17 Lê Duẩn, 354 Hùng Vương, 81 Hùng Vương, 89 Hùng Vương, 45 Nguyễn Thái Học, 47 Nguyễn Thái Học, 49 Nguyễn Thái Học, 73 Nguyễn Thái Học, 106 Trần Phú, 37 Pasteur, 39 Pasteur, 2 Hải Phòng, 82 Trần Quốc Toản, 107 Hoàng Hoa Thám, 22 Cô Giang, 32 Lê Hồng Phong, 34 Hoàng Văn Thụ, 11 Phạm Hồng Thái, 121 Phan Châu Trinh, 319 Lê Duẩn, 36 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng, 38 Bạch Đằng mở rộng. 2 dự án liên quan được Thanh tra Chính phủ “điểm danh” từ năm 2013 Trong số 6 dự án được Thanh tra Chính phủ “điểm danh” có sai phạm về thu tiền sử dụng đất có 2 dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ. Dự án thứ nhất: Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng. Năm 2006, UBND thành phố Đà Nẵng chuyển nhượng cho ông H. và bà N., với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông H. và bà N. không triển khai thực hiện dự án, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan với giá chuyển nhượng là 581,526 tỷ đồng (thu chênh lệch 495,374 tỷ đồng). Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất vẫn bỏ trống, chưa được đầu tư (năm 2013). Dự án thứ hai: Khu đất 29 ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước giao cho Công ty CP 79 thấp hơn giá thành phố quy định làm lợi cho Công ty CP 79 là 570,826 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách nhà nước của tổ chức và cá nhân có liên quan, tập trung vào 6 dự án (trong đó có 2 dự án liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ kể trên). Nếu cấu thành tội phạm thì xử lý theo Bộ luật Hình sự. Anh Tú |